Kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ tiếp tục tăng trưởng khá toàn diện

Cập nhật: 10-08-2024 | 15:01:24

(BDO) Sáng 10-8, tại TP.Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ đã chủ trì hội nghị lần thứ tư của hội đồng. Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh, lãnh đạo một số bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Về phía tỉnh Bình Dương, tham dự có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Văn Dành, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Phát triển khá toàn diện

Đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tình hình triển khai hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ trong 7 tháng của năm 2024 tuy còn nhiều khó khăn nhưng đạt mức tăng trưởng khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng đạt 5,65%; tổng thu ngân sách đạt 391.000 tỷ đồng, chiếm 38,1% tổng thu ngân sách của cả nước; giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 60 tỷ đô la Mỹ, đạt 31% giá trị xuất khẩu của cả nước. Điều đáng mừng là các doanh nghiệp ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh với 58.246 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 9,8% so với cùng kỳ... 

Bên cạnh cơ chế đặc thù để phát triển chung cho vùng Đông Nam bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét 4 nhóm chính sách riêng cho vùng là: Nhóm chính sách nâng mức dư nợ cho vay; chính sách phát triển khu công nghiệp; tăng diện tích đất khu công nghiệp và chính sách ngành nghề ưu tiên các lĩnh vực để cho các địa phương kêu gọi thu hút đầu tư.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội của tỉnh trong 7 tháng của năm 2024. Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tinh thần trách nhiệm quyết tâm đổi mới của Bình Dương, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt trên 6,2%; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 19 tỷ đô la Mỹ; kim ngạch nhập khẩu đạt trên 13 tỷ đô la Mỹ; thặng dư thương mại duy trì ở mức hơn 5 tỷ đô la Mỹ; thu ngân sách đạt 42.127 tỷ đồng, đạt 65% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1 tỷ 065 triệu đô la Mỹ…


Toàn cảnh hội nghị

Ông Nguyễn Văn Lợi cho biết, tỉnh Bình Dương hiện đang tập trung nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm liên kết vùng với tổng mức đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng. Sau khi thực hiện cắt, giãn, hoãn các công trình khác chưa thật sự cần thiết, tỉnh vẫn còn thiếu hụt khoảng 10.000 tỷ đồng. Tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ủng hộ cho tỉnh cơ chế được vay 10.000 tỷ đồng để tập trung đầu tư cho các dự án trọng điểm như đã đề xuất. Tỉnh sẽ bố trí vốn hoàn trả hàng năm đáp ứng theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ.

Về công tác triển khai đầu tư các dự án giao thông kết nối vùng, tỉnh cũng đã có một số kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương trong vùng quan tâm chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả các nội dung đã được thống nhất. 

Phối hợp tháo gỡ các khó khăn, mở ra kết nối trong vùng

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực của các địa phương đã đóng góp cho kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước trong 7 tháng của năm 2024. Các kết quả hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ trong thời gian qua đã bám sát với các nội dung, chương trình hành động của hội đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong vùng ổn định.


Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại hội nghị

Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm cho toàn vùng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy thị trường phát triển, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm; triển khai các quy hoạch thông qua kế hoạch quy hoạch, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng chính là: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; khẩn trương triển khai các động lực phát triển đối với những lĩnh vực mới nổi về công nghệ, trí tuệ nhân tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo… 

Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp tháo gỡ các khó khăn, mở ra kết nối trong vùng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt cho đầu tư phát triển toàn xã hội, khẩn trương hoàn thiện các dự án lớn trong vùng, đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chú ý lĩnh vực mới phát triển như: điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chíp bán dẫn… Bên cạnh đó, các bộ, ngành, các địa phương đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng…

Minh Duy

 



 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2394
Quay lên trên