Kinh tế năm 2012: Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô

Cập nhật: 30-11-2011 | 00:00:00

  Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được Chính phủ đặc biệt quan tâm trong năm 2012 (Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp da giày ở KCN Sóng Thần)

Một số chỉ tiêu kinh tế

Năm 2012, phấn đấu kiềm chế lạm phát dưới 10%, các năm sau thấp hơn, đến năm 2015 lạm phát khoảng 5 - 7%. Năm 2012, tăng GDP khoảng 6 - 6,5%. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình và tập trung cho nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đề nghị điều hành theo phương án tăng trưởng khoảng 6%, khi có điều kiện thuận lợi sẽ phấn đấu để đạt mức 6,5%. Năm 2012, bội chi ngân sách Nhà nước bằng 4,8% GDP, các năm sau giảm dần để đến năm 2015 giảm xuống còn 4,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 dự kiến tăng khoảng 12 - 13% so với năm 2011; nhập siêu 11,5 - 12% tổng kim ngạch xuất khẩu.

 Ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng

Báo cáo của Chính phủ nhận định, năm 2012, việc ổn định kinh tế vĩ mô phải được xác định là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ trong cả giai đoạn 2011- 2015 với các trọng tâm là kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường giá cả, cải thiện cán cân thanh toán và phấn đấu giảm bội chi ngân sách.

Về lạm phát cũng được Chính phủ phân tích là có nguyên nhân bên ngoài do giá nguyên liệu, vật tư nhập khẩu tăng và do phải điều chỉnh tăng giá theo lộ trình một số hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân chủ yếu gây lạm phát cao ở nước ta là do hệ quả của việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa kéo dài trong nhiều năm để đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội trong khi cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư còn kém hiệu quả; cùng những hạn chế trong quản lý điều hành và tác động cộng hưởng của các yếu tố tâm lý. Để kiềm chế lạm phát, phải kiên quyết khắc phục các nguyên nhân chủ yếu nêu trên.

Chính phủ chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt theo tín hiệu thị trường; kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng dư nợ tín dụng hàng năm không vượt quá mức đề ra trong Nghị quyết 11. Giữ mặt bằng lãi suất hợp lý, điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp, không để biến động lớn. Giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại; bảo đảm vốn cho sản xuất; kiểm soát chặt cho vay bất động sản và kinh doanh chứng khoán; kiểm soát nợ xấu, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống ngân hàng. Đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước về giá, ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các nguyên vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nhập siêu và cải thiện cán cân thanh toán. Đẩy mạnh xuất khẩu, tăng hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm; phát triển sản xuất thay thế có hiệu quả hàng nhập khẩu; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích. Thu hút và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn ODA và FDI đi đôi với việc kiểm soát, ngăn chặn việc chuyển giá, trốn thuế. Tăng cường quản lý các dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII).

Đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế

Chính phủ sẽ thực hiện nhất quán chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, từ dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và lao động chất lượng thấp sang dựa vào hiệu quả, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở áp dụng những thành tựu mới về khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và kỹ năng quản lý hiện đại.

Hoàn thiện cơ chế huy động các nguồn lực để thực hiện các đột phá theo một lộ trình hợp lý. Ưu tiên cho các lĩnh vực, dự án có tác động lan tỏa cao, tạo tiền đề tái cơ cấu nền kinh tế. Ngay từ năm 2012 cần tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, trước hết là đầu tư công, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu các ngành kinh tế và phân bố lại lực lượng sản xuất trên từng vùng lãnh thổ; thứ hai là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty và thứ ba là tái cơ cấu hệ thống tài chính tiền tệ, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các định chế tài chính. Sửa đổi quy chế phân cấp quản lý đầu tư, trước hết là đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ theo hướng bảo đảm quản lý thống nhất về các chương trình, dự án theo quy hoạch; đồng thời phát huy sự năng động, sáng tạo của địa phương trong đầu tư phát triển. Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, bảo đảm đủ vốn, đủ ngoại tệ cho sản xuất các ngành hàng, các sản phẩm mà thị trường trong nước và xuất khẩu đang có nhu cầu lớn. Thu hút mạnh và giải ngân nhanh các nguồn vốn đầu tư, nhất là các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và có giá trị xuất khẩu lớn. Cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, ưu tiên tín dụng cho các sản phẩm trọng điểm. Sử dụng công cụ thuế một cách linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với cam kết quốc tế để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, tăng xuất khẩu và giảm nhập siêu. Tiếp tục rà soát sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Phát triển các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tăng nhanh xuất khẩu. Coi trọng thị trường nội địa, nhất là thị trường nông thôn, miền núi; đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, có nhiều sản phẩm xuất khẩu. Chú trọng phát triển công nghiệp cơ khí trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển các dạng năng lượng tái tạo đi đôi với đổi mới công nghệ theo hướng tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng. Rà soát lại quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng và lợi thế, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, nhất là các dịch vụ thông tin truyền thông, giáo dục - đào tạo, logistic, du lịch, tài chính và hỗ trợ kinh doanh...

K.TÂN (lược trích báo cáo của Chính phủ)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=279
Quay lên trên