Kinh nghiệm chống dịch Covid-19 từ thực tiễn tỉnh Bình Dương

Cập nhật: 15-12-2022 | 09:34:46

 Sáng nay (15-12), Hội thảo khoa học “Công tác phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi kinh tế - xã hội: Từ thực tiễn tỉnh Bình Dương và vùng Nam bộ” diễn ra tại Học viện Chính trị khu vực II (TP.Hồ Chí Minh). Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, đặc biệt đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta, Bình Dương tâm dịch của các tỉnh miền Đông Nam bộ. Trên mặt trận không tiếng súng nhưng vô cùng cam go, thử thách ấy, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và từng người dân Bình Dương không ngại khó khăn, vất vả lao vào tâm dịch để kiểm soát tốt dịch bệnh, đưa cuộc sống người dân trở về trạng thái “bình thường mới”.

 Chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 trong khu cách ly tại TP.Dĩ An

 Phân tầng điều trị theo mô hình tháp 3 tầng

Trong đợt dịch bệnh thứ 4, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Bình Dương diễn biến phức tạp. Số bệnh nhân nguy kịch cần hồi sức tăng cao, trong khi hệ thống điều trị tầng 3 vẫn chưa được thiết lập, tỷ lệ bệnh nhân tử vong tại tầng 2 và tầng 1 rất cao. Giảm tỷ lệ tử vong được xem là vấn đề then chốt trong công tác điều trị. Thuốc, trang thiết bị y tế và nhu yếu phẩm phục vụ chống dịch rất thiếu thốn. Lực lượng y tế chống dịch mỏng, các bệnh viện dã chiến hoạt động hết công suất và thiếu nguồn lực hỗ trợ, công tác tiêm vắc xin ngừa Covid-19 còn nhiều khó khăn.

Theo biểu đồ dịch bệnh trong tháng 7, 8-2021, số ca tử vong do Covid-19 tại tỉnh tăng, trung bình từ 20 - 30 ca/ ngày. Bộ Y tế điều động nhân lực “tinh nhuệ” nhất cùng với tỉnh gấp rút xây dựng trung tâm hồi sức tích cực để tăng cường công tác điều trị hồi sức cho các trường hợp nặng, nguy kịch, nhằm giảm tỷ lệ tử vong. Nhờ áp dụng đúng chiến lược điều trị bằng mô hình tháp 3 tầng, Bình Dương đã kéo giảm tỷ lệ tử vong và suốt trong nhiều tháng không ghi nhận bệnh nhân tử vong do Covid-19.

Nhớ lại những ngày cuối tháng 7-2021 vào chi viện cho Bình Dương, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh ấn tượng với công tác chăm sóc F0 tầng 1 ở các bệnh viện dã chiến trực thuộc Becamex IDC. PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết đây là mô hình được ứng dụng công nghệ số. Có ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 5.000 F0 nhưng vẫn vận hành nhịp nhàng, hiệu quả. Tuy nhiên, tầng 2 và tầng 3 là những tầng điều trị bệnh nhân có triệu chứng nhưng công tác điều trị lại rất yếu, không chỉ riêng Bình Dương mà là điểm yếu của rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Giải pháp củng cố hệ thống điều trị tầng 2 là không được để thiếu hụt oxy và tăng cường trang thiết bị đặc biệt là hệ thống oxy dòng cao (máy HSNO), máy thở không xâm lấn, oxy bồi. Làm tốt tầng 2 sẽ giảm bớt lượng bệnh nhân phải chuyển lên tầng 3.

“Ở tầng 3 là khu điều trị bệnh nhân nặng, được theo dõi qua hệ thống monitor và camera. Để các tầng điều trị phối hợp nhịp nhàng thì bác sĩ cần nắm vững nguyên tắc không chuyển bệnh nhân quá sớm nhưng cũng không được chuyển quá muộn. Chúng tôi phân cho các bệnh viện hồi sức ở tầng 3 có trách nhiệm liên kết với bệnh viện ở tầng dưới tạo nên hệ nâng đỡ, luôn có sự trao đổi, hội chẩn, đào tạo, tập huấn nhằm phát hiện trường hợp nặng ở tuyến dưới đưa lên tuyến trên, góp phần giảm tỷ lệ tử vong”, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu nhớ lại.

Những kinh nghiệm chống dịch quý báu

Trong cuộc chiến chống lại đại dịch với nhiều cam go, thử thách, nhiều lần ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã hiệu triệu tinh thần chống dịch của toàn dân. Ông nhấn mạnh: “Để tinh thần “Chống dịch như chống giặc” lan tỏa rộng rãi, chuyển hóa thành hành động trong cộng đồng thì mỗi cán bộ, đảng viên, đội ngũ cán bộ chủ chốt và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp cần nêu cao hơn nữa tính tiên phong, gương mẫu đi đầu trong quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng, Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh”. Đây chính là khởi nguồn để Bình Dương tạo ra những hiệu ứng tích cực, thiết thực góp phần chiến thắng đại dịch.

Quả vậy, thực hiện lời kêu gọi của Bí thư Tỉnh ủy, khắp nơi cán bộ, đảng viên nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, không ngại khó khăn, nguy hiểm chung tay bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, những cán bộ, đảng viên công tác trong ngành y tế làm nhiệm vụ hàng tháng không về nhà, tập trung sức, lăn xả vào việc điều trị, chăm sóc người bệnh. Nhiều cán bộ, đảng viên trong quân đội, công an phục vụ tận tình trong khu cách ly, bảo đảm trang thiết bị, nhu yếu phẩm và giúp bà con trải qua những ngày cách ly hay “khóa chặt, đông cứng” ý nghĩa. Họ thực sự là những chiến binh trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh.

Hiện nay, Bình Dương đã cơ bản kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”. Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chia sẻ có nhiều yếu tố then chốt quyết định tới việc giảm tỷ lệ tử vong. Đầu tiên là chủ trương “xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ phòng, chống dịch”, cùng với đó là chiến dịch xét nghiệm diện rộng nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, phát hiện sớm F0 trong cộng đồng có nguy cơ cao. Nhờ phát hiện sớm F0 từ các Trạm Y tế xã, phường lưu động nên người dân tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất các gói thuốc tự theo dõi, điều trị tại nhà. Ngoài ra, nhân tố quan trọng góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, tử vong là Bình Dương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin thần tốc kết hợp với củng cố, xây dựng mô hình điều trị 3 tầng đạt hiệu quả cao.

Trong đợt dịch bệnh thứ 4, tính đến nay Bình Dương đã có hơn 659.000 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh. Đằng sau niềm hạnh phúc và sức khỏe hồi phục tốt của người bệnh là những kinh nghiệm quý báu của hệ thống điều trị được đúc kết từ việc quản lý, theo sát diễn tiến sức khỏe của người bệnh, nhất là những ca bệnh trở nặng. Đây cũng là cống hiến thầm lặng nhưng rất đáng trân quý của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch, những người sẵn sàng quên mình cứu người cũng như sự đồng lòng chung tay của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, từng người dân quyết tâm chiến thắng đại dịch”.

(PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

 HOÀNG LINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên