Kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực

Cập nhật: 04-07-2022 | 16:26:50

* 6 tháng đầu năm Bình Dương đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài

(BDO) Sáng 4-7, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022.  

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Bình Dương có ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các bộ, ngành, địa phương đã quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ thích ứng với bối cảnh mới, vừa tập trung giải quyết các vấn đề trước mắt và những tồn tại, yếu kém, điểm nghẽn của nền kinh tế vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, hỗ trợ tích cực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực.

Kết quả cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn so với dự kiến kịch bản và cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý là sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ, ước tăng 6,6%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều địa phương đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao như: Hà Nội (7,79%), Bắc Giang (24%), Bắc Ninh (14,7%), Thanh Hóa (13,41%), Quảng Nam (12,8%), Khánh Hòa (12,58%), Hải Dương (11,82%), Hải Phòng (11,1%), Quảng Ninh (10,66%), Vĩnh Phúc (10,1%), Đà Nẵng (7,23%), Đồng Nai (7,06%), Bình Dương (6,84%)…

Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - anh ninh trong 6 tháng đầu năm của tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh cho biết 6 tháng qua GRDP tăng 6,84% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 8,35%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,3%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh đạt gần 32 tỷ đô la Mỹ, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 19,2 tỷ đô la Mỹ (thặng dư thương mại đạt hơn 6,4 tỷ USD). 

Thu ngân sách của tỉnh ước đạt 34.800 tỷ đồng, đạt 58% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 60.723 tỷ đồng, tăng 9,6%; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 2,5 tỷ USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2021 và đứng đầu cả nước; đầu tư trong nước thu hút hơn 38.395 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh. 



Ông Võ Văn Minh báo cáo tại hội nghị.

Tỉnh đã hoàn thiện thủ tục lựa chọn tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Tỉnh tập trung phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các thủ tục thành lập Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III, Khu công nghiệp Cây Trường, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng, chuẩn bị đầu tư một số cụm công nghiệp ở phía Bắc của tỉnh và các tuyến đường giao thông trọng điểm: Vành đai 4, cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành qua địa bàn tỉnh, nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1. Tỉnh đang nghiên cứu xây dựng phương án tạo nguồn thu từ quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Tỉnh cũng khởi công, động thổ và xúc tiến thủ tục triển khai các dự án như: Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III, nhà ở xã hội, cầu Bạch Đằng 2, mở rộng Quốc lộ 13; khẩn trương chuẩn bị các điều kiện, thủ tục triển khai tuyến đường Vành đai 3 sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Ông Võ Văn Minh cũng đã trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ tiêu biên chế công chức; kiến nghị các cơ quan Trung ương quan tâm nhiều hơn đến tính đặc thù của từng địa phương như về dân số, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, thu nộp ngân sách, mức độ đô thị hóa..; thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư. Tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư để địa phương chủ động tổ chức thực hiện; Thường trực Chính phủ quan tâm sớm chỉ đạo bộ, ngành liên quan có văn bản hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc về tiến độ triển khai dự án Công ty TNHH Lego Manufacturing Việt Nam tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng cho Công ty Lego thuê lại. Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch trạm biến áp 110kV và điều chỉnh quy hoạch trạm biến áp 110kV VSIP3 tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III.

Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương và đánh giá cao sự quyết liệt, thực hiện nghiêm túc của tỉnh Bình Dương. Tỉnh Bình Dương đã thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp cũng như việc thực hiện các dự án, công trình trọng điểm do Chính phủ giao phối hợp cùng các địa phương. Thủ tướng Chính phủ mong muốn các địa phương khác cần phát huy tinh thần trách nhiệm của mình liên quan đến các chỉ đạo của Chính phủ, nhất là các kiến nghị của doanh nghiệp. Riêng đối với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Bình Dương, Chính phủ sẽ xem xét, giải quyết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, có những yếu tố chưa dự báo được, như: Cạnh tranh chiến lược; xung đột tại Ukraine; giá nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu, lạm phát ở nhiều nước tăng cao; nhiều đối tác, quốc gia thay đổi chính sách; nguy cơ mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực; dự báo kinh tế thế giới có thể nguy cơ suy thoái. Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến, tác động nhiều mặt. Tình hình trong nước, mặc dù có những thuận lợi, kế thừa thành quả của những nhiệm kỳ trước, song vẫn có những khó khăn nội tại, những vấn đề tồn đọng nhiều năm phải xử lý, bên cạnh vẫn phải thực hiện những công việc thường xuyên và những vấn đề đột xuất nảy sinh. Cùng với đó  là sức ép lạm phát cao, giá cả đầu vào tăng, chuỗi cung ứng đứt gãy, thị trường bị ảnh hưởng. 

Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương, các bộ, ngành và các địa phương giúp cả nước kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Bên cạnh những thành tựu, có những vấn đề nảy sinh cần tập trung khắc phục như: Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế; giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn chưa như mong muốn... Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận thẳng thắn, khách quan, trung thực, đầy đủ, toàn diện những mặt được, chưa được, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ giải pháp cho 6 tháng cuối năm và trong thời gian tới để kinh tế - xã hội phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

Minh Duy

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên