Ngữ văn là môn học trong số 3 môn thi bắt buộc tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Nhằm chuẩn bị tốt kiến thức cho học sinh (HS) ở kỳ thi quốc gia năm 2016, năm nay Sở Giáo dục - Đào tạo sớm có kế hoạch tổ chức hội thảo, để giáo viên (GV) bộ môn chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức giảng dạy môn ngữ văn.
Giáo viên tham gia hội thảo kinh nghiệm giảng dạy giúp nâng cao chất lượng thi THPT quốc gia môn ngữ văn
Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, trường THPT chuyên Hùng Vương có 95,2% HS đạt điểm trên 5 ở môn ngữ văn. Theo cô Võ Thị Hải Chi, vì đây là kỳ thi 2 trong 1 nên có những thay đổi nhất định từ thời gian thi đến cách thi, đề thi, phương thức công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Do đó, nhà trường nói chung và tổ ngữ văn nói riêng luôn cập nhật những thay đổi, thông báo của Bộ GD-ĐT từng ngày, từng tuần để kịp thời chấn chỉnh việc ôn tập cho HS. Kế hoạch ôn tập được tổ đưa ra trong năm học này là tăng cường bám sát đề thi minh họa, đề thi chính thức năm 2014-2015. Tăng cường luyện tập từ đề cụ thể đến nâng cao, luôn gắn lý thuyết với thực hành, gắn nội dung văn bản với đề cụ thể. Rèn luyện cho HS thao tác phân tích, cảm nhận nhiều hơn, đặc biệt là ở kiểu đề phân tích, cảm nhận một đoạn văn, đoạn thơ để bài viết của các em có sự sâu sắc hơn, qua đó rèn luyện cho các em kỹ năng khai thác văn bản. Tăng cường cho HS luyện đề ở lớp, ở nhà. Trong các lần kiểm tra giữa kỳ, tổ cố gắng ra đề bám sát theo đề thi THPT quốc gia, các bài kiểm tra 15 phút tăng cường phần đọc - hiểu. Trong các tiết dạy buổi 2, GV cho HS tăng cường luyện tập thêm các đề về nghị luận xã hội, định hướng để nâng cao vốn hiểu biết về xã hội cho HS.
Đối với ôn tập phần đọc hiểu văn bản nghệ thuật dạng thơ, các GV trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến đã linh hoạt kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy, tạo hứng thú cho HS tiếp nhận bài một cách chủ động. GV cho HS giữa các nhóm tự đặt câu hỏi với nhau, từ đó các em có thể cùng tranh luận về một nội dung của bài thơ đang tìm hiểu. Sau mỗi bài, cho HS luyện tập một phần văn bản vừa học để rèn luyện kỹ năng làm phần đọc hiểu. Về phương pháp học của HS, GV hướng dẫn các em chủ động soạn bài ở nhà theo hệ thống câu hỏi thầy cô cho trước. HS tích cực, chủ động tìm hiểu và trả lời câu hỏi đặt ra ở trên lớp; tham gia tích cực, phối hợp với các bạn trong nhóm để hoàn thành câu hỏi thảo luận.
Với phần đọc hiểu văn bản nghệ thuật phần văn xuôi, các GV của trường THPT Huỳnh Văn Nghệ (TX.Tân Uyên) linh hoạt về phương pháp và cách tổ chức ôn tập. Với đề vừa sức, HS làm việc độc lập tại chỗ, sau đó lên bảng trình bày và GV sửa ngay. Hoặc thầy cô ra đề kiểm tra nhanh, thu và chấm trên lớp. Với đề khó GV cho các em thảo luận nhóm, trình bày, nhận xét và GV sửa. Thầy cô cũng nhắc nhở các em khi làm bài nên đọc kỹ đề, xác định rõ yêu cầu của đề. Đề bài hỏi gì thì làm đó. Trả lời theo từng ý ngắn gọn, không viết dài dòng, lan man, không làm thừa.
Từ năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT đã đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá. Với môn ngữ văn có thêm phần đọc hiểu. Các GV tổ văn của trường THPT Tây Nam (TX.Bến Cát) yêu cầu HS phải nhận dạng được phong cách ngôn ngữ của văn bản; nắm được nội dung chính, chủ đề, ý nghĩa của văn bản. Nắm được các thao tác lập luận trong văn bản, biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản. Phân tích được đặc trưng của văn bản chính luận được thể hiện trong một văn bản cụ thể.
Theo kinh nghiệm của các GV dạy văn của trường THPT Võ Minh Đức (TP.Thủ Dầu Một), dạng đề nghị luận xã hội thường xuất hiện trong các kỳ thi đại học - cao đẳng từ năm 2009 đến nay. Thường những dạng đề này là dạng đề nghị luận về một tư tưởng đạo lý. Vấn đề được cho bao giờ cũng có một mặt phải và một mặt trái. Đối với mở bài, HS nêu được vấn đề. Phần thân bài giải thích 2 vế, giải thích cả câu; bàn luận; trình bày tác hại của mặt xấu; bài học nhận thức và hành động. Phần kết bài đánh giá chung về vấn đề.
Các giáo viên thuộc tổ nghiệp vụ bộ môn ngữ văn của Sở GD-ĐT nhắc nhở, khi ôn tập các dạng đề nghị luận văn học, nội dung ôn tập GV phải bám sát chương trình sách giáo khoa lớp 12 ban cơ bản. HS phải tóm tắt được tác phẩm văn xuôi, nhớ các chi tiết quan trọng và nắm được kỹ năng làm bài nghị luận văn học. Chú ý đến các yêu cầu về chuẩn kiến thức - kỹ năng trong chương trình, phải phù hợp với mức độ, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia. GV nên căn cứ vào cấu trúc đề thi để phân bố kiến thức cho hợp lý. Trong quá trình ôn tập, GV phải giúp HS nhận dạng được các kiểu bài nghị luận khác nhau và vận dụng kiến thức cho phù hợp để giải quyết, đồng thời rèn kỹ năng làm bài cho HS.
H.THÁI (ghi)