Kinh tế Việt Nam năm 2024 phục hồi tích cực, dự báo vượt mục tiêu Quốc hội đề ra

Cập nhật: 04-11-2024 | 06:47:13

Với quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, rất nhiều đại biểu tin tưởng rằng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ hoàn thành và vượt mục tiêu.

Dây chuyền chuyên dập, đúc, mạ, lắp ráp các linh kiện điện tử phục vụ cho ngành công nghiệp điện tử.

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh năm 2024, kinh tế phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Cùng với đó, từ những kết quả đạt được trong 10 tháng qua, các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao sự phát triển và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực.

Điểm sáng của "bức tranh kinh tế"

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao); nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.

Nổi bật trong tháng 10, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt kết quả 51,2 điểm, tăng so với 47,3 điểm của tháng Chín và đã vượt lại lên trên ngưỡng 50 điểm sau khi chịu tình trạng gián đoạn do cơn bão Yagi gây ra trong tháng trước… Đây được xem là một trong những yếu tố nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.

Theo S&P Global, dữ liệu tháng 10 cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam bắt đầu hồi phục sau ảnh hưởng của cơn bão trong tháng 9 khi ghi nhận cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng trở lại.

Tuy nhiên, một số tác động của bão lũ đã kéo dài sang đến tháng 10, từ đó, hạn chế tăng trưởng sản lượng và dẫn đến chậm trễ trong khâu giao hàng của nhà cung cấp và làm gia tăng lượng công việc chưa thực hiện. Tốc độ tăng của cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra đã nhanh hơn nhưng vẫn còn ở mức nhẹ.

Còn theo Báo cáo thường niên Earning Insight 2024 do Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố, tâm lý doanh nghiệp đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế trong cả năm 2024 đang ngày càng cải thiện rõ nét.

Kỳ vọng tăng trưởng đang dần chuyển từ các kịch bản khiêm tốn sang những kịch bản tích cực hơn và được phản ánh trong kết quả khảo sát do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) tiến hành gần đây.

Bức tranh triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 dường như sáng sủa hơn. Tỷ lệ doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng từ 6% - 6,5% và trên 6,5% tăng mạnh; thậm chí cao hơn mức dự đoán hồi đầu năm là 17,6%.

Dẫn chứng số liệu dự báo của các tổ chức quốc tế, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng vừa điều chỉnh dự báo GDP của Việt Nam, dự kiến sẽ đạt mức 6% vào năm 2024 và tiếp tục cải thiện lên 6,2% vào năm 2025. Hay Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,1% vào năm 2024 và tăng lên 6,5% sang năm 2025.

Trong khi đó, Ngân hàng UOB điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng cả năm 2024 lên 6,4%, cao hơn nhiều so với mức dự báo trước đó là 5,9%. Những số liệu này đều tiệm cận với mục tiêu tăng trưởng chính thức mà Quốc hội Việt Nam đề ra là 6%-6,5%.

Chỉ ra một trong những điểm nhấn của năm 2024, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho biết khả năng cả năm 2024, kinh tế Việt Nam sẽ đạt và vượt cả 15/15 chỉ tiêu, kết cấu hạ tầng có bước đột phá, chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số có điểm nhấn tích cực…

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu rõ “cảm nhận nhân dân, doanh nghiệp rất vững lòng về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc."

Tuy nhiên, nhìn chung cùng với xu hướng lạc quan thì vẫn có sự phân hóa trong dự báo của các doanh nghiệp, do sự phục hồi chưa đồng đều ở các lĩnh vực kinh tế. Thực tế, trong tháng Chín, vẫn có 4.233 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2023; 7.410 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 40,5%, 1.605 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 26,8%, cho thấy áp lực đối với doanh nghiệp vẫn lớn.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng nhận định còn nhiều rủi ro và thách thức tồn tại có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng, do đó, cần những bước đi chiến lược, triển khai các giải pháp phù hợp để kích thích và tận dụng cơ hội, vững vàng vượt khó khăn.

Cùng với triển vọng, báo cáo của Vietnam Report cũng ghi nhận những ý kiến của doanh nghiệp khi bày tỏ quan ngại về một số rủi ro về các thách thức dai dẳng liên quan đến bất ổn địa chính trị kéo dài, khó đoán định, sự thay đổi của các chính sách thương mại tại một số nền kinh tế sau bầu cử, cạnh tranh giữa các cường quốc về thương mại và công nghệ…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô; hoạt động sản xuất, kinh doanh; nợ xấu; giải ngân vốn đầu tư công; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; thể chế, pháp luật; việc phân cấp, phân quyền; chất lượng nguồn nhân lực...

Tháo gỡ những điểm nghẽn

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024, những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đã đề xuất Chính phủ sẽ tập trung vào 6 giải pháp trọng tâm, trong đó giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là tiếp tục hoàn thiện về thể chế và coi đây là giải pháp đột phá của đột phá.

"Thể chế đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn nhưng tháo gỡ được thì sẽ trở thành đột phá của đột phá," Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Cùng với đó, các giải pháp tiếp theo là tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án về đất đai; thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản; thúc đẩy các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trong đó xác định đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, thu hút vốn FDI có chọn lọc (chú trọng các dự án lớn, dự án công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư chiến lược); đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, những ngành công nghiệp mới…

Cùng với những giải pháp trên, trong chỉ đạo tháng 10/2024 của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ký Công điện số 103/CĐ-TTg ngày 7/10/2024 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.

Chế biến nông sản xuất khẩu. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách cần kiến tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa để loại hình doanh nghiệp này có khả năng vươn lên và phát triển.

Đồng thời, khuyến khích cơ chế doanh nghiệp lớn hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo ra chuỗi giá trị nội địa và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Các chính sách hỗ trợ cần thiết thực, hiệu quả để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả giữa các khu vực; nghiên cứu việc hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 8/10/2024 đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao bám sát các quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024...

Nhằm đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 108/CĐ-TTg ngày 18/10/2024 về việc đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức các đoàn công tác, huy động chuyên gia, lực lượng chuyên môn, cán bộ khuyến nông cơ sở đến từng hộ dân, cơ sở sản xuất bị thiệt hại do bão, lũ để trực tiếp hướng dẫn người dân khôi phục sản xuất…

Với những chỉ đạo, quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, rất nhiều đại biểu tin tưởng rằng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ hoàn thành và vượt mục tiêu.

Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng mặc dù trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn bởi bên ngoài, bởi xung đột chính trị, nhu cầu tiêu dùng của thế giới chậm lại… nhưng sự quyết tâm chính trị cao của các cấp, ngành, các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2024, trong đó 15 chỉ tiêu đề ra đều đạt được, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7% là khả năng cao, cho thấy nền kinh tế phục hồi nhanh, khả năng chống chịu tốt.

"Trong bối cảnh cơn bão số 3 vừa qua (bão Yagi), Việt Nam đã khắc phục rất tốt và hiện nay đang có những tín hiệu tích cực trong quý cuối năm. Tôi rất tự hào, hãnh diện, có niềm tin về sự tăng trưởng, chất lượng điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp," đại biểu Trần Anh Tuấn nhấn mạnh./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=751
Quay lên trên