Kinh tế Việt Nam trước nhiều cơ hội mới

Cập nhật: 20-01-2012 | 00:00:00

Ổn định chính trị xã hội, nguồn lực và môi trường đầu tư hấp dẫn là cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư từ những nền kinh tế nước ngoài vào Việt Nam.

Năm 2012, các cơ quan dự báo quốc tế đều nhận định về triển vọng u ám của kinh tế thế giới: sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, những bất ổn gia tăng…Với độ mở cửa cao, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ chịu tác động mạnh từ kinh tế thế giới.

  Tăng trưởng GDP năm 2012 của Việt Nam có thể đạt 6,3%; lạm phát giảm xuống khoảng 8,1%.Các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2012 là năm mà nền kinh tế có thể lâm vào khó khăn hơn năm 2011, nhưng cũng là năm mà nền kinh tế phải tạo bước ngoặt để thay đổi tình hình, nắm bắt cơ hội để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kéo giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo các chuyên gia kinh tế, khủng hoảng của khu vực đồng tiền chung châu Âu và nền kinh tế Mỹ sẽ đồng nghĩa với triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu năm 2012 trở nên ảm đạm hơn. Việt Nam trong bối cảnh này sẽ phải đối mặt với môi trường quốc tế ít thuận lợi khi bước vào năm 2012.

Lạm phát của Việt Nam mặc dù được kiểm soát nhưng vẫn còn ở mức cao, kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, lãi suất vẫn còn mức cao gây khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Đại diện thường trú của quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Sanjay Kalra nhận định: Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa về chính sách tài khóa và tiền tệ để có thể đưa nền kinh tế ở độ ổn định. Chính sách ngoại hối vẫn phải tiếp tục duy trì tập trung vào mục tiêu giảm lạm phát và lấy lại lòng tin đối với đồng tiền Việt Nam.

Xây dựng lại lòng tin của thị trường không chỉ giới hạn trong vấn đề lạm phát. Chính sách tài khóa có thể đóng góp nhiều hơn trong mục tiêu giảm lạm phát bằng việc cắt bớt nhứng khoản chi tiêu công không cần thiết.

Việt Nam cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa chính sách tài khóa và tiền tệ và phải định hướng chính sách tài chính như là một công cụ quản lý cung cầu trong ngắn hạn cũng như công cụ phát triển về dài hạn.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đã nhận định, kinh tế thế giới từ 3 - 5 năm tới khá ảm đạm. Trong bối cảnh ấy, kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng 5,6%- 6,5%.

Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, kinh tế Việt Năm năm 2011 có những điểm sáng: lạm phát đang giảm dần; cán cân thương mại thu hẹp môt cách đáng kể, lần đầu tiên sau 2 năm Việt Nam có thặng dư ngoại tệ và dự trữ tăng nhiều; xuất khẩu đạt kim ngạch 96,3 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2010, tăng trưởng đạt kỷ lục trong 5 năm qua theo giá trị.

Tuy vậy, theo nhận định của các nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức định mức tín nhiệm, thành tựu của Việt Nam vẫn còn mong manh. Chính vì vậy trong bối cảnh lạm phát còn cao, nền tảng vĩ mô còn yếu nhất, rủi ro hệ thống ngân hàng tăng lên nhanh chóng…đây là thời điểm khó khăn nhất để lựa chọn chính sách vĩ mô. Nếu nới lỏng có thể dẫn đến đổ vỡ, nhưng thắt quá chặt sẽ làm doanh nghiệp khó khăn.

Tiến sỹ Võ Trí Thành cho biết thêm, ổn định vĩ mô đòi hỏi sự uyển chuyển linh hoạt trong điều hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong chính sách tiền tệ cần uyển chuyển về mục tiêu đối tượng, ngân hàng và cung ứng tín dụng. Vấn đề ngân sách cần uyển chuyển về thuế, phân bổ nguồn lực rất có giới hạn cho đầu tư. Bên cạnh đó, điều hành lãi suất và tỷ giá cần xử lý về thanh khoản.

Nhiều chuyên gia dự đoán, lãi suất sẽ giảm từ quý 2 năm 2012 và tỷ giá cũng không quá biến động, tạo ra những cú sốc như năm 2011.

Trong năm 2012, một trong những thách thức mà Việt Nam nói riêng, các nước châu Á nói chung có thể phải đối mặt, đó là nguy cơ giảm hạn mức tín dụng của các ngân hàng châu Âu do khủng hoảng nợ công.

Hiện tín dụng các ngân hàng châu Âu cho châu Á vào khoảng 1.500 tỷ USD. Nếu các ngân hàng này giảm tín dụng cho châu Á thì các nền kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam sẽ chịu hệ lụy nhất định.

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Võ Đại Lược, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, vẫn có những cơ hội dành cho Việt Nam. Cơ hội trước hết là dòng vốn đầu tư rút khỏi những nền kinh tế rối loạn để tìm đến những nơi ổn định và có lợi hơn. Việt Nam đang được đánh giá là môi trường đầu tư hấp dẫn và có tiềm năng. Bằng chứng là sau khi tham gia WTO, dòng đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam đã đạt tới hơn 70 tỷ USD.

Phó Giáo sư Võ Đại Lược khẳng định: Các tập đoàn nước ngoài vẫn đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam xét về ổn định chính trị xã hội, nguồn lực về con người…Tuy nhiên, để hấp thu được nguồn vốn như vậy Việt Nam phải ổn định kinh tế vĩ mô, vì nếu kinh tế vĩ mô bất ổn sẽ gây khó khăn cho các tập đoàn nước ngoài.

Cho nên, một việc chúng ta phải làm trong năm 2012 này là ổn định kinh tế vĩ mô, giảm mức lạm phát, đảm bảo cân đối kinh tế quốc dân, đây là điểm quan trọng nhất để Việt Nam tận dụng được cơ hội kinh tế thế giới đang chuyển động và tạo cơ hội cho chúng ta.

Hiện nay, Việt Nam vẫn được cộng đồng doanh nghiệp và nhiều tổ chức thế giới tin cậy vào sự ổn định và triển vọng đầu tư tốt cả về trung và dài hạn. Mới đây, IMF đã đưa ra dự báo khá lạc quan cho Việt Nam: tăng trưởng GDP năm 2012 có thể đạt 6,3%; lạm phát sẽ dần giảm xuống còn khoảng 8,1%.

Vấn đề đặt ra hiện nay là chính sách điều hành của Chính phủ với trọng tâm là khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và phục hồi tăng trưởng. Có như vậy, chúng ta mới có thêm điều kiện nắm bắt cơ hội để phát triển, đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn và ngày càng khởi sắc.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=220
Quay lên trên