Kinh tế thương mại, dịch vụ khởi sắc

Cập nhật: 28-02-2022 | 07:30:11

Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, hoạt động thương mại, dịch vụ (TMDV) trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những bước hồi phục và phát triển tốt. Các ngành chức năng đang tăng cường công tác giám sát, bình ổn thị trường hàng hóa.

 Nguồn cung hàng hóa dồi dào, các đơn vị cung ứng tăng chương trình khuyến mại nhằm kích cầu, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng

Hồi phục đồng đều

Trong tháng 1-2022, tình hình TMDV trên toàn tỉnh có bước hồi phục mạnh, báo hiệu sự khởi đầu đầy thuận lợi khi bước sang giai đoạn mới. Theo Sở Công thương, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 24.166 tỷ đồng, tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 14% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tháng 1 giảm 4,1% so với cùng kỳ. Sở Công thương đã tích cực trong công tác chủ động theo dõi diễn biến giá cả thị trường, cung cầu hàng hóa, triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, kiểm tra, kiểm soát thị trường chặt chẽ.

Đáng chú ý, sự hồi phục trong lĩnh vực TMDV đồng đều tại các địa phương trong cả tỉnh. Tại địa bàn huyện Dầu Tiếng, ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết trong tháng 1, tình hình hoạt động kinh doanh, TMDV trên địa bàn ổn định, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Giá trị TMDV tại Dầu Tiếng tháng 1-2022 đạt gần 963 tỷ đồng, tăng 12,6% so cùng kỳ, đạt 14% so với kế hoạch. Sau Tết Nguyên đán, tình hình cung ứng vẫn ổn định, hàng hóa dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Tại huyện Bắc Tân Uyên, theo ông Thái Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, nhờ sớm kiểm soát được dịch bệnh so với các địa phương khác trong tỉnh, sự hồi phục kinh tế - xã hội của huyện sau dịch bệnh có nhiều triển vọng. Trong tháng 1, tình hình kinh doanh TMDV trên địa bàn huyện tương đối ổn định. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ là 286 tỷ đồng, tăng 15,67% so với cùng kỳ. Đặc biệt, hàng hóa ngày càng phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu mua sắm của công nhân, người dân.

Sau Tết Nguyên đán, để sớm ổn định tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo các ngành tiếp tục triển khai kế hoạch về việc bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2022. Trong đó, đổi mới phương thức bán hàng bình ổn tại siêu thị và hoạt động đưa hàng bình ổn về nông thôn, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; quản lý thị trường chặt chẽ, thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện, xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Theo Sở Công thương, mới đây, Bộ Công thương vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ưu tiên phân tích, dự báo thị trường, kịp thời có giải pháp ứng phó, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng, tạo thuận lợi tối đa cho lưu thông hàng hóa. Cùng với đó, hỗ trợ phục hồi, phát triển nhanh sản xuất, kinh doanh, nhất là trong ngành, lĩnh vực quan trọng như năng lượng, chế biến chế tạo, bán lẻ; kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; công khai, minh bạch trong điều hành giá xăng dầu và hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác.

Giá cả vẫn ổn định

Hiện nay, dù một số mặt hàng như xăng dầu, thép… tăng cao đã và đang dự báo sẽ tác động đến thị trường tiêu dùng trong thời gian tới, nhưng điều đáng mừng, giá cả tiêu dùng vẫn ổn định. Ở lĩnh vực hàng thực phẩm, sức mua vẫn duy trì dù hiện nay có tình trạng giá cả tăng nhẹ ở một số chợ truyền thống hay các điểm bán tự phát. Cụ thể, giá trái cây, thịt heo, cá tăng từ 10.000 - 30.000 đồng/kg, tùy loại. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên lãnh đạo các siêu thị khẳng định hàng hóa về nhiều, không có tình trạng tăng giá. Ghi nhận thực tế tại hệ thống siêu thị như Aeon, Co.opmart, BigC… hiện vẫn giữ ổn định giá bán hầu hết các mặt hàng, thậm chí có nhiều chương trình khuyến mại lớn để kích cầu.

Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện không có tình trạng khan hiếm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu do đã được chuẩn bị sẵn để cung ứng đủ trước, trong và sau tết. Trong đó, các đơn vị bảo đảm nguồn cung lẫn bình ổn giá là hệ thống các chợ truyền thống, doanh nghiệp bình ổn thị trường và hệ thống siêu thị. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ năm 2022 khoảng 5.671 tỷ đồng không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh và khẩu trang, thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh, sinh phẩm test nhanh… Sau tết, các ngành tăng cường công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 389 trong việc phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn tỉnh.  

 Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương: Ngành công thương tiếp tục triển khai các giải pháp phục hồi hệ thống TMDV trên địa bàn tỉnh, vận động các đơn vị bán hàng bình ổn thị trường tiếp tục tổ chức bán hàng cố định, bán hàng lưu động tại các khu vực có hiện tượng thiếu hụt hàng hóa cục bộ. Sở tiếp tục giám sát công tác kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp và hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

 TIỂU MY - C.THƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=840
Quay lên trên