Sáng qua (28-4), UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 4-2021, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm. Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Tham dự còn có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận, chỉ đạo tại phiên họp
Các chỉ số tăng trưởng tốt
Báo cáo tại phiên họp cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4-2021 của tỉnh ước tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch, giải pháp dự trữ hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường, nhất là hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4 đạt 21.128 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu uớc đạt 3 tỷ USD, lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 11,17 tỷ USD, duy trì mức xuất siêu gần 3 tỷ USD. Về công tác thu hút đầu tư, lũy kế 4 tháng đầu năm tỉnh thu hút được 34.474 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tăng 24,9% so cùng kỳ; 472 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Thu ngân sách 4 tháng 24.700 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ, đạt 42% dự toán HĐND tỉnh giao.
Phiên họp cũng nghe lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về tờ trình của UBND tỉnh và dự thảo tờ trình HĐND tỉnh quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bình chuyển, công nhận cây đầu dòng, cây giống, vườn giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Công an tỉnh trình bày dự thảo về quyết định thành lập Đội cơ động xử lý sự cố giao thông. Sở Y tế báo cáo nội dung về tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chế độ hỗ trợ công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh. |
Những tháng đầu năm 2021, UBND tỉnh, các sở, ngành tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, theo dõi tình hình hoạt động của doanh nghiệp, người lao động. Đẩy nhanh công tác đền bù giải tỏa, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt là tập trung thực hiện các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả. Tổ chức xem xét, cho ý kiến 18 nhóm vấn đề, một số nội dung quan trọng như hội thảo quốc gia về “Làng thông minh thích ứng với xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn”; phương án thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ di dời các hộ dân thuộc khu vực có nguy cơ sạt lở ven sông Đồng Nai trên địa bàn TX.Tân Uyên; xử lý các tồn tại liên quan đến hạ tầng giao thông, biển báo giao thông.
UBND tỉnh cũng đã xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy về điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Cây Trường; dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; chủ trương xây dựng Đề án thành lập TP.Tân Uyên và TP.Bến Cát…
Tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”
Đề cập đến kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của Bình Dương đạt 70,16/100 điểm, thuộc nhóm điều hành rất tốt, đứng vị trí thứ 4 toàn quốc, là địa phương dẫn đầu về tiêu chí phát triển cơ sở hạ tầng, ông Nguyễn Hoàng Thao cho rằng đó là nỗ lực của các cấp chính quyền, các sở ngành trong quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả PCI thì Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2020 của tỉnh đạt thấp, chưa được như những kỳ vọng. Do đó, để góp phần cải thiện chỉ số PAPI, trong thời gian tới các sở, ngành liên quan cần tổ chức họp bàn, tìm những giải pháp để nâng cao. Trong đó cần tổ chức học hỏi cách làm của những địa phương có kết quả tốt trong thời gian qua. “Chỉ số PCI là “niềm tự hào” của tỉnh, sẽ là động lực để tỉnh tiếp tục duy trì, nỗ lực hơn nữa để đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới. Mục đích cuối cùng là để phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Bình Dương”, ông Nguyễn Hoàng Thao nhấn mạnh tại phiên họp.
Phát biểu chỉ đạo, ông Nguyễn Hoàng Thao cũng lưu ý, trong thời gian tới tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống. Ngoài chỉ đạo của ngành dọc, các sở ngành liên quan như: Công an, y tế… trên địa bàn cần phối hợp tốt, nhất là quản lý về con người để công tác phòng, chống dịch bệnh tiếp tục phát huy kết quả tốt nhất như thời gian qua. Tuy nhiên, việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cần hạn chế ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm bảo đảm “mục tiêu kép”, vừa bảo vệ phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
MINH DUY