DN cần quan tâm nhiều đến chính sách vĩ mô hơn là tin đồn. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của một DN dệt may.
Kinh tế (KT) Việt Nam năm 2009 đã phục hồi trên tất cả các lĩnh vực với GDP cả năm ước tăng 5,2%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,2%; tổng dư nợ tín dụng khoảng 35%... Nhìn chung nền KT vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực.Tuy nhiên, theo các chuyên gia KT, năm 2010 sẽ là thời điểm có sự sàng lọc nghiệt ngã của thị trường đối với các doanh nghiệp (DN) ở các ngành, đặc biệt đáng lo ngại nhất là nguy cơ tái lạm phát có thể quay lại.Ổn định KT vĩ mô để ngăn ngừa tái lạm phát
Sau những thay đổi quan trọng trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, thị trường vàng, chứng khoán có nhiều biến động khó lường và chính sách kích cầu nối tiếp của Chính phủ vẫn đang chờ quyết định cuối cùng... các chuyên gia KT đã cùng hơn 500 DN vừa gặp nhau để thảo luận, phân tích KT 2010 nhằm định hướng cho DN. Quan điểm chung của các chuyên gia, hướng đến năm 2010, nền KT Việt Nam đang đứng trước những chuyển biến với kỳ vọng có bước chuyển biến tích cực hơn năm 2009. Nền KT thế giới đang dần phục hồi, hoạt động thương mại toàn cầu có xu hướng gia tăng là những điều kiện cần thiết để các DN nắm bắt các cơ hội thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều yếu tố cũng được dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Dự báo năm 2010 nhiều DN sẽ phải đối diện với những biến động khó lường của tỷ giá, lãi suất và khả năng lạm phát có thể quay trở lại, trong khi hoạt động tìm vốn vẫn còn nhiều trở ngại.
TS Trần Du Lịch, chuyên gia KT nhận định, mặc dù năm 2009 nền KT đã có những dấu hiệu tích cực nhưng năm 2010 vẫn là thời điểm có sự sàng lọc nghiệt ngã của thị trường đối với DN. Năm 2010 Chính phủ tiếp tục thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng vững chắc, tốc độ và quan tâm chất lượng tăng trưởng; duy trì tốc độ tăng GDP khoảng 6,5%, xuất khẩu tăng khoảng 6% và giảm nhập siêu; Chỉ số CPI dưới 7%. Đặc biệt, Chính phủ cần phải giữ vững ổn định KT vĩ mô để ngăn ngừa tái lạm phát cao, sử dụng chính sách tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ DN nâng cao sức cạnh tranh và tiếp tục các giải pháp an sinh xã hội, đồng thời thúc đẩy DN khai thác hiệu quả thị trường nội địa.
Theo TS Trần Du Lịch, những vấn đề đang đặt ra cho thời kỳ hậu suy giảm KT là làm thế nào để phục hồi vững chắc, khắc phục được sự tồn tại của cơ cấu kinh tế thiếu cạnh tranh; làm thế nào để khai thác thị trường nội địa, nguy cơ tái lạm phát cao do chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng vẫn là vấn đề đặt ra trong năm 2010, trong ngắn hạn vấn đề lãi suất và tỷ giá là bài toán khá phức tạp. Đồng Việt Nam tiếp tục ổn định nhưng vẫn phải điều chỉnh linh hoạt theo tỷ giá của USD so với các đồng tiền mạnh khác trên thị trường quốc tế, góp phần kích thích xuất khẩu, giảm nhập siêu, giữ thăng bằng cán cân tổng thể. Cùng với đó là phải giải quyết sự mất cân đối trong cơ cấu tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn. Thị trường chứng khoán vẫn phải phòng ngừa nguy cơ bong bóng và củng cố hệ thống ngân hàng thương mại, phát triển thị trường vốn.
DN nên quan tâm đến chính sách vĩ mô
Nói về một số rủi ro của nền KT năm 2010, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu chương trình giảng dạy KT Fulbright, nhận định: “Mặc dù nền KT hiện đang trên đà hồi phục theo hình chữ V là rất lý tưởng nhưng chưa bền vững, đó mới là điều quan trọng. Tốc độ phát triển hiện chủ yếu phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài và khu vực dân doanh và khai thác tài nguyên”.
Theo ông Vũ Thành Tự Anh, quý II-2010 dự báo sẽ có dấu hiệu lạm phát, về vĩ mô có thể thâm hụt thương mại, cán cân thanh toán, về thị trường thì nhu cầu thế giới quay trở lại nhưng sẽ không tăng đột biến, theo đó các nhà sản xuất cũng tăng trưởng nhưng không lớn. Vấn đề tỷ giá hối đoái là hết sức quan trọng đối với DN, vì thế DN cần quan tâm nhiều hơn đến vĩ mô như tăng trưởng tín dụng, tỷ giá và cơ hội tận dụng từ nền kinh tế phục hồi.
TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa KT quản trị - Đại học Ngân hàng TP.HCM đề nghị các DN cần phải nhìn lại mình để kịp thời khắc phục những điểm yếu và thích nghi với việc thay đổi của thị trường, chính sách. Hiện DN còn mấy điểm yếu, đó là tính hợp pháp thấp nhưng tính đố kỵ cao, tin đồn lại cho là quan trọng hơn về chính sách vĩ mô; chi phí sản xuất, kiểu dáng, chất lượng... là những điều mà DN cần phải thay đổi. Tái cấu trúc DN phải có nguyên tắc và không đối đầu trực diện với các đại gia trên thế giới mà phải tìm cách “sống chung”, phải tăng cường tư duy trong kinh doanh, phát triển thị trường nội địa là chiến lược, tăng cường phát triển thị trường truyền thống... Về phía DN, các ý kiến đều yêu cầu trọng tâm là cần có một môi trường kinh doanh ổn định, trong đó tập trung ở sự nhất quán và hợp lý của những điều chỉnh về chính sách điều hành và can thiệp thị trường, có hệ thống thông tin dự báo kịp thời và chính xác...
TRUNG ĐỒNG