Kinh tế châu Á tăng trưởng chậm trong năm 2011

Cập nhật: 11-04-2011 | 00:00:00

Đó là nhận định trong bản báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á” vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố. Báo cáo cho rằng châu Á sẽ tăng trưởng vững vàng trong 2 năm tới, nhưng với tốc độ chậm hơn so với 2010.

 

Tăng trưởng 7,8%

 

Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á cho biết tăng trưởng của khu vực châu Á, ngoại trừ Nhật là 7,8% trong năm 2011 và 7,7% trong năm 2012, thấp hơn tốc độ 9% của năm 2010, thời điểm các nền kinh tế ở châu lục này vươn lên mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

 

Bản báo cáo này công bố vào thời điểm nước Nhật hứng chịu thảm họa kép động đất sóng thần và bây giờ là khủng hoảng hạt nhân. Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng sau thảm họa này không chỉ riêng kinh tế Nhật bị ảnh hưởng mà còn hưởng dây chuyền đến nhiều quốc gia khác.

 

 Lạm phát tăng cao khiến nhiều bà nội trợ Trung Quốc đắn đo khi mua hàng.

Các nước mới nổi của châu Á có thể bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng bởi vì các nước này có sự liên kết thương mại mạnh mẽ với Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Changyong Rhee, chuyên gia kinh tế của ADB nhận định rằng thảm họa động đất, sóng thần vừa xảy ra ở Nhật đã gây ra một số tác động tiêu cực về giao thương trong thời gian ngắn, nhưng về lâu về dài, biến cố này chỉ có tác động rất nhỏ lên cả khu vực.

 

Trung Quốc và Ấn Độ vẫn được đánh giá là hai nền kinh tế dẫn đầu quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu và khu vực, dù tốc độ tăng trưởng cũng đã chậm lại. ADB nhận định kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 9,6% trong năm nay, còn Ấn Độ dự kiến tăng 8,2%. ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á sẽ chậm lại trong năm nay khoảng 5,5% so với 7,8% của năm 2010. Indonesia sẽ là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực này với khoảng 6,4%.

 

Nên ưu tiên chống lạm phát

 

Theo nhận định của chuyên gia Rhee, lạm phát là thử thách cam go mà các nước châu Á phải đối phó và đây là vấn đề nên được ưu tiên giải quyết hàng đầu. Lạm phát sẽ khiến chính quyền các nước trong khu vực phải đau đầu khi căng thẳng về địa chính trị ở Trung Đông và cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật làm giá dầu có thể tăng cao nữa. Lạm phát ở 45 nền kinh tế châu Á được nghiên cứu trong báo cáo của ADB dự kiến sẽ tăng 5,3% trong năm 2011 so với con số 4,4% vào năm trước.

 

Tình trạng lạm phát hiện đang là nỗi lo của rất nhiều nước châu Á. Tại Hàn Quốc, chỉ số giá tiêu dùng hiện tăng 4,7% so với năm trước, nhanh hơn tỷ lệ 4,5% trong tháng 2. Đó là mức tăng kỷ lục nhất trong vòng 29 tháng qua.

 

Tại Singapore, tỷ lệ lạm phát đã chạm ngưỡng 5,5% từ tháng 1 khiến người dân nước này đang lo ngại tình hình còn tệ hơn do những tác động phụ từ thời kỳ tăng trưởng quá nhanh. Quốc gia này đang phải đối mặt với tình hình khủng hoảng lao động giá thấp do lạm phát gây ra và giới chủ đã phải tăng lương 30% để thu hút lao động. Tại Trung Quốc, tỷ lệ lạm phát trong tháng 2 là 4,9%, vượt mức trần quy định do chính phủ đề ra là 4%.

 

Dưới sức ép của lạm phát, nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp giảm đà leo thang giá tiêu dùng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thông báo, kể từ ngày 6-4, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn một năm sẽ tăng thêm 0,25% lên 3,25%, còn lãi suất cho vay một năm tăng 0,25% lên 6,31%. Đây là lần thứ hai PBOC tăng lãi suất kể từ đầu năm 2011 và lần thứ tư kể từ năm 2010 đến nay.

 

Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc cũng đã thực thi các biện pháp tăng lãi suất nhằm bình ổn thị trường tiêu dùng trong nước.

 

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=291
Quay lên trên