Kinh tế - xã hội quý I có nhiều tín hiệu khả quan

Cập nhật: 01-04-2012 | 00:00:00

Hiệu quả của các chính sách và biện pháp điều hành nền kinh tế, nhất là trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội… được thể hiện rõ nét.

Ngày 31-3 và sáng 1-4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý 1 năm nay với nhiều tín hiệu khả quan, khẳng định rõ hiệu quả của các chính sách và biện pháp điều hành nền kinh tế, nhất là trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội…

0,16% là mức lạm phát của tháng 3. Đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ của các năm trước. Theo các thành viên Chính phủ, mục tiêu kiềm chế lạm phát trong cả năm nay xuống một con số là khả thi, nếu không có biến động lớn.

 Các chỉ số tác động đến kinh tế vĩ mô cũng khả quan, nhất là tỷ giá tiếp tục ổn định; lãi suất giảm dần; thanh khoản của ngân hàng được cải thiện một bước cơ bản; thị trường chứng khoán bắt đầu phục hồi; dự trữ ngoại hối tăng; xuất khẩu tăng gần 24% so với cùng kỳ đạt 24,5 tỷ USD, còn nhập siêu giảm mạnh, chỉ bằng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu…

Các lĩnh vực khác cũng tăng trưởng khá: khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,9 triệu lượt, tăng 24,5% so với cùng kỳ. Thu ngân sách tăng khá. Các nhiệm vụ chi cơ bản được đáp ứng, đặc biệt là các khoản chi thường xuyên. Tổng vốn đầu tư xã hội tăng 12,8% so với quý I-2011. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 2,52 tỷ USD bằng với cùng kỳ năm trước.

Ba tháng đầu năm 2012, cả nước đã tạo việc làm cho hơn 341.000 người; các cấp các ngành tích cực triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội như thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công nhân dịp Tết Nguyên đán; triển khai hỗ trợ giá điện, hỗ trợ về nhà ở, xóa nhà dột nát; hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số để ổn định chỗ ở, phát triển sản xuất; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; tích cực triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ lương thực cho học sinh các trường dân tộc nội trú và học sinh ở vùng cao.

Công tác y tế dự phòng và an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cũng được triển khai tích cực nên đã ngăn chặn kịp thời và giảm thiểu việc xâm nhập, lây truyền dịch bệnh... Các bộ, ngành chức năng và các địa phương cũng đã tích cực triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông nên bước đầu đã giảm thiểu cả số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông….

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các thành viên Chính phủ cũng nhìn nhận rõ, mặc dù quý 1 kinh tế duy trì tăng trưởng 4%, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Vấn đề nổi lên là dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế giảm, hàng hóa tồn kho lớn.

Nếu như số doanh nghiệp thành lập mới trongqQuý 1 là 15.300 doanh nghiệp, thì số số doanh nghiệp đã làm thủ tục giải thể là hơn 2.200 doanh nghiệp và có trên 9.700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế. Sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm cũng chỉ tăng 4,1% chưa bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái…

Khó khăn này cũng là hệ lụy tất yếu khi triển khai chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Thủ tướng nêu rõ, đây là hai mặt của một vấn đề phải tìm cách giải quyết để phát triển. Chính phủ kiên định ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn.

Trên tinh thần này, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất linh hoạt, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, nhất là tăng dư nợ tín dụng theo mục tiêu đã đề ra, đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ, tái cơ cấu hiệu quả 9 ngân hàng yếu kém; hạ dần lãi suất phù hợp với khả năng thanh khoản và lạm phát; giữ ổn định tỷ giá ngoại tệ…

Để duy trì tăng trưởng hợp lý khoảng 6% trong cả năm nay, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương nắm chắc tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn đối với từng loại thị trường, lĩnh vực cụ thể nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Cùng với hạ mặt bằng lãi suất, các chính sách ưu đãi về thuế phải có cơ chế khuyến khích khai thác tốt thị trường nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn gắn với mở rộng thị trường ngoài nước để đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục hành chính…

Thủ tướng nêu rõ: Nông nghiệp là lợi thế của đất nước phải tiếp tục ưu tiên và đảm bảo đủ vốn cho sản xuất nông nghiệp, chế biến và xuất khẩu nông sản, nếu làm tốt lĩnh vực này cũng góp phần tăng trưởng 2 đến 3%. Thứ hai là tháo gỡ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn cũng đã đóng góp 2 - 3% vào tăng trưởng.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán phương thức khơi thông nhanh nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn đối ứng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA. Các bộ, ngành và các địa phương không được lơ là triển khai các chính sách, chương trình đảm bảo an sinh xã hội, phát triển y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, kiềm chế và đẩy lùi tai nạn và ùn tắc giao thông, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, kiên quyết đấu tranh với các luận điệu, xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch.

Thủ tướng cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung giải quyết các vu việc khiếu kiện nổi cộm kéo dài, trên tinh thần lắng nghe và đối thoại trực tiếp với người dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân…

Cũng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, các thành viên Chính phủ đã nghe dự thảo Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

Chính phủ yêu cầu các các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục làm rõ hơn những nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ của cơ quan mình; bám sát định hướng, quan điểm chỉ đạo về tái cơ cấu kinh tế; đánh giá thực trạng, thuận lợi, khó khăn của quá trình tái cơ cấu; xác định rõ mục tiêu, nội dung, giải pháp thực hiện... để hoàn thiện đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội.

Chính phủ cũng đã thảo luận và cho ý kiến về Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2012 – 2020, với mục tiêu đến năm 2020 khoa học và công nghệ Việt Nam có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, đáp ứng yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; phấn đấu đưa Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Chính phủ cũng đã cho ý kiến nhiều vấn đề quan trọng khác liên quan đến tiêu chí, quy mô dự án, công trình quan trọng quốc gia, Báo cáo bổ sung thực hiện ngân sách năm 2011 và triển khai thực hiện ngân sách năm 2012 và cho ý kiến bước đầu một số dự án Luật quan trọng.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên