Kinh tế Bình Dương 2006-2010: Tăng trưởng ổn định

Cập nhật: 12-11-2010 | 00:00:00

Cho đến thời điểm này, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm giai đoạn 2006-2010 đã sắp kết thúc. Tuy phải đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới nhưng nền KT-XH của Bình Dương vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Tại phiên họp thứ 93 vừa qua, UBND tỉnh đã có những đánh giá cơ bản về những thành công và chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần khắc phục.

Duy trì tăng trưởng khá

Theo dự thảo báo cáo từ UBND tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2006-2010 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đạt 20% hàng năm; trong đó khu vực KT trong nước chiếm 36%, khu vực KT có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 64%. Bình Dương đã phát triển thêm 13 khu công nghiệp (KCN), đưa tổng số các KCN lên con số 28 với tổng diện tích 8.751 ha, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2005. Hiện đã có 24 KCN đi vào hoạt động, thu hút trên 1.200 doanh nghiệp (DN) đầu tư sản xuất, tỷ lệ cho thuê đất đạt 60%. Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị  Bình Dương đã hoàn thành cơ bản giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình tạo lực; có 7 KCN đã đi vào hoạt động...

 

Công nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển của Bình Dương (Trong ảnh: Một góc KCN VSIP I)

Trong giai đoạn 2006-2010, tổng vốn đầu tư phát triển tăng bình quân 14,7% hàng năm; trong đó vốn Nhà nước chiếm 8,8%; vốn tín dụng chiếm 4,2%, DN trong nước chiếm 34,5%, vốn FDI chiếm 52,2%. Tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển chiếm 40%... Giai đoạn này cũng có thêm 5.553 DN được thành lập mới với tổng vốn đầu tư 44.990 tỷ đồng, nâng tổng số DN trong nước lên 9.012 DN với tổng vốn đầu tư trên 60.000 tỷ đồng. Thu hút FDI  thêm 7,3 tỷ USD qua 846 dự án đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.922 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 13 tỷ USD. Cũng trong giai đoạn 2006-2010, kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương tăng bình quân 22,9%. Trong năm 2010, ước tính kim ngạch xuất khẩu đạt 8,5 tỷ USD, tăng gấp 2,8 lần so với năm 2005. Thị trường xuất khẩu của các DN Bình Dương đã vươn ra 180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 21,1%. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tổng thu ngân sách bình quân hàng năm tăng 24,3%. Năm 2010 ước đạt thu ngân sách 16.500 tỷ đồng, gấp 3,34 lần so với năm 2005. Tổng huy động vốn tăng bình quân hàng năm 30,4%. KT nông nghiệp tuy có giảm tỷ trọng trong cơ cấu KT nhưng giá trị sản xuất vẫn tăng bình quân 4,7% hàng năm... Bình Dương đã vượt qua nhiều khó khăn, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng KT cao, GDP tăng bình quân 14% hàng năm..., báo cáo cho biết vậy.

Một số chỉ tiêu chưa đạt

Bên cạnh những thành tựu, KT-XH 2006-2010 vẫn thể hiện những hạn chế nhất định, đặc biệt là một số chỉ tiêu KT-XH chưa đạt so với mục tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đề ra.

Về chỉ tiêu tăng trưởng GDP, mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2006-2010 là phải tăng bình quân 15% hàng năm nhưng cho đến thời điểm này chỉ đạt 14%. Ngoài ra, chỉ có tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu GDP là tăng vượt kế hoạch (24,1/15,6%), còn lại tỷ trọng công nghiệp (11,4/16,8%) và nông nghiệp (2,1/3,2%) đều tăng không đạt so với mục tiêu. Dự thảo báo cáo cho biết: “Cơ cấu nội bộ các ngành KT chuyển dịch còn chậm, hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh chưa cao, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn có công nghệ sản xuất hiện đại. Dịch vụ tuy có biến chuyển nhanh nhưng tỷ trọng trong cơ cấu KT vẫn còn thấp so với tiềm năng và yêu cầu phát triển...”. Song song đó, một số chương trình, công trình trọng điểm về phát triển hạ tầng, dịch vụ, đô thị triển khai còn chậm, thiếu đồng bộ, công tác quản lý các khu dân cư, đô thị còn hạn chế... Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang là những nguy cơ cho sự phát triển bền vững. Nguồn nước bị ô nhiễm gia tăng; việc xử lý nước thải công nghiệp và sinh hoạt chưa được đầu tư đúng mức, công tác đầu tư bảo vệ môi trường chưa đồng bộ với phát triển KT...

Trong giai đoạn 2011-2015, mục tiêu tổng quát tại dự thảo xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH của UBND tỉnh sẽ tập trung khai thác lợi thế, tạo ra các bước đột phá đẩy mạnh tăng trưởng về lượng và chất của nền KT; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu KT theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với đô thị hóa, đầu tư hợp lý để phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới...

ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên