Với những lợi thế cơ bản về thổ nhưỡng, khí hậu, nhân công, trong những năm qua Phú Giáo đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại (KTTT). Và đây cũng là điểm nhấn của kinh tế Phú Giáo, góp phần nâng cao mức sống người dân và làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện.
Những kết quả khả quan
Trong bức tranh tổng thế của kinh tế huyện Phú Giáo, KTTT đang nổi lên như là một phương thức sản xuất bền vững và quan trọng của huyện. Dựa vào những lợi thế cơ bản về thổ nhưỡng, thời gian qua nông dân huyện Phú Giáo đã biết phát huy tối đa những lợi thế để hình thành nên những trang trại hiện đại và ổn định sản xuất. KTTT phát triển mạnh đã thu hút nhiều nông dân từ Đồng Nai, TP.HCM và các tỉnh miền Tây đến đầu tư làm ăn. Cùng với những chính sách khuyến khích phát triển của tỉnh và chính sách hỗ trợ của huyện, KTTT Phú Giáo đã phát huy hiệu quả, mang lại sự thay đổi lớn cho bộ mặt nông thôn của huyện.
KTTT huyện Phú Giáo đang xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi vật nuôi đặc sản với hiệu quả kinh tế cao
Trong các hình thức trang trại hiện nay thì mô hình trang trại trồng trọt, nhất là trồng cao su, đã thể hiện được tính ưu việt trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Song song đó, mô hình trang trại chăn nuôi cũng đang được chú trọng với hình thức chăn nuôi tập trung, theo hướng hiện đại và bảo đảm vệ sinh môi trường. Cùng với đó vài năm gần đây trên địa bàn huyện cũng đang xuất hiện mô hình kinh tế trang trại tổng hợp theo mô hình VAC và bước đầu đã thể hiện được ưu thế trong việc phát huy nguồn lực, có nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, các chủ trang trại trên địa bàn cũng đã chú trọng đến việc chăn nuôi những vật nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao như heo rừng lai, nhím, ba ba...
Nhìn chung các mô hình KTTT trên địa bàn huyện Phú Giáo thời gian qua đã huy động được nguồn nội lực trong dân về vốn, lao động, góp phần phủ xanh đất trống, cải thiện môi trường, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động; góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn của huyện.
KTTT sẽ phát triển bền vững
KTTT phát triển đã làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt nông thôn của huyện Phú Giáo, đời sống của các tầng lớp nhân dân nhờ đó ngày càng được nâng cao, cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng phát triển và hoàn thiện dần. Đánh giá được tầm quan trọng của KTTT, huyện Phú Giáo đang tiếp tục coi trọng và khuyến khích phát triển KTTT. Nói về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo Võ Văn Bá, cho biết: “Hiện nay, KTTT chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu kinh tế chung của huyện. Trong thời gian qua, đầu ra cho sản phẩm của KTTT Phú Giáo có hơi bấp bênh nhưng nhìn chung KTTT của Phú Giáo vẫn phát triển và ngày càng bền vững. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ để phát triển KTTT, như nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu nông sản, ký kết tiêu thụ sản phẩm, chuyển đổi mô hình trong trồng trọt. KTTT Phú Giáo sẽ tiếp tục phát triển theo chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa và có sự liên kết chặt chẽ trong các khâu sản xuất, tiêu thụ để tạo ra hiệu quả cao hơn”.Để thúc đẩy KTTT phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, huyện Phú Giáo cũng đang tích cực triển khai công tác cấp giấy chứng nhận trang trại để các chủ trang trại có thể tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của tỉnh. Với những chương trình, chính sách hỗ trợ tích cực từ tỉnh và huyện, trong thời gian tới KTTT của Phú Giáo sẽ tiếp tục có những bước phát triển cao hơn.
CAO SƠN
Tính đến giữa năm 2010, Phú Giáo có tổng cộng 618 trang trại (TT), bao gồm 486 TT trồng cây lâu năm, 119 TT chăn nuôi và 13 TT nông, lâm, thủy sản kết hợp. So với năm 2006 tăng 99 TT. Tổng diện tích đất TT hiện nay là 5.895 ha, tổng vốn đầu tư là 755,7 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 3.847 lao động. Như vậy, bình quân mỗi TT có 9,54 ha đất, 1,2 tỷ đồng vốn đầu tư và 6 lao động; thu nhập bình quân mỗi TT là 170 triệu đồng/năm.