Kinh tế Việt Nam qua lăng kính ADB

Cập nhật: 12-10-2010 | 00:00:00

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố Báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo báo cáo mới của ADB, mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2010 được nâng từ 6,5% lên 6,7%, năm 2011 từ 6,8% lên 7%, đồng thời hạ mức dự báo lạm phát năm 2010 xuống 8,5% và năm 2011 xuống 7,5%. Trong phạm vi bài viết này xin giới thiệu nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam 2010 và những thách thức của sự phát triển do ADB nghiên cứu. 

Triển vọng

Để đánh giá triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2010 và 2011, ADB đã đưa ra 2 giả định quan trọng về các chính sách sẽ được Chính phủ Việt Nam thực hiện trong thời gian tới. Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam sẽ duy trì chính sách kinh tế vĩ mô ổn định trong suốt thời gian còn lại của năm 2010, do vậy cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam sẽ dần được cải thiện đi cùng với thâm hụt tài khóa được thu hẹp. Thứ hai, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 25% và duy trì mọi nỗ lực nhằm bảo vệ và tăng cường tính an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

  Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả năm 2010 ướt đạt 800 ngàn tỷ đồng, bằng 41%GDP, tăng 12,9% so với năm 2009. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tăng 4,7%, vốn trái phiếu Chính phủ tăng 47,8%... Dù có mức tăng thấp (3,9%) nhưng khu vực tư nhân và dân cư vẫn dẫn đầu về giá trị đầu tư

Trên các giả định này, ADB cho rằng đầu tư của Chính phủ sẽ bị hạn chế trong điều kiện củng cố chính sách tài khóa, tuy nhiên, đầu tư của tư nhân thì gia tăng do sự hồi phục trong thương mại quốc tế và các điều kiện tài chính. Minh chứng cho sự cải thiện của môi trường đầu tư tại Việt Nam, xếp hạng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam, thực hiện bởi Diễn đàn kinh tế thế giới, đã nâng lên hạng mức 59 trong số 139 quốc gia (năm 2009 mức xếp hạng là 75). Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam rất nỗ lực trong quá trình giảm thiểu nạn quan liêu thông qua tiến trình thực hiện cải cách hành chính (được biết đến dưới cái tên Đề án 30). ADB đánh giá rằng chi tiêu tư nhân tại Việt Nam gia tăng, do sự hỗ trợ của việc nâng mức thu nhập và cải thiện luồng tiền kiều hối. Ngoài ra, Việt Nam đang được hưởng lợi đáng kể từ sự hồi phục của thương mại thế giới, được kỳ vọng vào năm 2011 sẽ tiếp tục tăng trưởng cùng với tốc độ đã đạt được trong năm nay. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng khoảng 30% trong tháng 7-8, hỗ trợ tăng trưởng trên lĩnh vực công nghiệp và cả lĩnh vực nông nghiệp (với mức độ hạn chế hơn). Đặc biệt, thương mại với Trung Quốc được mở rộng nhanh chóng do sự hồi phục kinh tế của các nền kinh tế này và chính sự hồi phục của các nền kinh tế này lại được củng cố thêm bởi hiệp định tự do thương mại giữa Trung Quốc và các nước thuộc Hiệp hội Đông Nam Á, có hiệu lực kể từ tháng 1-2010. Mặc dù, các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được chế tạo phần lớn từ nguồn nguyên liệu và thiết bị nhập khẩu, ADB nhận định ảnh hưởng do sự mất giá của đồng Việt Nam (khi mà tỷ lệ mất giá danh nghĩa của VND lớn hơn tỷ lệ lạm phát) đối với thâm hụt thương mại sẽ bị thu hẹp. Dựa trên những lập luận này, GDP 2010 của Việt Nam được ADB điều chỉnh lên mức 6,7%, cao hơn mức dự báo cũ 6,5% (công bố vào tháng 4-2010). Theo ADB, cơ sở để thay đổi mức dự báo này là Việt Nam đã đạt được mức độ tăng trưởng quý I-2010 cao gấp đôi so với dự báo và được đánh giá sẽ tăng nhanh hơn trong quý II-2010.

Ngoài ra, ADB dự báo thương mại thế giới sẽ phục hồi trong năm 2010, giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn. Đến năm 2011, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể lên đến 7% do niềm tin của các nhà đầu tư đã được cải thiện, lạm phát được kiềm chế và vị thế đối ngoại được nâng cao.

Những thách thức

ADB cho rằng Việt Nam phải đối mặt với một số thách thức trong lĩnh vực ngân hàng tài chính như: kiềm chế lạm phát, các vấn đề quản trị ngân hàng... Theo đánh giá của ADB, những rủi ro bên trong của nền kinh tế Việt Nam là sự nới lỏng sớm của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa (hoặc cả hai), hoặc quá trình tiếp nhận các chính sách nới lỏng của thị trường tài chính và các nhà đầu tư trong nước, đã dẫn đến các rủi ro gồm giảm những tác động tích cực đối với những nỗ lực làm ổn định nền kinh tế vĩ mô, đưa lạm phát vào quỹ đạo mới với xu hướng tăng cao và gây áp lực đối với cán cân xuất nhập khẩu.

Những biến động trên có thể làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng và các nhà kinh doanh và làm suy yếu dự trữ ngoại hối của Việt Nam, mà hiện tại đang ở mức thấp, dẫn tới hậu quả không ổn định kinh tế vĩ mô. Đến lượt nó, không ổn định kinh tế vĩ mô đặt ra yêu cầu về thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa hơn nữa; điều đó sẽ hạn chế triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới 2011. Do vậy, vấn đề chủ yếu đối với Việt Nam bây giờ là các nhà hoạch định chính sách cần duy trì các chính sách một cách ổn định và nhất quán với nhau, đồng thời phải phổ biến, tuyên truyền các chính sách đó một cách hiệu quả tới công chúng và các nhà kinh doanh cho đến khi lạm phát đi vào quỹ đạo ổn định theo xu hướng giảm và dự trữ ngoại hối gia tăng.

Thách thức quan trọng khác đối với kinh tế Việt Nam là làm như thế nào để gia tăng tính hiệu quả của nền kinh tế và giảm sự thúc ép về phía cung thông qua các cuộc cải cách thể chế. Mặc dù thực tế thời gian qua đã chứng minh các cuộc cải cách nêu trên đã đưa Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình, nhưng Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện công cuộc cải cách thể chế.

Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2011-2020. Theo ADB, điều này đưa đến các cơ hội cho Việt Nam trong việc xử lý các vướng mắc về cơ sở hạ tầng, các khiếm khuyết trong các quy định và khuôn khổ luật pháp dành cho khu vực tư nhân, tính kém hiệu quả và các vấn đề quản trị đối với các doanh nghiệp Nhà nước, và tình trạng thiếu lao động có kỹ năng. Các chính sách điều chỉnh thế chế, thúc đẩy tăng trưởng trong sản xuất và hỗ trợ sự phát triển của các ngành sử dụng giá trị gia tăng cao, là yếu tố chính để duy trì tăng trưởng và mở rộng lợi ích của tăng trưởng tới mọi người dân.

NGUYỄN BÌNH HÒA

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên