Kỳ 6: Thương mại - dịch vụ tăng tốc
Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, cùng với đó là mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Nhận thức được nhu cầu, cơ hội và tiềm năng phát triển, trong 5 năm qua Bình Dương đã tích cực đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hệ thống siêu thị (ST), trung tâm thương mại (TTTM); qua đó góp phần tăng nhanh tỷ trọng thương mại - dịch vụ (TMDV) trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
5 năm qua, lĩnh vực TMDV của Bình Dương phát triển nhanh chóng. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Dương Canary. Ảnh: TRÚC HUỲNH
Hình thành nhiều ST, TTTM
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong 5 năm qua tiếp tục tăng trưởng mạnh, bình quân tăng 23,9%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010- 2015 đề ra (mục tiêu kế hoạch 5 năm 2011-2015 là tăng 22 - 23%/năm). Cụ thể, doanh số bán lẻ từ 24.395 tỷ đồng năm 2010 tăng lên 31.928 tỷ đồng năm 2011, năm 2012 là 40.782, đến năm 2013 lên 50.755 tỷ đồng và năm 2014 đạt trên 61.910 tỷ đồng... |
Từ sự đầu tư này, người dân Bình Dương hôm nay không chỉ biết tới ST Vinatex, Co.opmart hay Becamex Tower… mà còn có Big C (Pháp), Lotte (Hàn Quốc), Metro (Đức)... Nhờ có mạng lưới ST, TTTM và hệ thống cửa hàng tiện ích được đầu tư đồng bộ, hiện đại với các phương thức phục vụ chu đáo, tiên tiến đã góp phần giữ ổn định nguồn cung, các mặt hàng thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán, giao lưu hàng hóa của người dân.
Thu hút các nguồn lực đầu tư
Trong khi ngân sách tỉnh không thể đầu tư toàn bộ hạ tầng cho hệ thống TM, nhất là khi ngành TM của Bình Dương đang dịch chuyển theo xu hướng hiện đại hóa thì việc huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hạ tầng TM đã và đang là giải pháp cần thiết và khả thi. Trong năm 2014, sự ra đời của các TTTM, ST có vốn đầu tư trong và ngoài nước lớn lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng như Big C, Lotte Mart, Becamex Tower, Aeon Mall Bình Dương Canary không chỉ khẳng định sự phát triển mạnh hệ thống TM hiện đại mà còn chứng tỏ khả năng thu hút xã hội hóa trong lĩnh vực này.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11 ST và 7 TTTM, đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Xu hướng doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực TM tại địa bàn tỉnh đang tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, hiện Bình Dương có nhiều ST, TTTM đang trong giai đoạn quy hoạch, triển khai xây dựng như TTTM Canary (Guocoland), TTTM Carven (TX.Thuận An), khu TMDV Phú Cường (phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một)... hứa hẹn tỷ trọng TM trong cơ cấu kinh tế của tỉnh sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Tại nhiều cuộc họp về tình hình phát triển mạng lưới chợ, ST, TTTM tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và các cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp ngành TM thời gian qua, ông Trần Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh luôn khẳng định, trong thời gian tới xu hướng phát triển các loại hình TM hiện đại trong điều kiện hội nhập quốc tế diễn ra nhanh hơn, điều đó đặt ra yêu cầu phát triển hài hòa, cân đối hợp lý giữa phát triển kinh tế đô thị, dân số với phát triển các loại hình TM hiện đại, đa dạng.
Ông Liêm nhấn mạnh, để phát triển TMDV theo hướng này, Bình Dương tới đây sẽ tạo môi trường bình đẳng, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đồng thời tạo thuận lợi về thủ tục đầu tư cũng như các vấn đề liên quan khác. Tỉnh cũng sẽ áp dụng đồng bộ các giải pháp phát huy nội lực, kết hợp với nguồn lực bên ngoài để đẩy mạnh hiện đại hóa trong lĩnh vực TM. Tin tưởng rằng, tới đây ngành TM của Bình Dương sẽ phát triển hài hòa và đồng bộ để tiếp cận các xu hướng TM trong khu vực. (Còn tiếp)
TRÚC HUỲNH