Kinh tế tiếp tục phát triển đồng bộ

Cập nhật: 08-10-2021 | 08:12:01

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Dầu Tiếng đã chung sức, đồng lòng thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát dịch bệnh song hành với phát triển hài hòa các chỉ số về kinh tế - xã hội. Trong đó, tiêu biểu nhất có thể kể đến là sự tăng trưởng một cách đồng bộ các chỉ số phát triển kinh tế với tổng giá trị sản xuất toàn huyện 9 tháng đầu năm đạt 13.802 tỷ đồng, tăng 12,52% so với cùng kỳ năm 2020.

 Nhiều DN tại Dầu Tiếng đã trở lại hoạt động. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty gỗ Phú Đỉnh. Ảnh: TIỂU MY

 Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Trong 9 tháng đầu năm, tổng diện tích cây cao su và các loại cây trồng truyền thống có giá trị kinh tế thấp trên địa bàn tiếp tục có xu hướng sụt giảm. Theo đó, diện tích cao su đã giảm thêm 304 ha, diện tích trồng lúa giảm khoảng 7 ha. Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp chuyên canh các loại cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt, chuối dole, dưa lưới… tiếp tục tăng với mức tăng tương ứng đạt khoảng 70 ha; diện tích đất chuyên canh các loại cây lương thực và rau màu theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 1.342 ha. Nhìn vào tỷ lệ tăng giảm tương ứng diện tích canh tác nông nghiệp các loại cây trồng, có thể khẳng định Dầu Tiếng đang quyết tâm cao trong việc tái cơ cấu nền nông nghiệp để phát triển bền vững.

Cùng với việc tích cực thực hiện tái cơ cấu diện tích và các loại cây trồng trong lĩnh vực trồng trọt, Huyện ủy, UBND huyện Dầu Tiếng cũng chỉ đạo sâu sát các ngành chức năng và địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch ngành chăn nuôi. Theo đó, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kỹ tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương huyện sẽ hỗ trợ người dân tập trung phát triển một số loại vật nuôi chính đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế theo hướng phát triển bền vững.

Đến nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện có 252 trang trại, trong đó có 123 trại gia cầm, 129 trại nuôi gia súc với quy mô lớn được thực hiện theo công nghệ, dây chuyền tự động và bán tự động. Tổng đàn gia súc của huyện đạt 179.360 con, tăng 7,34% so với cùng kỳ năm 2020, đàn gia cầm ước đạt 3,35 triệu con, tăng 4,69%. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt khoảng 116.000m2, duy trì ổn định so với năm 2020.

Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trở lại

Đến nay, huyện Dầu Tiếng đã tiên phong trong việc thiết lập vùng xanh an toàn, từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh từ sớm. Theo đó, hiện đã có 100/474 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đang hoạt động, số DN còn lại đang xây dựng phương án sản xuất an toàn trước khi mở cửa trở lại.

Thời gian qua, huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai thực hiện các công trình thuộc đề án phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp với phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền và các địa phương có tiềm năng, thế mạnh khai thác du lịch; đồng thời xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện chương trình phát triển tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

(Ông Trần Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng)

Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết trong thời gian này, huyện vẫn cho phép các DN tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 địa điểm” đồng thời tích cực hỗ trợ các DN triển khai phương án “3 xanh”. Để đồng hành cùng DN, huyện Dầu Tiếng chỉ đạo ngành chức năng và địa phương khẩn trương, tích cực kết nối, tạo điều kiện để các DN và chủ cơ sở nhà trọ thực hiện đàm phán, hợp tác toàn diện; từng bước quy hoạch, tái cơ cấu và xây dựng lại hệ thống các dãy nhà trọ, khu công nhân đạt chuẩn về điều kiện sinh hoạt và chất lượng cuộc sống để công nhân, người lao động yên tâm khi chọn Dầu Tiếng làm nơi sinh sống, làm việc.

Cùng với sự trở lại của các hoạt động sản xuất, từ tháng 9-2021, hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện cũng bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Theo đó, hầu hết các cửa hàng, siêu thị hàng tiêu dùng đã mở cửa hoạt động, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Nhìn chung giá cả và số lượng các mặt hàng thiết yếu ở Dầu Tiếng vẫn được duy trì ở mức bình ổn. Ghi nhận thực tế trên những tuyến đường chính tại thị trấn Dầu Tiếng và các xã lân cận, tình hình kinh doanh, buôn bán trên địa bàn đã dần được khôi phục trở lại, an toàn phòng dịch được chú trọng.

Bà Phan Hồng Xinh, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hòa, cho biết thực hiện chỉ đạo của huyện, sau khi thiết lập lại vùng xanh an toàn, xã Long Hòa đã cho phép mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”. Để bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện đúng quy định an toàn phòng dịch, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động chủ DN, hộ kinh doanh và người dân tiếp tục tuân thủ nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Ngoài ra, xã cũng tổ chức lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm tra các hoạt động phòng dịch tại các điểm mua bán.

 ĐÌNH THẮNG - D.TIẾNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=729
Quay lên trên