Doanh nghiệp cũng phải cẩn trọng hơn trong chến lược kinh doanh của mìnhTại Hội nghị đầu tư năm 2010 vừa tổ chức tại TP.HCM, tiến sĩ Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, các tháng cuối năm kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc nhanh với nhiều cơ hội phát triển. Ngoài niềm vui trên, các ngành và chính bản thân nội tại doanh nghiệp (DN) cũng phải cẩn trọng hơn trong chiến lược kinh doanh của mình.
Lạc quan CPI
Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2010 so với thời điểm cuối năm 2009 tăng 4,78% và đây là mức tăng thấp nhất trong 6 năm qua. CPI tháng 6 có chỉ số thấp nhất trong các tháng đầu năm, chỉ tăng 0,22% và là tháng thứ 3 liên tục cả nước có mức tăng thấp. Một tín hiệu lạc quan khác từ Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tại đây đã giảm 0,09% so với tháng 6 và ngăn chặn được chiều đi lên của các tháng trước. “Là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, CPI của TP.HCM giảm sẽ tác động không nhỏ đến chỉ số của cả nước”, ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Dragon Capital phán đoán.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam hiện đã đi qua hơn nửa chặng đường của năm 2010 và nhiều mục tiêu đề ra cho cả năm bao gồm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát đạt ở mức khoảng 7 - 8%, tăng trưởng 6,5%... Phân tích của các chuyên gia tại hội nghị, mức tăng trưởng trên là khả thi và chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng về khả năng đạt mục tiêu như kế hoạch đề ra. Hiện kinh tế trong nước được đánh giá đang tiếp tục hồi phục với tốc độ nhanh với tất cả các ngành, các lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ cùng kỳ 2009.
Dự báo của Bộ Công Thương, giá cả các nguyên liệu cơ bản và năng lượng những tháng cuối năm tăng không nhiều, giá có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ. Cụ thể, giá mặt hàng thép trên thị trường trong nước tiếp tục xu hướng giảm trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ không cao, lượng hàng tồn kho lớn; nhờ giá nguyên liệu giảm, mặt hàng thức ăn chăn nuôi được dự báo sẽ tiếp tục ổn định giá trong tháng tới; giá lúa gạo tiếp tục giảm... Vì thế, CPI trong quý III tới dự báo sẽ chỉ tăng ở mức khoảng 0,5 - 0,7% và nhiều khả năng CPI năm 2010 vẫn chỉ tăng ở mức 1 con số và đạt mức lạm phát có thể ở khoảng 8 - 8,5%.
Nhưng nhiều thách thức
Nhiều tín hiệu vui, nhưng các tháng cuối năm kinh tế Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít gian truân. Bà Đàm Bích Thủy, Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ phân tích, các nước châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng nợ công dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu, rút bớt hoặc ngừng các gói kích thích kinh tế khiến tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại, lãi suất tăng lên. Thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu, nhất là từ 3 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bao gồm EU, Mỹ và Nhật Bản dự báo sẽ giảm... “Ngoài ra xuất khẩu của ta sang EU cũng giảm đáng kể về giá trị do đồng euro đã mất giá so với VNĐ; đồng nhân dân tệ lên giá sẽ làm cho xuất khẩu và tăng trưởng của Trung Quốc giảm nhưng đẩy nhập khẩu của ta từ nước bạn giá tăng...”, bà Thủy nói thêm.
Ngoài vấn đề thiên tai, tình trạng thiếu điện sẽ tiếp tục ảnh hưởng nhiều mặt đến sản xuất và đời sống, vấn đề nền tài chính trong nước vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế chung sẽ làm cho không ít DN “đau đầu”. Theo ông Thúy, hiện tín dụng của Việt Nam tăng quá thấp, nhất là tín dụng bằng VNĐ. Tính đến thời điểm tháng 6, tín dụng tăng khoảng 10%, nhưng tín dụng bằng VNĐ chỉ tăng 4,6% trong khi tín dụng bằng ngoại tệ tăng đến 27% và đã đạt đến giới hạn huy động thấp hơn dư nợ vay. Điều này dẫn đến hệ quả, đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng rất thấp so cùng kỳ (9% so với 54%); DN tư nhân, vừa và nhỏ khát vốn... dễ tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả năm.
Các tháng cuối năm, thách thức phục hồi đà tăng trưởng sẽ lớn hơn thách thức về lạm phát cao trở lại. Điều này tác động đến Chính phủ khi phải có biện pháp mạnh mẽ và đúng đắn hơn trong hoạch định và điều hành chính sách, đặc biệt chính sách tiền tệ. “Chúng ta phải nhanh chóng tháo gỡ các rào cản hành chính trái nguyên lý đối với hoạt động của thị trường liên ngân hàng thương mại trong và ngoài nước; xử lý tốt quan hệ giữa ngân sách và ngân hàng Nhà nước; cung ứng tổng phương tiện thanh toán, bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và cho nền kinh tế... Những việc làm trên sẽ góp phần làm giảm lãi suất huy động và cho vay, tăng khả năng cạnh tranh của các ngân hàng thương mại... đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế chung của cả nước”, ông Thúy kết luận.
THIÊN KHIÊM