Kinh tế tập thể (KTTT) đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về lượng và chất, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh. Với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, khu vực KTTT đang dần khẳng định là nhân tố quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển chung của tỉnh trong thời gian tới.
Phát triển KTTT trên tất cả các lĩnh vực ngành nghề giúp nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường. Trong ảnh: HTX Vận tải Đại Hoàng Khiêm hoạt động ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển
Liên kết, tập hợp cùng phát triển
Việc phát triển KTTT trên tất cả các lĩnh vực ngành nghề ngoài nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường còn tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Toàn tỉnh hiện có 141 tổ hợp tác (THT) và 216 hợp tác xã (HTX) hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, xây dựng, môi trường... Tổng doanh thu của HTX trên địa bàn năm 2021 ước đạt trên 1.143 tỷ đồng, lãi bình quân HTX đạt gần 449 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX vẫn giữ từ 6 - 6,5 triệu đồng/lao động/tháng và 14,5 triệu đồng/ lao động/tháng đối với Quỹ Tín dụng nhân dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, 10/10 Quỹ tín dụng hoạt động ổn định, với tổng nguồn vốn hoạt động là hơn 2.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt hơn 1.221 tỷ đồng, tổng doanh thu ước đạt hơn 82 tỷ đồng. Các Quỹ Tín dụng nhân dân đã huy động được nhiều nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, đáp ứng nhu cầu vốn cho các thành viên đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Toàn tỉnh hiện có 58 HTX vận tải tổng doanh thu ước đạt hơn 104 tỷ đồng với tổng số phương tiện hơn 27.900 bao gồm xe tải và xe khách. Các HTX vận tải hoạt động theo hình thức kinh doanh tập trung và dịch vụ cho thành viên. Đa số các HTX hoạt động với các loại hình vận tải hàng hóa bằng container, vận tải hàng hóa thông thường, vận chuyển hành khách theo hợp đồng và vận chuyển hành khách theo tuyến cố định. Sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hiện nay các HTX vận tải đã dần ổn định và hoạt động kinh doanh trở lại. Hầu hết các HTX đã và đang tích cực thực hiện chủ trương thay mới xe, có trang bị hệ thống định vị GPS nhằm kiểm soát hoạt động theo quy định. Ông Phạm Phương Đại, Giám đốc HTX Vận tải Đại Hoàng Khiêm, cho biết HTX có 7 thành viên, 15 nhân viên lao động, chủ yếu là xe hàng hóa và xe hành khách. Hoạt động theo mô hình HTX giúp các thành viên liên kết, tập hợp cùng phát triển. Ngoài ra, giúp đơn vị có pháp danh từ đó việc ký kết hợp đồng với khách hàng thuận lợi hơn, nâng cao uy tín.
Về HTX nông nghiệp, toàn tỉnh có 68 HTX với 1.047 thành viên, tổng doanh thu ước đạt 77 tỷ 838 triệu đồng. Các HTX chuyển đổi sang hoạt động dịch vụ phục vụ nông nghiệp như chuyển giao khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm, cung ứng cây con giống, vật tư… đã có 6 HTX được đánh giá phân hạng sản phẩm đạt OCOP tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, các HTX hoạt động về lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, xây dựng môi trường, thương mại - dịch vụ cũng đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Liên minh HTX tỉnh, để tháo gỡ những khó khăn cho HTX nông nghiệp, các sở, ngành và Liên minh HTX luôn đồng hành và giải đáp các vướng mắc của HTX về các vấn đề, như: Hóa đơn điện tử, thuế, sản phẩm OCOP, triển khai các chính sách mới... nhằm khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Có thể thấy, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng những kết quả đạt được trong phát triển KTTT, HTX trong giai đoạn vừa qua có sự đóng góp quan trọng trong việc triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT. Nhiều HTX kinh doanh hiệu quả được lựa chọn là HTX điển hình kiểu mẫu để nhân rộng.
Đa dạng hình thức hợp tác
Định hướng phát triển khu vực KTTT chú trọng phát triển mô hình THT, nòng cốt là HTX. Trong đó ưu tiên xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị và tăng cường liên kết hợp tác với các thành phần kinh tế khác. Việc vận động phát triển THT, HTX bảo đảm phát triển mới THT ít nhất 5%/năm và HTX tăng 10%/năm.
Để thực hiện các mục tiêu, Liên minh HTX tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển HTX trên địa bàn các huyện, thị, thành phố. Phối hợp tổ chức kiểm tra hoạt động của các Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT ở xã, phường, từ đó các cấp ủy xã, phường có nhận thức mới về vai trò của KTTT đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước về KTTT ở cấp huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn đã nâng cao vai trò quản lý nhà nước của mình trên địa bàn, công tác tuyên truyền ở xã, phường cũng được mở rộng đến người dân. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã thành lập mới được 14 THT, 4 HTX góp phần thúc đẩy KTTT phát triển đa dạng, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của KTTT.
Cùng với đó, việc thành lập THT, HTX mới luôn gắn với điều kiện, thế mạnh và nhu cầu của từng địa phương nhằm phát huy cao nhất hiệu quả hoạt động. Điển hình, tại xã An Linh, huyện Phú Giáo, trong tháng 6-2022, xã đã thành lập 2 THT trồng mít và 1 THT sầu riêng, là tiền đề để phát triển lên thành HTX sau này. Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Tổ trưởng THT trồng sầu riêng tại ấp 7, chia sẻ: “Đất đai, thổ nhưỡng nơi đây phù hợp để trồng các loại cây ăn trái như mít, sầu riêng cho năng suất, chất lượng cao. THT có 3 thành viên trồng cây sầu riêng từ năm 2017. Việc liên kết, hợp tác sẽ giúp các thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm, đồng thời thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn để mở rộng, phát triển kinh doanh”.
TIẾN HẠNH