Chưa đầy 40 năm nữa, Ấn Độ sẽ vượt Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế số 2 thế giới, và tạo khoảng cách dài hơn với châu Âu theo báo cáo mới đây của Citigroup.
"Theo dự đoán của chúng tôi, thương mại hàng hóa và dịch vụ thế giới sẽ tăng từ mức 37 tỷ USD của năm 2010 lên mức 149 tỷ USD vào năm 2030 và 371 tỷ USD vào 2050," theo William Buiter và Ebrahim Rahbari, đồng tác giả của một nghiên cứu được công bố vào hôm thứ năm.
Ấn Độ có khả năng sẽ vượt Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới sau 40 năm nữa.
"Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi về tăng trưởng thương mại, chúng tôi cho rằng sẽ còn cả những thay đổi về vị thế của các nước trong vòng 4 thập kỷ tới. Trong đó, các thị trường mới nổi sẽ ngày càng trở nên nổi bật hơn trong thương mại toàn cầu".
Báo cáo trên cũng dự đoán rằng chỉ trong 4 năm nữa, tăng trưởng thương mại của nhóm thị trường mới nổi, đặc biệt là ở châu Á, sẽ vượt qua các nước phát triển. Theo đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới tại Châu Âu, Bắc Mỹ sẽ dần mất đi tầm quan trọng đối với kinh tế toàn cầu.
2 chuyên gia Buiter và Rahbari cho biết: "Trong năm 2010, các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á hiện đã đóng góp 24% vào thương mại toàn cầu. Con số này được dự đoán sẽ lên tới 42% vào năm 2030 và 46% vào năm 2050".
Họ cũng cho biết thêm, Tây Âu vẫn là khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thương mại toàn cầu với 34% trong năm 2010. Tuy nhiên, con số này đã giảm so với 48% của năm 1990 và xu hướng sụt giảm này của Tây Âu sẽ xảy ra với Bắc Mỹ và Nhật.
Theo các chuyên gia của Citigroup, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc thương mại lớn nhất thế giới vào năm 2015, còn Ấn Độ sẽ vươn lên đứng ở vị trí số 2 trong vòng 40 năm nữa.
“Mặc dù Ấn Độ không đứng trong top 10 cường quốc thương mại lớn nhất thế giới của năm 2010, nước này được dự đoán sẽ vươn lên đứng vị trí số 2 vào năm 2050, đẩy Mỹ xuống vị trí thứ 3”, báo cáo trên cho biết.
Trong năm 2010, chỉ có 2 nước đang phát triển tại châu Á đứng trong top 10 (Trung Quốc và Hàn Quốc), còn châu Âu có tới 5 đại diện. "Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, vào năm 2050, trong top 10 này sẽ có 7 nước đến từ nhóm các nền kinh tế mới nổi châu Á, còn đại diện của châu Âu sẽ chỉ còn Đức", các chuyên gia của Citigroup cho biết.
Theo VNE