Các quả của cây mọng cẩm thạch có lớp vỏ sáng xanh biếc rất đẹp mắt.
Pollia condensata là loài thực vật mọc chủ yếu tại các khu rừng ở Trung Phi. Loại cây này có chiều cao chỉ khoảng 1 mét và trên thân sẽ mọc ra các chùm quả, với số lượng lên tới 40 quả mỗi chùm. Điều thú vị là những quả này có lớp vỏ trông bóng bẩy một cách ấn tượng.
Nhìn gần một quả mọng cẩm thạch, người ta sẽ thấy chúng trông như được phủ một lớp sơn màu xanh dương ánh kim loại. Hoặc trông nó giống một món đồ trang trí Giáng sinh sáng bóng, lấp lánh dưới ánh sáng Mặt trời.
Đây là một đặc điểm kỳ lạ nếu đem so với các loài thực vật khác. Bởi thế giới có vô số các loài thực vật và trái cây màu sắc rực rỡ, nhưng không loài nào có quả óng ánh mọng cẩm thạch.
Chính đặc điểm khác biệt này đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học. Sau khi tiến hành một loạt các thử nghiệm, họ đã đi tới kết luận rằng quả mọng cẩm thạch không chỉ là loại quả “sáng bóng” nhất trên thế giới mà còn là một vật chất hữu cơ tỏa sáng nhất.
Ở các quốc gia châu Phi như Ethiopia, Mozambique, Tanzania hay Ghana, quả mọng cẩm thạch từ lâu đã được biết tới và nổi tiếng với vẻ ngoài bóng bẩy, bắt mắt. Nhưng chỉ vài năm trở lại đây, các nhà khoa học mới biết được điều gì đã khiến nó như vậy.
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại đại học Cambridge, Anh, trong khi đang tìm kiếm những loài thực vật có thể phản xạ ánh sáng theo những cách độc đáo đã tình cờ thấy một quả mọng cẩm thạch nằm ở Vườn thực vật hoàng gia Kew.
Quả này mọc ra trên một cây mọng cẩm thạch được mang sang Anh từ Ghana vào năm 1974. Sau nhiều năm sống ở nước Anh, loài cây này vẫn cho ra những quả ấn tượng như khi nó còn ở châu Phi.
Theo các nhà khoa học, ngay cả những loài cây có màu sáng nhất cũng chỉ thường dựa vào sắc tố để tạo nên vẻ đẹp bề ngoài. Một khi chúng bắt đầu thoái hóa ở cấp độ tế bào, màu của chúng cũng sẽ đi xuống.
Nhưng quả của cây mọng cẩm thạch vẫn có một màu rực rỡ và ấn tượng trong nhiều thập kỷ, hoặc thậm chí lâu hơn. Đó là bởi màu xanh sáng bóng của nó không được tạo ra do sắc tố, mà do một loại cấu trúc tế bào độc đáo, có khả năng phản quang kì lạ. Nhờ vậy mà quả của cây này có thể tạo ra những hiệu ứng hình ảnh tuyệt đẹp này.
Các nhà khoa học gọi dạng màu sắc này là “màu cấu trúc”. Đây là dạng màu xuất hiện ở nhiều loài động vật khác nhau, điển hình như loài công. Con chim công có lông màu nâu, nhưng khi phản chiếu ánh sáng lại biến thành màu xanh lam, xanh ngọc và xanh lục. Điều tương tự cũng xảy ra với một số loài bướm và bọ cánh cứng.
Vài loài thực vật cũng có màu cấu trúc trên cơ thể, nhưng quả mọng cẩm thạch là ví dụ rõ ràng và ấn tượng nhất trong thế giới thực vật. Khi phân tích loại quả này dưới kính hiển vi, các nhà khoa học phát hiện ra rằng vỏ ngoài của quả bao gồm ba đến bốn tầng tế bào có thành dày. Các thành tế bào cũng có nhiều lớp, được tạo bằng sợi xenlulo xếp theo hình xoắn ốc. Khi ánh sáng chiếu vào quả, một loạt hiệu ứng quang học sẽ xuất hiện do tình trạng phản xạ ánh sáng, qua đó tạo ra màu xanh lam lung linh tuyệt đẹp này.
Quả mọng cẩm thạch không thể ăn được, vì dù có vẻ ngoài sáng bóng, bên trong nó chủ yếu là hạt. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà chúng có thể giữ được hình dạng và màu sắc tươi sáng trong thời gian dài, lên tới vài thập kỷ.
Vài năm trở lại đây, các nhà thiết kế đồ ăn Bompas & Parr đã cùng với các nhà thiết kế đồ trang sức Maud Traon tạo ra một chiếc vòng đeo tay bằng bạc có đính những quả mọng cẩm thạch, khiến nó trở thành một món đồ trang sức rất độc đáo./.
Theo TTXVN