Kinh tế - xã hội tiếp tục khởi sắc, phát triển ổn định

Cập nhật: 31-08-2022 | 08:12:08

Sáng 30-8, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh tháng 8-2022. Báo cáo tại phiên họp cho biết kinh tế - xã hội của tỉnh từ đầu năm đến nay tiếp tục phát triển ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký kinh doanh trong nước tăng cao so với cùng kỳ. Tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

 Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo phiên họp

 Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá cao

Theo báo cáo tại phiên họp, trong tháng 8-2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,4% so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 23.018 tỷ đồng. Hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 1,5% so với tháng 7 và tăng 53,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu tỉnh đạt hơn 24 tỷ đô la Mỹ, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Về đầu tư nước ngoài, trong tháng 8 tỉnh thu hút thêm 35 triệu đô la Mỹ, lũy kế đến hết tháng 8-2022, thu hút FDI hơn 2,56 tỷ đô la Mỹ, tăng 72% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó về quy hoạch, xây dựng, tỉnh đã triển khai lựa chọn tư vấn lập quy hoạch tỉnh, tiếp tục điều chỉnh quy hoạch chung đô thị cấp huyện, rà soát, nghiên cứu khu vực phát triển đô thị, chỉnh trang các khu, điểm nhà ở tự phát và xử lý chống ngập trên địa bàn. Tỉnh cũng đã phối hợp triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm: Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, nâng cao tĩnh không cầu Bình Triệu 1, khởi công nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13; đồng thời tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, đôn đốc triển khai thực hiện thu phí điện tử không dừng ...

Trên các lĩnh vực còn lại, với những nỗ lực vượt qua khó khăn chung đã đạt được những thành tựu tích cực, nhất là công tác an sinh xã hội. Đã hỗ trợ cho 465.000 lao động, với tổng kinh phí hơn 238 tỷ đồng, giải quyết được 3.705 việc làm cho lao động góp phần tạo việc làm ổn định cho 26.356 người. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dự kiến năm học mới toàn tỉnh có hơn 527.000 học sinh các cấp, tăng gần 30.000 học sinh so với năm học trước, tiếp tục gây sức ép lớn cho ngành. Trên lĩnh vực y tế, triển khai mạnh chiến dịch tiêm mũi 4 vắc xin ngừa Covid-19, tuy nhiên theo báo cáo của ngành, tỷ lệ tiêm mũi 4 vẫn còn thấp. Ngành y tế cũng kiến nghị tỉnh tháo gỡ khó khăn trong công tác mua thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để bảo đảm nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển

Phát biểu tại phiên họp, ông Võ Văn Minh, cho biết trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh, tổ chức tiếp xúc các hiệp hội ngành hàng, DN đầu tư nhằm nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển. Tập trung giải quyết vướng mắc trong quá trình xây dựng đơn giá đất bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các công trình, dự án, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và giải ngân vốn đầu tư công, chuẩn bị phương án, thủ tục đầu tư các tuyến đường trọng điểm. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số.

“Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký kinh doanh trong nước tăng cao so với cùng kỳ, thu, chi ngân sách bảo đảm theo dự toán. Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...”, ông Võ Văn Minh nói. Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn những tồn tại nhất định. Do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới đã khiến lạm phát tăng, giá cả hàng hóa cũng tăng, dẫn đến những tác động tiêu cực đến giá nguyên liệu phục vụ sản xuất, ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của DN.

Cụ thể, dù kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng so với cùng kỳ nhưng một số ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh như gỗ, máy móc, thiết bị bắt đầu gặp khó khăn do đơn hàng giảm. Cùng với đó, tiến độ lập quy hoạch tỉnh còn chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch. Trên lĩnh vực giáo dục tiếp tục gặp khó khăn với tình hình học sinh các cấp tiếp tục gia tăng gây áp lực cho ngành giáo dục - đào tạo. Ngoài ra, dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp; phạm pháp hình sự tăng cao, tai nạn giao thông tăng ở cả 3 tiêu chí cũng đặt ra nhiều vấn đề để tập trung các giải pháp tháo gỡ.

Đối với nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Võ Văn Minh lưu ý các sở, ban, ngành liên quan cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng. Chủ động phòng, chống thiên tai, lụt bão, tổ chức các hoạt động tiếp xúc các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho DN và người lao động, nhất là các DN ngành gỗ, dệt may, da dày. Xúc tiến, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới như Ấn Độ, Nam Mỹ.

Đồng thời, cần phải bảo đảm tiến độ xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, lập quy hoạch riêng để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Điều chỉnh quy hoạch chung cấp huyện, xây dựng phương án phân bổ đất đai để tạo không gian phát triển mới và quy hoạch quỹ đất phục vụ tái định cư. Tháo gỡ khó khăn trong việc giao đất thành lập các khu công nghiệp theo quy định, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm định dự toán các gói thầu mua sắm của các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, tiếp tục phát huy các cách làm hiệu quả trong việc huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông các dự án Vành đai 3, các đoạn còn lại của tuyến Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cảng An Tây... đồng thời tập trung xử lý những tồn đọng tại các khu đô thị, khu dân cư đang gây bức xúc trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự đô thị.

Tính đến ngày 15-8, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công hơn 3.022 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch năm 2022 do HĐND tỉnh giao. Tỉnh thu hút được 17.310 tỷ đồng đầu tư trong nước, lũy kế 8 tháng đã thu hút được 62.359 tỷ đồng. Về đầu tư nước ngoài, tỉnh thu hút thêm 35 triệu đô la Mỹ, lũy kế đến tháng 8-2022 thu hút FDI hơn 2,56 tỷ đô la Mỹ, tăng 72% so với cùng kỳ. Thu mới ngân sách 4.480 tỷ đồng, đạt 44.700 tỷ đồng, tăng 99% so với cùng k, đạt 75% dự toán HĐND tỉnh. Lĩnh vực tài chính ngân hàng đã huy động trong tháng 8 ước đạt 282.000 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 5,5% so với đầu năm. Tổng dư nợ ước đến cuối tháng đạt 280.000 tỷ đồng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến tổng số vốn kế hoạch 2022 sẽ không giải ngân hết là 777,8 tỷ đồng. Phần vốn không giải ngân hết sẽ bị hủy dự toán theo quy định của Luật Ngân sách, ảnh hưởng đến nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Mặt khác, các dự án bị vướng mắc chậm tiến độ không sử dụng hết vốn trong năm 2022 vẫn có nhu cầu bố trí vốn trong năm 2023 để tiếp tục thực hiện dự án. Do đó, để bảo đảm nguồn vốn đầu tư công cao nhất cho các dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu điều chuyển hơn 581 tỷ đồng của kế hoạch vốn năm 2022 không giải ngân hết cho công tác giải phóng mặt bằng quốc lộ 13 đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú đến ngã tư cầu Ông Bố để kéo dài sang năm 2023. Dùng nguồn vốn năm 2023 dự kiến bố trí cho dự án này để bố trí cho các dự án khác với nhu cầu vốn rất lớn, ước khoảng 1.000 tỷ đồng. Đề xuất nêu trên đủ điều kiện theo quy định tại Điều 48 Nghị định 40/2020/NĐ-CP nên có thể kéo dài kế hoạch vốn sang năm sau.

 MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên