Được sự quan tâm chỉ đạo của Liên minh HTX tỉnh và Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phát triển Kinh tế tập thể (BCĐ) huyện nhanh chóng được cũng cố, kiện toàn. Trên cơ sở kiện toàn tổ chức, nhân sự, BCĐ đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế tập thể (KTTT) huyện cả chất và lượng.
Ông Huỳnh Văn Dân (giữa), Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Phát triển Kinh tế tập thể huyện Dầu Tiếng trao tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong sản xuất, kinh doanh
Kiện toàn bộ máy tổ chức
Để thúc đẩy sự phát triển KTTT địa phương một cách toàn diện, ngày 26-4-2021, Huyện ủy Dầu Tiếng đã ban hành Quyết định số 306-QĐ/HU về việc thành lập BCĐ huyện. Theo quyết định này, BCĐ huyện có 16 thành viên thường trực gồm Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy (Trưởng ban); Phó Chủ tịch UBND huyện (Phó Trưởng ban); Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch (Phó Trưởng ban chuyên trách) và đại diện các cơ quan, ban ngành liên quan trên địa bàn huyện.
Để bảo đảm kế hoạch xây dựng, phát triển các mô hình KTTT được thống nhất, đồng bộ, Huyện ủy cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập BCĐ cấp xã, thị trấn với cơ cấu cứng từ 6 đến 12 thành viên do Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy xã làm trưởng ban. Theo nhiệm vụ phân công, BCĐ các xã, thị trấn sẽ tiếp nhận sự chỉ đạo, hướng dẫn từ BCĐ huyện đồng thời kịp thời có những phản hồi trong trường hợp xuất hiện các tình huống khó giải quyết liên quan đến hoạt động xây dựng, phát triển KTTT trên địa bàn.
Ông Huỳnh Văn Dân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng BCĐ Phát triển Kinh tế tập thể huyện Dầu Tiếng, cho biết sau khi có quyết định thành lập BCĐ từ tháng 4-2021, kế hoạch phát triển KTTT trên địa bàn huyện đã được định hướng rõ ràng hơn trước. Với sự hỗ trợ kịp thời và sâu sát về chuyên môn của các ban ngành, địa phương, đến nay BCĐ huyện cơ bản đã làm tròn các nhiệm vụ chuyên trách, từng bước nâng cao chất lượng và số lượng các mô hình KTTT huyện nhà.
Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện và sự dẫn dắt, hỗ trợ của BCĐ Phát triển Kinh tế tập thể các cấp, đến nay trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã có 48 tổ hợp tác với 552 thành viên, 23 hợp tác xã với 221 thành viên, tổng vốn điều lệ lên đến 65,8 tỷ đồng. Nhìn chung, hầu hết các tổ hợp tác, hợp tác xã đều hoạt động đúng theo quy định, pháp luật. Đây là những mô hình kinh tế đặc sắc tại địa phương, đang từng bước thúc đẩy, tạo tiền đề vững chãi để nền kinh tế - xã hội của địa phương đi lên từng ngày.
Tiếp tục nhân rộng
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Phát triển Kinh tế tập thể huyện Dầu Tiếng, cho biết các tổ hợp tác thành lập xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân. Theo ghi nhận của địa phương, đến nay đã có nhiều tổ hợp tác hoạt động tốt, quản lý chặt chẽ từ các nguồn vốn góp đến khâu sản xuất, đã tạo việc làm, nâng mức thu nhập cho các thành viên, từ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.
Đây là tiền đề để các tổ hợp tác dần chuyển sang mô hình kinh tế hợp tác xã. Điển hình trong số này là Tổ hợp tác Hoa kiểng lá KP 4A thị trấn Dầu Tiếng, Tổ hợp tác Măng cụt ấp Bưng Còng - Thanh Tuyền; Tổ hợp tác trồng Cây có múi Thanh An; Tổ hợp tác trồng Sầu riêng Minh Thạnh; Tổ hợp tác Mỹ nghệ Minh Hòa; Tổ hợp tác Chăn nuôi trâu bò sinh sản Định Thành…
Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng trong năm 2021, số lượng hợp tác xã trên địa bàn huyện Dầu Tiếng tiếp tục tăng. Cụ thể, dưới sự hỗ trợ, dẫn dắt của BCĐ phát triển KTTT huyện, trong năm qua đã có thêm 2 hợp tác xã thành lập mới gồm HTX Chăn nuôi Bò sữa Long Tân (Long Tân) và HTX Dê Thạnh Phát (Minh Thạnh). Lũy kế đến nay, toàn huyện đã có 23 HTX, với 221 thành viên.
Để nắm rõ tình hình hoạt động thực tiễn của các tổ hợp tác và HTX, thời gian qua BCĐ Phát triển KTTT huyện Dầu Tiếng thường xuyên phối hợp Liên Minh HTX tỉnh kiểm tra công tác củng cố, kiện toàn tổ chức, nhân sự BCĐ tại các xã, thị trấn và hiệu quả của các mô hình kinh tế tổ hợp tác, HTX trên địa bàn. Qua kiểm tra, tại các xã, thị trấn, BCĐ huyện Dầu Tiếng ghi nhận mô hình KTTT tại các địa phương đang dần chứng minh tầm quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế - xã hội.
Cụ thể, trong năm 2021, sau khi trình bày những khó khăn, vướng mắc với BCĐ Phát triển KTTT huyện và Liên minh HTX tỉnh, nhiều tổ hợp tác, HTX đã được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, công nghệ nuôi trồng mới, hiệu quả cao… Sau khi áp dụng các biện pháp canh tác, nuôi trồng khoa học, kỹ thuật, nhiều tổ hợp tác, HTX đã từng bước vươn lên phát triển, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương đồng thời trực tiếp giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn.
Ghi nhận thực tế của P.V cho thấy, sau khi được hỗ trợ vay vốn phát triển nông nghiệp với lãi suất ưu đãi, HTX Nông nghiệp Thanh An (xã Thanh An) tiếp tục gầy dựng và phát triển đàn vật nuôi (gà) lên hàng trăm ngàn con. Sự tăng trưởng ổn định sản lượng đàn gà tại HTX Nông nghiệp Thanh An đã và đang góp phần giải quyết nhu cầu thực phẩm cho thị trường trong và ngoài huyện, giúp giảm thiểu nguy cơ hàng hóa bị khan hiếm cục bộ.
Là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội thuộc hàng năng động của huyện Dầu Tiếng, những năm gần đây xã Long Hòa tiếp tục ghi dấu ấn với việc nhiều tổ hợp tác, HTX hình thành và đi vào hoạt động ổn định. Theo đó, đến nay trên địa bàn xã Long Hòa đã có các HTX như: HTX Môi trường vì cộng đồng; HTX Sơ chế yến Long Thọ hoạt động ổn định, phát triển tốt.
ĐÌNH THẮNG - CẨM BÌNH