Đây là quan điểm của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Thanh Cung trước đề nghị được mở rộng đầu tư bằng việc nâng công suất hoạt động của nhà máy sản xuất hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) từ 4.000 tấn/năm lên 5.000 tấn/năm, trong chuyến thăm và làm việc với Công ty TNHH Nông dược Kosvida (Kosvida) vừa qua nhằm bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.
Theo đề xuất của phía Kosvida, đơn vị này mong muốn UBND tỉnh chấp thuận việc mở rộng đầu tư, nâng công suất nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng về thuốc BVTV cho nông dân một cách kịp thời và cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà sản xuất thuốc BVTV trong nước, hạn chế việc nhập khẩu từ nước ngoài. Đại diện Kosvida cho biết, vốn đầu tư mở rộng sản xuất không lớn, chỉ vào khoảng 1 triệu USD trong đó gần 1/2 số vốn được dùng trong việc duy tu hệ thống thiết bị cũ và lắp đặt thiết bị mới.
Nước thải từ nhà máy Kosvida ra bể lắng 1 rồi qua xử lý sinh học...
...đến bể lẳng 2, tiếp tục qua xử lý ... sau khi khi khử trùng và được thải ra ngoài. Hệ thống này được Sở Tài nguyên- Môi trường nghiệm thu đạt quy chuẩn nhưng đây là một lĩnh vực độc hại, không thể chủ quanTuy nhiên, do đây là một loại hình sản xuất hóa chất, nguy cơ tiềm ẩn về ô nhiễm môi trường cao nên phía chính quyền xã Bình Thắng và UBND huyện Dĩ An, nơi công ty đặt nhà máy, cho rằng, phải thận trọng xem xét. Trong buổi làm việc với công ty, ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Chủ tịch UBND xã Bình Thắng cho biết, trong các lần tiếp xúc cử tri, người dân sinh sống quanh khu vực này phản ánh hiện tượng mùi hóa chất phát tán từ các xưởng sản xuất của công ty và tỏ ra lo ngại chất khí thải này ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, theo ông Ẩn, địa phương chỉ có thể phản ánh như vậy, còn về mức độ, tính chất của mùi hóa chất như thế nào, cơ quan chuyên ngành cần đánh giá kỹ lưỡng. Phó Chủ tịch UBND huyện Dĩ An Nguyễn Văn Giàu cũng lưu ý, trước đây phía Kosvida cũng đã có ý định mở rộng đầu tư, nhưng thời điểm đó, đơn vị này đang nằm trong danh sách các đơn vị gây ô nhiễm môi trường. “Cần có phân tích kỹ mùi khí thải này vì đây là lĩnh vực nhạy cảm hoạt động tại khu vực nhạy cảm...”, ông Giàu nói.
Theo phía Sở Tài nguyên - Môi trường, năm 2008, do hệ thống xử lý nước thải xuống cấp, quá tải, không đáp ứng được tiêu chuẩn trong quá trình xử lý, nên Kosvida bị đưa vào danh sách doanh nghiệp gây ô nhiễm. Tuy nhiên, đến nay hệ thống xử lý nước thải đã được đầu tư nâng cấp, qua giám sát, kiểm tra cho thấy đáp ứng được các tiêu chuẩn cho phép và đến đầu năm 2010, doanh nghiệp đã được đưa ra khỏi danh sách đơn vị gây ô nhiễm. Tuy nhiên, hiện mùi khí hóa chất cho đến thời điểm này vẫn tồn tại.
Giải trình trước các băn khoăn này, phía Kosvida cho rằng, hệ thống nước xử lý chất thải của công ty hiện đã được đầu tư nâng cấp với thiết kế của Viện Tài nguyên - Môi trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM có công suất 600m3/ngày đêm, hiện công suất sử dụng mới chỉ đạt 260m3/ngày đêm. Hệ thống này đã được Sở Tài nguyên - Môi trường nghiệm thu đạt quy chuẩn. Mùi hóa chất qua phân tích cũng ở phạm vi cho phép. Kosvida cũng cho biết thêm, nhà máy tương tự của công ty này tại Hàn Quốc cũng vẫn tồn tại mùi hóa chất quanh khu vực tọa lạc và không gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân. Để tạo yên tâm cho người dân quanh khu vực này, Kosvida sẽ có những đợt mời người dân vào tham quan quá trình sản xuất và xử lý chất thải; đồng thời tổ chức khám sức khỏe miễn phí.
Mặc dù việc nâng công suất hoạt động là chính đáng, nhưng theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Thanh Cung, trước khi chấp thuận, UBND tỉnh yêu cầu công ty phải thực hiện cam kết bảo đảm về môi trường. “Qua phản ánh của người dân, cây trồng xung quanh có chết tuy không nhiều, chứng tỏ ô nhiễm vẫn còn, có thể là tàn dư từ trước đây để lại nhưng không thể xem thường vì đây là lĩnh vực độc hại, hậu quả khó lường. Nếu phát hiện cây trồng còn chết do nguồn ô nhiễm từ nhà máy của công ty thải ra, UBND tỉnh sẽ rút giấy phép hoạt động của công ty ngay tức thì...”, Phó Chủ tịch Lê Thanh Cung khẳng định. Bên cạnh đó, ông Cung cũng lưu lý, với 600m3 nước thải ra môi trường/ngày đêm, lại chảy ra sông, rạch nên cần phải lắp đạt hệ thống quan trắc để theo dõi thường xuyên. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ xem xét chấp thuận cho Kosvida nâng công suất từ 4.000 tấn/năm lên 5.000 tấn/năm trong thời gian từ nay đến năm 2020 vì theo lộ trình, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực này trong tương lai sẽ trở thành khu hành chính của xã Bình Thắng, đồng thời là khu đô thị dân cư, khi đó phía Kosvida phải chấp thuận chủ trương di dời để trả lại mặt bằng cho chính quyền thực hiện các dự án.
ĐÀM THANH