Kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp các môn: văn, toán, Anh văn

Cập nhật: 30-03-2012 | 00:00:00

Bộ GD-ĐT vừa công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012 gồm: Toán, Văn, Anh văn, hóa, lịch sử và địa lý. Để nâng cao tỷ lệ và chất lượng tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012, mới đây tổ nghiệp vụ các bộ môn: Toán, văn, Anh văn của Sở GD-ĐT và các giáo viên (GV) đã cùng ngồi lại để chia sẻ những kinh nghiệm trong việc ôn thi tốt nghiệp. Chúng tôi đã ghi lại một số ý kiến hay và nêu ra đây để các GV và học sinh (HS) cùng tham khảo.  Ngoài hướng dẫn của thầy, HS cùng chia sẻ kinh nghiệm trong học tập để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới

Cô Trần Thị Mỹ Dung, GV văn trường THPT Bến Cát: Kinh nghiệm ôn tập thơ trữ tình

Trong cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT hiện nay luôn có câu làm văn nghị luận văn học. Câu này rất quan trọng, có tính quyết định điểm số của môn văn, do chiếm đến 50% số điểm của môn. Câu nghị luận văn học có thể là nghị luận về bài thơ, đoạn thơ hoặc nghị luận về tác phẩm, đoạn trích văn xuôi. Để làm bài tốt, HS phải có kiến thức cơ bản trong các bài văn về các tác phẩm, đoạn trích thơ. Các em còn phải nắm vững phương pháp và kỹ năng làm bài. kinh nghiệm ở trường THPT Bến Cát là GV tóm tắt phương pháp làm bài nghị luận về đoạn thơ, bài thơ, gồm 4 bước: tìm hiểu đề, lập dàn ý, viết bài, kiểm tra bài làm. Giờ dạy chính khóa GV dạy theo chuẩn kiến thức kỹ năng do Bộ GD-ĐT quy định; giờ phụ đạo ôn tập kiến thức đã học và giải đề thi ở các khía cạnh. GV cho HS luyện viết dàn ý, sau đó sửa chữa và bổ sung. GV cần hướng dẫn để HS biết nhận diện và biết cách làm bài về cấu trúc bài văn phân tích một bài thơ, đoạn thơ; cấu trúc bài văn phân tích một hình tượng trong một bài thơ, đoạn thơ. Một yêu cầu không thể thiếu là HS phải thuộc thơ để có kiến thức liên hệ. GV lưu ý, khi khai thác văn bản GV làm nổi bật những yêu cầu theo chuẩn kiến thức kỹ năng của bộ rồi mới đi sâu vào các khía cạnh khác, khi phân tích GV cần có sự so sánh, liên hệ các tác phẩm khác, tránh bình thơ thì quá hay mà không cho HS ghi những ý cơ bản. Cần kết hợp giữa phân tích giảng giải với khái quát, tổng hợp. Tách ra phân tích tỉ mỉ từng bộ phận nhưng phải tổng hợp, khái quát trên kết quả đã phân tích.

Đối với HS, phải đọc tác phẩm nhiều lần, đánh dấu những từ ngữ các em thấy hay, thích. Tìm hiểu tác phẩm trữ tình các em cần lưu ý hoàn cảnh ra đời tác phẩm, tâm trạng, tâm thế, ý đồ sáng tác của tác giả... bám sát các yếu tố hình thức, từ cảm nhận đặc sắc hình thức nghệ thuật mà soi sáng nội dung, hiểu sâu nội dung. Biết vận dụng phương pháp so sánh trong bài nghị luận về thơ. Một điều các em cần nhớ là phải thực hành luyện viết.

Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung, trường THPT Võ Minh Đức (TX.Thủ Dầu Một): Kinh nghiệm ôn tập môn toán cho HS trung bình yếu lớp 12

Những biện pháp các GV dạy toán ở trường THPT Võ Minh Đức thực hiện là, chia khu vực chỗ ngồi của HS trong tiết học toán, những em yếu ngồi các bàn phía trên gần bảng, kế đến là HS trung bình, còn HS khá giỏi thì ngồi các bàn cuối. Làm như vậy để những em học yếu, trung bình không có cơ hội nhìn bài của bạn. Và như thế bắt buộc các em phải chủ động tư duy. GV cho HS bài tập mẫu theo dạng, giải các bước chi tiết; cho bài tập tương tự và mời HS trung bình yếu lên bảng giải và có sửa chữa, hướng dẫn các em cách làm bài. GV cũng cần thường xuyên lưu ý HS về những sai lầm phổ biến trong kiến thức thường gặp trong khi các em làm bài thi.

Thầy Hồ Minh Thuận, GV tiếng Anh trường THPT Bình An (Dĩ An): Chú ý các kỹ năng

 Nội dung ôn tập cố gắng theo sát cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT của bộ. Phần phân biệt âm và nhấn âm: ôn tập từ 2 tiết đầu tiên trong phân phối chương trình; làm bài tập kết hợp với kiểm tra thường xuyên trong các bài kiểm tra 15 phút và 1 tiết. Phần kỹ năng giao tiếp, cố gắng dạy tốt trong các tiết speaking và listening trên lớp; sau đó có bài ôn luyện bằng trắc nghiệm. Phần kỹ năng đọc: sau mỗi bài đọc trong sách giáo khoa đều phát handout (các câu hỏi hoặc nội dung được in sẵn) cho thêm các bài đọc ngắn cùng chủ đề kèm câu hỏi dạng trắc nghiệm. Soạn tài liệu văn phạm, từ vựng và bài tập áp dụng thực hành từ vựng và cấu trúc cho từng đơn vị bài học. Phần từ vựng: cung cấp cho HS đầy đủ qua các chủ đề học trong sách giáo khoa, trong bài tập; dạy phụ đạo lý thuyết và thực hành về cách dùng từ. Phần văn phạm và viết: ôn tập theo từng chủ đề, bài tập đi từ tự luận đến trắc nghiệm. Chủ đề cũng theo 2 phần: luyện về từ loại và luyện về các cấu trúc câu.

H.THÁI (lược ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X