Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Cập nhật: 29-05-2024 | 18:18:12

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 29-5, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.


Quang cảnh phiên họp sáng 29-5. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Thảo luận tại hội trường, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc nghị định của Chính phủ và các chỉ thị của Thủ tướng đã ban hành về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết cử tri cảm nhận rất rõ Thủ tướng Chính phủ đã hoạt động rất tích cực và có trách nhiệm cả trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết vẫn còn tình trạng ngần ngại ra các quyết định trong thẩm quyền ở các cấp, các ngành, địa phương. Tình trạng đùn đẩy, trì hoãn phê duyệt các dự án, cấp các loại giấy phép; chậm trả lời các câu hỏi, chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, chậm giải quyết các khiếu nại, ách tắc của người dân, doanh nghiệp... ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư công và cả đầu tư xã hội, gây ra tình trạng đình đốn trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hoan nghênh Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ dám nghĩ, dám, song đại biểu cho biết hiện còn thiếu văn bản hướng dẫn Nghị định và đề nghị cần phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để cán bộ, công chức các cấp, các ngành yên tâm thực thi công vụ.

Cụ thể, đại biểu đề nghị Thủ tướng chỉ đạo ban hành Thông tư liên Bộ, ngành: Nội vụ, Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành chi tiết Nghị định số 73/2023/NĐ-CP về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Thông tư này cần phải sâu sát tình hình, tâm tư, bức xúc của đội ngũ cán bộ các cấp trong cả nước.

“Tôi nghĩ rằng thông tư với đủ các bộ, ngành như thế sẽ giúp cho cán bộ yên tâm trong việc hành xử và ra các quyết định hành chính của mình”, đại biểu nhấn mạnh.


Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Theo đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), hiện nay vẫn còn có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ nên việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách còn chậm như công tác phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, thời gian thực hiện quy trình thủ tục hành chính kéo dài do việc lấy kiến của nhiều cơ quan tổ chức liên quan làm gia tăng chi phí thời gian cho doanh nghiệp, giảm cơ hội thu hút đầu tư.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế như báo cáo của Chính phủ nêu, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng cần có cơ chế, chính sách phù hợp để bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng thời kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, có giải pháp khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thực hiện quy trình thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong các kiến nghị giải pháp nhằm “đánh thức” tiềm năng phát triển của các địa phương, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích người đứng đầu các địa phương dám nghĩ, dàm làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động nỗ lực hết mình để có chính sách, cách làm phù hợp, đột phá giúp địa phương phát triển đi lên cùng đất nước; quyết tâm cải thiện đời sống, đưa người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cùng với thực hiện các cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dàm làm, dám chịu trách nhiệm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị thời gian tới Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện và có các quy định rõ hơn về văn bản liên quan đến công tác phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng. Bên cạnh việc kiên quyết, mạnh tay xử lý những cán bộ cố tình vi phạm pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiêu cực, thì cũng cần có “chính sách khoan hồng” tạo điều kiện để những cán bộ do những bất cập về cơ chế, chính sách hay do nôn nóng “vượt rào” trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà có những vi phạm, song tự giác khai báo, khắc phục hậu quả, có cơ hội “chuộc lại lỗi lầm”. Theo đại biểu, nếu có những quy định rõ ràng liên quan đến nội dung này sẽ góp phần khắc phục tình trạng “làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm”.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1957
Quay lên trên