Kinh tế Bình Dương đột phá - Kỳ 7
(BDO) Kỳ 7: Tín dụng ngân hàng: Hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế
Trong 5 năm qua, hệ thống ngân hàng (NH) trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có những đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ những nỗ lực trong việc huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển cho đến việc cung ứng, nâng cấp chất lượng dịch vụ, mở rộng phạm vi hoạt động..., các ngân hàng đã đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Tín dụng NH đã đóng góp tích cực duy trì sự tăng trưởng kinh tế với nhịp độ cao trong nhiều năm liên tục. Trong ảnh: Khách hàng vay vốn tại NH Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Bình Dương. Ảnh: T.HỒNG
Trợ lực cho nền kinh tế
Theo ông Bùi Văn Nu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Bình Dương, cùng với đà phát triển của các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua ngành NH đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Các NH đã không ngừng nâng cấp, đổi mới cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, mở rộng mạng lưới hoạt động. Điểm nổi bật của hoạt động ngành NH trong 5 năm qua không chỉ là phát triển các dịch vụ truyền thống mà còn triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ mới, dựa trên nền tảng công nghệ cao như thẻ đa năng, dịch vụ NH điện tử, hệ thống giao dịch tự động. Tín dụng NH đã đóng góp tích cực cho việc duy trì sự tăng trưởng kinh tế với nhịp độ cao trong nhiều năm liên tục.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến cuối tháng 7-2015, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt gần 107.500 tỷ đồng, tăng 11%; dư nợ cho vay đạt trên 86.700 tỷ đồng, tăng 9,7% so với đầu năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu thấp, từ đầu năm đến nay là 1.512 tỷ đồng, chiếm 1,7% trên tổng dư nợ, nằm trong tầm kiểm soát… Đây chính là yếu tố góp phần đưa tăng trưởng tín dụng của Bình Dương luôn tăng cao hơn mức bình quân chung của cả nước và là yếu tố quan trọng để dòng vốn đi vào sản xuất và phát triển ổn định trong nhiều năm liền |
Cùng với đầu tư cho phát triển kinh tế, hệ thống NH trên địa bàn tỉnh như NH Chính sách xã hội, NH Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Quỹ Đầu tư phát triển... đã góp phần thực hiện các chính sách tín dụng của Nhà nước và hỗ trợ rất lớn cho tỉnh trong việc tài trợ vốn cho những chương trình cho vay giải quyết việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, kết nối NH với DN…
Hình thành trung tâm tài chính - tín dụng
Năm năm qua, các NH trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã tiến hành triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015. Các NH cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành, giao dịch; song song với đó là phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, lắp đặt thêm máy giao dịch tự động (ATM), mở rộng việc trả lương qua tài khoản ở từng NH và cung cấp các sản phẩm dịch vụ mới như thanh toán tiền điện, nộp thuế điện tử...
Trong quá trình phát triển, Bình Dương đã thu hút nhiều NH trong và ngoài nước đến đầu tư làm ăn. Nâng tổng số đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 55 chi nhánh tổ chức tín dụng, 10 quỹ tín dụng nhân dân, 144 phòng giao dịch, 613 máy ATM...
Theo ông Bùi Văn Nu, trong 5 năm qua, đã có nhiều NH đến đăng ký đặt chi nhánh, văn phòng giao dịch và xu hướng thành lập mới NH trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiếp diễn. Đây là điều kiện thuận lợi để Bình Dương dần hình thành một trong những trung tâm tài chính tín dụng lớn của cả nước.
Sự xuất hiện ngày càng đa dạng các thương hiệu NH trong và ngoài nước trải đều đến các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch trong lĩnh vực NH của các tầng lớp nhân dân và DN. Sự phát triển này không chỉ góp phần tạo thuận lợi cho công tác huy động vốn và cho vay đối với DN và người dân, mà còn mở ra nhiều dịch vụ tiện ích cho mọi đối tượng khách hàng đến giao dịch. (Còn tiếp)
THANH HỒNG