Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Việt Nam
Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2010) và thiết thực lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức Hội thảo về tấm gương đạo đức của Bác với chủ đề “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và đạo đức tôn giáo”. Dưới đây là ý kiến của một số đại biểu sẽ tham gia đóng góp tại buổi hội thảo diễn ra hôm nay (19-5).- Bà ĐÀO NGỌC NỮ, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bình Dương
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ cách mạng vĩ đại và vô vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. Người là tinh hoa, là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức trong sáng cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mãi mãi mai sau học tập và noi theo. Nội dung cơ bản về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; yêu thương quý trọng con người, luôn tin tưởng ở quần chúng, sống có tình có nghĩa; có tinh thần quốc tế trong sáng.
Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, UBMTTQ tỉnh tổ chức buổi hội thảo nhằm góp phần giúp cho đội ngũ cán bộ chuyên trách MTTQ các cấp trong tỉnh và các chức sắc, tín đồ tôn giáo tỉnh Bình Dương hiểu rõ hơn về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như những điểm tương đồng giữa tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với đạo đức tôn giáo, từ đó tích cực tham gia cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, làm cho cuộc vận động thực sự lan tỏa trong chức sắc và đồng bào các tôn giáo nói riêng, các tầng lớp nhân dân tỉnh Bình Dương nói chung. Do vậy, hội thảo nhằm làm sáng tỏ hơn tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và đạo đức tôn giáo, tìm những điểm tương đồng giữa các bậc vĩ nhân, để từ đó học tập và noi theo.
- Giáo sư THƯỢNG VINH THANH, Trưởng ban đại diện Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên tại Bình Dương
Hồ Chí Minh sống thật cần kiệm, giản dị, coi khinh sự xa hoa, không ưa chuộng những nghi thức trang trọng. Suốt đời Người sống trong sạch, vì dân, vì nước, vì con người, không gợn chút riêng tư. Người đề ra tư cách người cách mạng cho cán bộ, đảng viên phấn đấu và tự mình gương mẫu thực hiện. Bấy nhiêu đức tính cao cả hun đúc lại trong một con người đã làm cho tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở nên cao thượng tuyệt vời. Nhưng cũng chính từ sự kết hợp của những đức tính đó, Người là tấm gương cụ thể, gần gũi mà mọi người đều có thể noi theo. Trong giáo lý đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn cũng dạy: “Tại sao Thầy muốn các con mặc toàn đồ bộ vải...? Vì bộ vải là tấm gương đạo đức, các con đã rõ đạo thì phải biết đức cần kiệm là đức hạnh ban đầu lúc các con còn ở thế gian này. Như sự lãng phí se sua ở đời này Thầy cũng cho là một việc tổn đức vậy”.
Để đạt được kết quả tốt, theo tôi, Kinh của tôn giáo đã được trì tụng, thì việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng cần được thực hành thường xuyên không riêng trong chức sắc mà toàn thể tín đồ đều phải học và thấm nhuần tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
- Linh mục PHẠM QUANG TÒNG, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Bình Dương
Đạo đức của Hồ Chủ tịch là yêu thương và phục vụ. Tư tưởng và hành động yêu thương đó rất giống với đạo lý Công giáo.
Nếu nói rằng đạo đức Công giáo có ảnh hưởng trên đời sống xã hội không? Người Công giáo chân chính nào cũng có thể trả lời: Đạo Công giáo là Đạo nhập thể và Đạo nhập thế. Người tín hữu cần sống đạo đức và có bổn phận góp phần xây dựng xã hội mỗi ngày thêm tốt đẹp, thiện hảo. Người tín hữu phải làm men, làm muối, làm ánh sáng cho đời, yêu thương và phục vụ mọi người, giúp cho cuộc sống chung mỗi ngày thêm phát triển, thăng tiến về mọi mặt.
Nếu đặt vấn đề đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người và giải phóng nhân loại, thì giáo lý Công giáo đánh giá rất cao cuộc đời đó. Bởi lẽ, cuộc sống các thánh nhân trong Giáo hội cũng chỉ là suốt đời hy sinh, hoạt động giúp mọi người thoát khỏi sự ác, sự dữ và muôn nỗi khổ đau.
Đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương của ý chí và nghị lực tinh thần to lớn, vượt qua mọi thử thách khó khăn. Giáo lý Công giáo cũng khuyên các tín hữu: Đời là cuộc giao chiến khó khăn liên tục, cần phải trang bị cho mình đức tính can đảm, dũng mạnh để vượt thắng gian nan thử thách.
Đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, kính trọng nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Giáo lý Công giáo cũng dạy rằng: mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa, nên đáng trọng, đáng quý. Người Kitô hữu phải yêu thương phục vụ mọi người, không phân biệt, loại trừ ai.
Đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương của một con người nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu hết mực vì con người. Đây cũng là những đức tính người Công giáo suốt đời phải thực hiện trong tương quan với tha nhân.
Đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và khiêm tốn phi thường. Đây cũng là những đức tính tiêu biểu mà các chức sắc Công giáo phải chăm chú rèn luyện, thực thi trong khi thi hành sứ vụ của mình.
- Thượng tọa THÍCH HUỆ THÔNG, Phó ban Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương
Dưới lăng kính của nhà tu hành theo đạo Phật tôi xin được xem Bác là hiện thân của một vị Bồ tát. Vì theo đạo Phật, Bồ tát là một quả vị thị hiện trên cuộc đời này của đủ mọi hình thức để cứu độ chúng sinh với lời nguyện: “Cho đến khi nào một người chưa được giải thoát thì chưa chịu thành Phật”. Chính lời nguyện này đã làm cho tôi nghĩ tới lời nguyện vĩ đại của Bác. Bác nói: “Việt Nam chưa thống nhất, Bác chưa làm tròn trách nhiệm, Bác chưa nhận Huân chương Sao Vàng, để sau này miền Nam được giải phóng, để miền Nam được hưởng trước, để đồng bào miền Nam trao tặng Bác”. Bác luôn tự cho rằng: nước nhà chưa thống nhất thì xem Bác chưa làm tròn bổn phận. Trong buổi tiếp phái đoàn Phật giáo Việt Nam vào thăm Bác tại Phủ Chủ tịch. Bác nói: “Tôi cũng học Phật và nhớ được một câu “mình không vào địa ngục cứu chúng sanh thì ai vào?” Đúng! Bác đã vào địa ngục trần gian cứu dân, cứu nước. Trong tư tưởng này Bác đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Tinh thần đoàn kết của Bác bắt gặp được tinh thần “Lục hòa” của đạo Phật. Trong cuộc đời hoằng pháp độ sinh, Đức Phật sử dụng yếu tố “Lục hòa” để hình thành nên cuộc sống hòa hợp đoàn kết của Tăng đoàn, là cơ sở đạo Phật tồn tại và phát triển. Sự tồn tại và phát triển của dân tộc cũng chính từ tinh thần đoàn kết mà Hồ Chủ tịch đã nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.
- Mục sư NGUYỄN NGỌC THANH, Nhà thờ Tin Lành Cây Trường
Tôn chỉ của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) là tôn thờ Đức Chúa Trời Ba Ngôi và yêu thương mọi người, như lời Chúa dạy: “Hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức, kính mến Đức Chúa Trời và yêu thương người lân cận như mình”. Đường hướng hoạt động của Hội Thánh là “Sống Phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc”.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người và giải phóng nhân loại. Trung với nước, hiếu với dân là phẩm chất hàng đầu của đạo đức cách mạng, gắn bó với dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc; là yêu thương con người, sống có nghĩa có tình. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có nhiều điểm tương đồng với quan niệm đạo đức của người Tin Lành. Tình yêu của Thượng đế là hy sinh. Ngài yêu nhân loại đến nỗi ban con một yêu dấu của Ngài. “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).
Hội nghị Trung ương 12 khóa IX, quyết định triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng và toàn xã hội. Để cuộc vận động có kết quả, có nhiều cách làm thiết thực. Nhưng đối với người Tin Lành, chúng tôi thiết nghĩ trong thời gian tới cần phải giáo dục, rèn luyện mình, tăng cường công tác xã hội từ thiện, giúp đỡ người nghèo khổ, an ủi người góa bụa, đó là chúng tôi đang phục vụ Chúa. “Ai thương người nghèo, tức là cho Đức Chúa Trời vay mượn và được Ngài ban thưởng chẳng sai”.
THẢO HIỀN (ghi)