Kịp thời quan tâm, động viên người lao động khó khăn
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Những trường hợp ốm đau, bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo trên địa bàn luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp, các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương. Chỉ tính riêng Công đoàn tỉnh, mỗi năm thực hiện chăm lo cho người lao động khó khăn với kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng, bằng nhiều hoạt động thiết thực.

Tình người đọng lại...
Mới đây, khi vụ tai nạn xảy ra tại Công ty TNHH Minh An Vina (đóng tại Khu công nghiệp KSB Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên), trong lúc cải tạo nhà xưởng làm 3 người chết, ngay lập tức, chính quyền các cấp trong tỉnh tập trung xử lý vụ việc bằng tinh thần trách nhiệm cao.
Ghi nhận của P.V, chỉ sau vài giờ xảy ra vụ việc, đoàn lãnh đạo tỉnh do ông Bùi Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, cùng lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh đã đến hiện trường vụ tai nạn chỉ đạo khẩn trương công tác khắc phục hậu quả, điều tra làm rõ nguyên nhân để xử lý theo quy định. Đoàn cũng đến Trung tâm Y tế huyện Bắc Tân Uyên thăm hỏi, chia sẻ, động viên, trao hỗ trợ bước đầu cho gia đình các nạn nhân.
Ông Bùi Minh Trí thay mặt lãnh đạo tỉnh ân cần thăm hỏi hoàn cảnh từng gia đình, động viên các gia đình vượt qua đau thương mất mát; chỉ đạo địa phương bố trí phương tiện đưa các nạn nhân về quê an táng, sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định. “Việc tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho các gia đình khắc phục những đau thương là trách nhiệm của địa phương”, ông Bùi Minh Trí nói.
Nhằm hỗ trợ, chia sẻ với các gia đình nạn nhân bị tử vong, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý Các khu công nghiệp Bình Dương, chính quyền địa phương huyện Bắc Tân Uyên và các đoàn thể, doanh nghiệp cũng kịp thời hỗ trợ bước đầu cho mỗi gia đình 95 triệu đồng. Tổ chức phương tiện đưa các nạn nhân về quê an táng ngay trong chiều 17-4.
Nhiều hoạt động thiết thực
Bên cạnh quan tâm, chăm lo cho người lao động (NLĐ) khi không may rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất, trên tinh thần chỉ đạo của tỉnh là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương đã thực hiện chăm lo cho NLĐ trên toàn tỉnh bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Đó là rà soát, nắm bắt để hỗ trợ việc làm, bảo đảm nguồn thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội. Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động mới khi đến Bình Dương lập nghiệp; tạo điều kiện cho NLĐ tiếp cận mua hàng chục ngàn căn nhà ở xã hội, ổn định cuộc sống.
Thông qua hoạt động công đoàn cơ sở, công tác rà soát, nắm bắt số đoàn viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời hỗ trợ. Qua đó, các chương trình phiên chợ “0 đồng” ở địa phương, tại doanh nghiệp liên tục được mở ra. Những quán ăn sáng, bữa cơm “0 đồng” được mở ra nhiều nơi; hay chương trình miễn, giảm tiền thuê trọ cho NLĐ vẫn được duy trì từ sau dịch bệnh đến nay, làm ấm lòng NLĐ.
Bà Ong Thụy Hoàng Mai, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, chia sẻ: “Bằng nguồn kinh phí công đoàn, sự hỗ trợ từ UBND tỉnh, các doanh nghiệp và nguồn xã hội hóa, mỗi năm, Công đoàn tỉnh chăm lo cho NLĐ lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, trong mỗi dịp tết hay Tháng Công nhân, NLĐ trong tỉnh được chăm lo từ những phần quà, vé tàu xe về quê đón tết, được tham gia bữa cơm Công đoàn, bữa cơm tất niên đầm ấm. Công đoàn các cấp còn mở ra các hội thi, hội diễn, thể dục thể thao để tạo sân chơi khắp nơi... tạo niềm vui cho NLĐ sau những giờ làm việc mệt nhọc”.
Nhìn chung, đời sống NLĐ vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự nhiệt tâm, nhiệt tình của Công đoàn tỉnh; sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo tỉnh, đã giúp NLĐ dần khắc phục khó khăn và bước tiếp, gắn bó với Bình Dương.
Thời gian qua, Quỹ hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh đã hỗ trợ cho hàng ngàn người lao động không may bị tai nạn, ốm đau, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền từ 4-10 triệu đồng/trường hợp. Nguồn quỹ còn song hành, nâng bước cho học sinh nghèo, con em những gia đình mồ côi do Covid-19... |
QUANG TÁM