Kỷ niệm 14 năm tái lập tỉnh Bình Dương: Dấu ấn của những kỳ tích

Cập nhật: 31-12-2010 | 00:00:00

Với người dân Bình Dương, có lẽ ít ai quên được thời điểm này cách đây 14 năm về trước, ngày chính thức tái lập tỉnh  Bình Dương (1-1-1997). Nói ít người quên được là bởi vì thời khắc lịch sử đó đã đưa Bình Dương sang một trang mới, một trang in đậm dấu ấn của những kỳ tích trong phát triển kinh tế - xã hội 14 năm qua...

  Mô hình Thành phố mới Bình Dương- một thành phố hiện đại, xanh- sạch- đẹp trong tương lai gần

Ngược dòng thời gian khoảng 20 năm về trước, ít ai nghĩ rằng Bình Dương sẽ vượt lên trở thành một trong những tỉnh công nghiệp hàng đầu của cả nước. Bình Dương khi đó chỉ là một tỉnh thuần nông, người dân nhiều đời gắn bó với ruộng đồng, cây trái. Vào những năm đầu của thập niên 90, Bình Dương vẫn còn là tỉnh nghèo, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, trong khi công nghiệp và dịch vụ còn quá nhỏ bé. Tuy nhiên, từ thời khắc lịch sử 14 năm về trước, Bình Dương đã bắt đầu trỗi dậy với chủ trương đổi mới được cụ thể hóa bằng những chính sách thông thoáng, mở đường cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương. Bằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước ồ ạt chảy về Bình Dương, nhà máy mọc lên khắp nơi, nguồn nhân lực 4 phương quy tụ về... Kinh tế - xã hội của Bình Dương đã có những thành tựu đáng nể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, bộ mặt đô thị hóa đã được hình thành rõ nét. 

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2006-2010, GDP của Bình Dương tăng trưởng 14% hàng năm, ở mức gấp đôi cả nước; cơ cấu kinh tế với tỷ trọng: Công nghiệp chiếm 63%, dịch vụ chiếm 32,6% và nông nghiệp chỉ còn 4,4%. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2006-2010 duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đạt 20% hàng năm; trong đó khu vực kinh tế  trong nước chiếm 36%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 64%. Bình Dương đã phát triển 28 KCN với tổng diện tích 8.751 ha, trong đó có 24 KCN đi vào hoạt động, thu hút trên 1.200 doanh nghiệp (DN) đầu tư sản xuất. Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị  Bình Dương đã hoàn thành cơ bản giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình tạo lực; có 7 KCN đã đi vào hoạt động... Cũng trong giai đoạn 2006-2010, tổng vốn đầu tư phát triển tăng bình quân 14,7% hàng năm; tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển chiếm 40%... Đến nay, Bình Dương đã có 9.012 DN trong nước, tổng vốn đầu tư trên 60.000 tỷ đồng; thu hút 1.922 dự án FDI, tổng vốn đầu tư gần 14 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương tăng bình quân 22,9%. Trong năm 2010, ước tính kim ngạch xuất khẩu đạt 8,5 tỷ USD, chiếm trên 11% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước; thị trường xuất khẩu của các DN Bình Dương đã vươn ra 180 quốc gia, vùng lãnh thổ... Trong mắt nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ nhiều năm qua, Bình Dương đã thực sự là “vùng đất hứa”, trở thành điểm hẹn cho công việc kinh doanh, phát triển sản xuất các loại hình công nghiệp và dịch vụ. Theo bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID) cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng, Bình Dương là tỉnh luôn trong tốp đầu của cả nước về PCI nhiều năm qua.

  Từ một vùng đất nông nghiệp, Bình Dương vươn mình trở thành tỉnh công nghiệp trọng điểm của cả nước được coi là một kỳ tích. Trong ảnh: Một góc KCN Việt Nam- Singapore

Trong một cuộc trao đổi mới đây với người viết bài này, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan nhìn nhận, Bình Dương hơn 10 năm qua đã trở thành một trong những điển hình tốt nhất của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội. “Đến bây giờ, tôi vẫn khâm phục Bình Dương và tôi nghĩ các tỉnh, thành khác cần phải học hỏi nhiều ở Bình Dương về các mặt trong công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương...”, chuyên gia này cho biết.

Vâng, có lẽ nhiều người cũng sẽ có quan điểm như vậy, bởi Bình Dương trong 14 năm qua với những thành tựu nổi bật trên mặt trận kinh tế, xứng đáng được coi là kỳ tích trên đường phát triển.

Cùng với những nỗ lực phát triển, Bình Dương đang không ngừng kiếm tìm và chuẩn bị các điều kiện, cơ hội để tăng tốc trên đường hội nhập, đưa Bình Dương trở thành một tỉnh công nghiệp - đô thị phát triển bền vững. Thành phố mới Bình Dương quy mô 1.000 ha sẽ là trung tâm chính trị - kinh tế, văn hóa, xã hội; trường Đại học Quốc tế Miền Đông với diện tích 26 ha tại trung tâm Thành phố mới Bình Dương, quy mô đào tạo 24.000 sinh viên/năm theo hình thức đào tạo đa cấp, đa ngành, do Becamex IDC làm chủ đầu tư; Khu công nghệ kỹ thuật cao do Tập đoàn Mapletree (Singapore) đầu tư khoảng 400 triệu USD, với tổng diện tích 75 ha với mục đích chuyển giao công nghệ và quy trình kinh doanh hiện đại, phục vụ các doanh nghiệp kinh doanh phát triển công nghệ cao, chế tạo thử và phát triển sản phẩm mới... sẽ là những cú hích mới cho Bình Dương phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.

 

Tiến sĩ Trần Quý Thanh, Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát Group: Bình Dương là đất lành cho doanh nhân

 Lãnh đạo Bình Dương đã rất đề cao vai trò của doanh nhân, bằng chứng là trước khi Việt Nam tổ chức ngày 13-10 hàng năm là ngày kỷ niệm truyền thống cho đội ngũ doanh nhân thì trước đó Bình Dương đã có ngày doanh nghiệp Bình Dương  31-12 hàng năm cùng với ngày kỷ niệm tái lập tỉnh.

Ở đây có thể nhận thấy tầm nhìn của các nhà lãnh đạo Bình Dương qua các thời kỳ, thấy rõ vai trò của doanh nhân trong việc thúc đẩy công nghiệp hóa, phát triển kinh tế - xã hội, từ đó có một thái độ trọng thị đối với các doanh nhân. Trên thực tế, doanh nhân khi thực hiện các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh không bao giờ nghĩ chỉ để “kiếm miếng cơm manh áo”, vì doanh nhân không nghèo mà họ muốn hiện thực hóa khát vọng, lý tưởng kinh doanh, làm giàu chính đáng và đóng góp vào sự phát triển chung cho xã hội thông qua thực hiện các dự án, giải quyết công ăn việc làm, công tác xã hội... Với tầm nhìn xa, nhận thức rõ vai trò của doanh nhân, Bình Dương đã có những cách làm khác biệt, tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp. Đất lành thì chim mới đậu. Chính điều này đã giúp Bình Dương thu hút một lượng đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước để đưa một tỉnh có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, trở thành một địa phương có nền sản xuất công nghiệp hàng đầu cả nước hiện nay.

Là một doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại Bình Dương đã lâu, Tân Hiệp Phát cảm nhận rõ ràng về sự cạnh tranh cao về môi trường đầu tư của Bình Dương. Không dừng lại ở đó, Bình Dương luôn biết cách cải thiện cho môi trường đầu tư tại địa phương ngày càng tốt hơn, tạo điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Đơn cử như hiện nay Bình Dương đã triển khai xây dựng khu Trung tâm chính trị - hành chính tập trung tại Thành phố mới Bình Dương sẽ giúp cho doanh nghiệp tiếp tục thuận lợi hơn trong quá trình giao dịch, thực hiện các thủ tục hành chính trong hoạt động của mình. Chính vì điều kiện sản xuất - kinh doanh thuận lợi tại Bình Dương nên mặc dù có nhiều địa phương cũng đang mời gọi đầu tư nhưng Tân Hiệp Phát chỉ chọn Bình Dương để thực hiện các dự án.

Sau 14 năm tái lập tỉnh, với chủ trương đúng đắn, chính sách cởi mở, trọng thị nhà đầu tư, doanh nghiệp, Bình Dương đã phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh của mình và đang vươn tới trở thành một kiểu mẫu Singapore tại Việt Nam...

ĐÀM THANH (ghi)

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=359
Quay lên trên