Kinh tế trang trại: Tiềm lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 18-09-2013 | 00:00:00

Kinh tế trang trại (KTTT) đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của nông nghiệp nói riêng và tiến trình phát triển kinh tế tỉnh nhà nói chung. KTTT Bình Dương đang được định hướng tiếp tục phát triển theo hướng đầu tư công nghệ cao để hướng đến hiện đại, bền vững.

Nguồn lực cho “tam nông”

Các mô hình KTTT tại Bình Dương hiện nay phát triển khá đa dạng. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến giữa năm 2013, toàn tỉnh có 961 trang trại (TT) với tổng diện tích đất sản xuất trên 10.200 ha, bình quân mỗi TT khoảng 11 ha. Trong đó, TT trồng cây lâu năm chiếm ưu thế với trên 600 TT, số còn lại là TT chăn nuôi và thủy sản. Trong trồng trọt, các TT trồng cây cao su đang chiếm số lượng lớn, kế đến là các TT trồng cây ăn trái và hoa lan, cây cảnh. Trong chăn nuôi, các TT tập trung chủ yếu là nuôi heo, gà gia công với số lượng lớn.

KTTT là điểm sáng của ngành nông nghiệp Bình Dương. Trong ảnh: Trang trại heo trại lạnh của ông Đoàn Văn Cường ở xã Tân Định, Tân Uyên

Với những chính sách hỗ trợ về chuyển giao khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu của tỉnh, KTTT Bình Dương trong thời gian qua đã có những bước tiến quan trọng. Các TT đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, là nơi cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Ông Bùi Quang Chánh, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, KTTT là một trong những điểm sáng nổi bật của nông nghiệp Bình Dương. Các TT chính là những mô hình điển hình trong việc tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao và nâng cao hiệu quả sản xuất tối đa trên 1 diện tích đất canh tác. Bên cạnh đó, các TT còn là kênh giải quyết một phần đáng kể lao động nông thôn tại các địa phương. Các TT hiệu quả còn là các mô hình điểm cho nông dân học hỏi và nhân rộng các mô hình ra quy mô lớn hơn.

Tại Bình Dương, phát triển KTTT cũng đồng nghĩa với việc làm giàu. Nhiều nông dân đã thực sự đổi đời từ các mô hình KTTT. Có những mô hình TT có nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm, tập trung ở các trang trại cao su, trồng cây có múi, nuôi heo, gà… Có thể kể đến một số TT như TT Đoàn Minh Chiến của ông Đoàn Minh Chiến (xã Tân Định, huyện Tân Uyên) đạt trên 2 tỷ đồng/năm; doanh thu bình quân của TT Phương Uyên (xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên) đạt trên 6 tỷ đồng/năm và cung cấp cho thị trường nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; TT của ông Trần Văn Vạn (xã Lai Hưng, huyện Bến Cát) cũng đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 500 triệu đồng/năm; TT ông Lê Văn Phấn (xã Trừ Văn Thố, huyện Bến Cát) đạt doanh thu gần 4 tỷ đồng, lợi nhuận 2 tỷ đồng/năm; TT Phương Nam (xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng) có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Ngoài việc làm giàu cho bản thân, các chủ TT còn đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đột phá bằng yếu tố công nghệ cao

Đầu tư sản xuất theo hướng công nghệ cao đã được nhiều chủ TT chú trọng. Nhiều tiến bộ khoa học được đầu tư ứng dựng trong các TT tại Bình Dương như: sử dụng hệ thống tưới phun tự động, tưới nhỏ giọt, sử dụng công nghệ sinh học, xử lý cho ra trái nghịch vụ cây có múi; sử dụng hệ thống chuồng lạnh, máng ăn, máng uống tự động trong chăn nuôi heo, gà… Ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang TT trồng bưởi công nghệ cao tại xã Tân Định, huyện Tân Uyên cho biết: “Trước những thay đổi về điều kiện đất đai do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh của Bình Dương bắt buộc người nông dân phải đầu tư theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Hiện tôi đã xây dựng được hệ thống tưới tự động hoàn toàn vừa giúp giảm chi phí, vừa có thể tưới cho nhiều địa hình khác nhau, hiệu quả tưới cũng cao hơn, qua đó năng suất vườn cây cũng tăng theo”.

Các TT tại Bình Dương đã chú ý đến việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Trong ảnh: Hệ thống tưới tự động trong trồng cây có múi của nông dân xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên 

Hiệu quả của việc đầu tư công nghệ cao có thể nhận thấy rõ nhất tại các TT chăn nuôi. Hiện tại Bình Dương có 43 công ty, TT chăn nuôi heo theo hướng công nghệ cao với trên 120.000 con và có 71 công ty, TT chăn nuôi gà theo hướng công nghệ cao với trên 2.800.000 con. Thực tế chứng minh, đầu tư chăn nuôi theo hướng công nghệ cao đã giúp cho các TT an toàn trong những đợt dịch bệnh hoành hành thời gian qua. Ông Tống Văn Hướng, Chủ TT chăn nuôi Phương Nam tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng cho biết: “Lúc trước tôi chăn nuôi gà theo hướng trại hở, thường xuyên bị dịch bệnh. Để bảo đảm an toàn dịch bệnh, môi trường, tôi đã chọn hướng chăn nuôi trại lạnh. Mức đầu tư trại lạnh khá cao, tuy nhiên độ an toàn cao hơn, đồng nghĩa với việc thu nhập bảo đảm hơn”. Ông Nguyễn Văn Đông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Dương cho biết, trong thời gian qua đã có nhiều hộ chăn nuôi, chủ TT bỏ vốn đầu tư theo hướng công nghệ cao. Việc xử lý chất thải, nước thải bằng hệ thống biogas, quản lý dịch bệnh luôn được các chủ TT chăn nuôi chú ý và phải hội đủ các điều kiện như trên ngành thú y mới cho phép các TT này tiến hành thả giống.

KTTT đang khẳng định vị thế của mình trong sản xuất nông nghiệp và chứng minh được tính phù hợp với tiến trình phát triển chung của tỉnh. KTTT là nguồn lực đóng góp cơ bản cho chương trình xây dựng nông thôn mới của Bình Dương. Tuy nhiên, 2 năm nay số lượng TT tại Bình Dương đang giảm dần. Những quy định về diện tích, giá trị sản lượng hàng hóa tại Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tiêu chí và thủ tục chứng nhận KTTT đã làm hạn chế số lượng TT của Bình Dương. Những quy định như: cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tổng hợp phải có diện tích hạn điền tối thiểu 3,1 ha, giá trị sản xuất hàng hóa phải đạt 700 triệu đồng/năm; đối với cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1 tỷ đồng/năm trở lên; đối với TT sản xuất lâm nghiệp phải có diện tích tối thiểu là 31 ha và giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 500 triệu đồng/năm trở lên mới được công nhận là TT đã “đánh rớt” nhiều TT tại Bình Dương. Thực tế cho thấy những mô hình như trồng tiêu, cây có múi, hoa lan tại Bình Dương không bảo đảm yếu tố diện tích nhưng cũng có nguồn thu hàng trăm triệu đồng/ha/năm; những hộ chăn nuôi gia công nếu “áp” theo thông tư này cũng không đạt. Nếu các cơ sở sản xuất không đạt được theo quy định thì sẽ không được công nhận là TT và đương nhiên sẽ khó tiếp cận với các chính sách ưu tiên cho phát triển KTTT như vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại… Những bất cập này rất cần được tháo gỡ để KTTT Bình Dương tiếp tục phát triển.

ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên