Trong những năm qua, ngành công nghiệp huyện Phú Giáo đã đạt những bước tiến đáng kể, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 12%. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp...
Nâng cấp hạ tầng, thu hút dự án công nghệ cao
Đến nay, trên địa bàn huyện Phú Giáo có Cụm công nghiệp Tam Lập 1 đã đi vào hoạt động, Cụm công nghiệp Tam Lập 2 đang triển khai thực hiện, Khu công nghiệp Vĩnh Lập có diện tích 750 ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo phương án quy hoạch khu, Cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Phú Giáo sẽ có 18 cụm công nghiệp và 4 khu công nghiệp.

Ông Tô Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết địa phương xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là động lực quan trọng tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như chế biến nông sản, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ. Điển hình, tại Cụm công nghiệp Tam Lập 1 (xã Tam Lập) có nhà máy sản xuất lốp ô tô công suất 900.000 lốp xe/năm của Công ty Cổ phần Hưng Hải Thịnh.
Theo lãnh đạo huyện, Phú Giáo có lợi thế quỹ đất nông nghiệp lớn, có thể chuyển đổi sang đất công nghiệp để hình thành các khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, trữ lượng khoáng sản phi kim loại trên địa bàn huyện phong phú, cung cấp nguyên liệu cho các ngành gốm sứ, vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, ngành công nghiệp của huyện hiện nay phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, lao động chưa qua đào tạo nghề chiếm tỷ lệ cao. Cùng với đó, chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành chưa đốt phá, vẫn dựa nhiều vào lợi thế nhân lực và nguyên liệu… Để giải quyết vấn đề này, huyện đề ra chiến lược phát triển công nghiệp xanh, bền vững. Theo đó, địa phương tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng, tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành sản xuất sạch, thân thiện môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến, đổi mới, chuyển đổi số, nâng cao trình độ công nghệ trong sản xuất chế tạo. Địa phương cũng đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng Cụm công nghiệp Tam Lập 2...
Nâng tầm phát triển nông nghiệp
Huyện Phú Giáo đang trở thành một trong những địa phương tiên phong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Ông Tô Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo: Đến nay, huyện Phú Giáo có 874 hộ/ cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Huyện đã quy hoạch 4 khu công nghiệp, 18 cụm công nghiệp với quy mô hơn 4.000 ha và đang tích cực mời gọi đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch... |
Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình) đã đầu tư nhà màng, nhà kính cùng hệ thống điều khiển tự động giúp kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và tắm sáng. Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc hợp tác xã, cho biết nhờ ứng dụng công nghệ cao, dưa lưới trồng trong nhà kính cho năng suất 30 tấn/ha, gấp đôi so với cách trồng truyền thống, giá bán cũng cao hơn do đạt chuẩn an toàn. Ông Châu Văn Lợi, chủ trang trại bưởi da xanh ở xã Phước Hòa, chia sẻ trước đây, việc tưới nước cho vườn bưởi tốn rất nhiều công sức. Còn hiện nay, trang trại đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel nên đã giảm được 50% lượng nước, tiết kiệm 30% chi phí phân bón, trong khi năng suất tăng 20%.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại huyện Phú Giáo đang thử nghiệm trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật (IoT) trong giám sát cây trồng. Tại xã Phước Sang, Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Green Farm đang áp dụng AI để phát hiện sâu bệnh và cảnh báo thiếu nước hoặc dinh dưỡng chính xác, giúp nông dân xử lý kịp thời.
Lĩnh vực chăn nuôi tại huyện Phú Giáo cũng chuyển mình sang mô hình khép kín, ứng dụng công nghệ cao. Công ty CP Việt Nam - Chi nhánh Phú Giáo đã triển khai hệ thống chuồng trại làm mát tự động cho đàn heo 5.000 con, giúp giảm 30% hao hụt do dịch bệnh. Anh Nguyễn Hữu Quang, chủ trang trại gà tại xã Vĩnh Hòa, cho hay anh đang ứng dụng hệ thống máy cho ăn và uống nước tự động, giúp tiết kiệm 30% chi phí nhân công, tăng sản lượng thịt gà thêm 10%.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phú Giáo cho biết huyện đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp. Theo đó, người dân được hỗ trợ giám sát trang trại qua điện thoại, dự báo thời tiết, dịch bệnh nhờ AI. Toàn huyện hiện có 31 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”), dự kiến có thêm 4 - 6 sản phẩm đạt chuẩn OCOP trong năm 2025. Định hướng phát triển nông nghiệp đến năm 2030, huyện sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch. Trọng tâm là nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
TIẾN HẠNH - LÝ HUY