Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 3/2024. Dù nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, Việt Nam đang nắm bắt được nhiều cơ hội từ đầu tư công và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, những rào cản về giải ngân vốn và tiêu dùng nội địa đặt ra không ít thách thức.
Sản xuất và xuất khẩu là động lực chính của tăng trưởng
Theo báo cáo vĩ mô của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), bối cảnh kinh tế Việt Nam trong tháng 9/2024 vẫn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào khu vực sản xuất và xuất khẩu. Mặc dù các chỉ số tăng trưởng sản xuất có dấu hiệu chậm lại so với những tháng trước, mức tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn được giữ ở mức 9,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là một con số tích cực khi đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cuộc suy thoái và sự bất ổn chính trị ở nhiều khu vực.
Thánh 9, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào khu vực sản xuất và xuất khẩu.
Mặt khác, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng chủ yếu nhờ các ngành trọng điểm như dệt may, da giày, hàng điện tử và sản xuất kim loại. Đặc biệt, ngành lắp ráp và sản xuất xe có động cơ cũng ghi nhận sự phục hồi đáng kể, góp phần quan trọng vào tổng sản lượng công nghiệp của cả nước. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) trong tháng 8/2024 mặc dù giảm nhẹ xuống còn 52,4 điểm so với mức 54,7 điểm của tháng trước, vẫn duy trì ở mức trên 50, cho thấy sự ổn định của khu vực sản xuất.
Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn là điểm sáng lớn trong tăng trưởng kinh tế. Việt Nam tiếp tục tăng cường thị phần xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ và EU, đặc biệt ở phân khúc trung nguồn trong chuỗi cung ứng các mặt hàng điện tử toàn cầu. Đáng lưu ý, sự dịch chuyển của các doanh nghiệp công nghệ ra khỏi Trung Quốc đang mở ra cơ hội cho Việt Nam tiến sâu hơn vào các lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật cao và lao động có tay nghề.
Tuy nhiên, tăng trưởng tiêu dùng nội địa vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể, bất chấp những nỗ lực từ chính sách cải cách tiền lương trong tháng 7 và 8. Cụ thể, tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ đạt 5,3%, thấp hơn mức tăng 5,7% của nửa đầu năm. Đây là một dấu hiệu cho thấy, sức mua trong nước vẫn còn yếu và cần thêm các biện pháp kích cầu để hỗ trợ tăng trưởng toàn diện hơn.
Về mặt lãi suất và tỷ giá, tỷ giá USD/VND đã giảm mạnh hơn dự kiến do sự suy yếu của đồng USD trên thị trường quốc tế. Điều này giúp giảm áp lực lên tỷ giá trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, lãi suất huy động tại các ngân hàng lại có xu hướng tăng, điều này có thể tạo ra những áp lực lên chi phí vay vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tìm kiếm nguồn vốn để mở rộng sản xuất.
Cơ hội và thách thức từ đầu tư công
Đầu tư công tiếp tục là một động lực quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gặp nhiều thách thức.
Theo báo cáo của VDSC, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công đã bắt đầu cải thiện từ tháng 8/2024, với tổng vốn giải ngân đạt khoảng 290,6 nghìn tỷ đồng. Đây là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế khi các dự án hạ tầng quan trọng như giao thông, cầu đường và hạ tầng kỹ thuật đô thị đang được triển khai mạnh mẽ. Các dự án này không chỉ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng, mà còn tạo ra nhiều việc làm, thúc đẩy tăng trưởng GDP trong dài hạn.
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vẫn còn là một điểm yếu khi các địa phương lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội còn chậm. Tốc độ giải ngân của TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 16,6% và Hà Nội là 35,2% kế hoạch được giao. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều dự án quan trọng vẫn còn đang bị đình trệ, gây khó khăn cho việc tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư công. Nguyên nhân chính đến từ các thủ tục hành chính phức tạp, thiếu sự phối hợp giữa các cấp chính quyền và quy trình phê duyệt dự án còn nhiều bất cập.
Trong bối cảnh toàn cầu, Việt Nam đang có lợi thế lớn từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Các tập đoàn công nghệ lớn đã và đang tìm kiếm những quốc gia khác để đặt nhà máy sản xuất và Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn nhờ vào vị trí địa lý chiến lược, lực lượng lao động giá rẻ nhưng có tay nghề.
Trong 8 tháng năm 2024, Việt Nam đã thu hút được 20,5 tỷ USD vốn FDI, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, tỷ trọng đầu tư từ các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc (trong đó có Đài Loan và Hồng Kông) chiếm khoảng 42% tổng vốn đăng ký mới, cho thấy sự quan tâm lớn từ khu vực này đối với thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào xuất khẩu cũng mang lại những thách thức lớn. Nếu các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ và Trung Quốc gặp khó khăn trong phục hồi kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm 2024 đã gây ra những lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng, điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Thêm nữa, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ toàn cầu cũng là một yếu tố cần được theo dõi chặt chẽ. Xu hướng cắt giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đặt ra những thách thức cho Việt Nam trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Dự báo, Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong quý 4/2024, điều này có thể tạo ra áp lực lên chính sách điều hành tỷ giá và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Với những số liệu trên, nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế Việt Nam tháng 9/2024 đang đối mặt với nhiều cơ hội từ đầu tư công và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, những thách thức từ giải ngân vốn chậm trễ, tiêu dùng nội địa yếu và những biến động từ thị trường quốc tế vẫn là những rào cản lớn đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Do đó, Việt Nam cần tận dụng tốt các cơ hội hiện tại, đồng thời phải có những biện pháp linh hoạt và sáng tạo để vượt qua các thách thức trong giai đoạn tới.
Theo TTXVN