Quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã đánh trả quyết liệt bằng mọi vũ khí có sẵn trong tay, giặc bị ta cầm chân suốt một tháng ở nội thành Sài Gòn, chịu nhiều thiệt hại. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại lễ ra mắt bộ sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến do NXB Chính Trị Quốc Gia - Sự Thật xuất bản
Trước hành động tái xâm lược của thực dân Pháp và cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một chủ trương chi viện cho mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn để góp phần ngăn chặn sự lấn chiếm của giặc, chuẩn bị sẵn sàng đánh địch tại chỗ.
Tại Mặt trận số 1 (còn gọi là Mặt trận tiền tuyến Sài Gòn - Gia Định hay Mặt trận phía đông) các đơn vị tự vệ phía bắc và một bộ phận công nhân của các đồn điền cao su Dầu Tiếng, Phước Hòa... tham gia chặn đánh từng bước tấn công phá vòng vây của giặc. Góp sức với mặt trận này, Ủy ban Hành chánh kháng chiến chỉ đạo cho nhân dân, lực lượng tự vệ ở các huyện Châu Thành, Tân Uyên, Thủ Đức sẵn sàng chiến đấu, quyên góp thuốc men, gạo vải, lương thực gửi ủng hộ các chiến sĩ đang trực tiếp chiến đấu.
Ngày 23-9-1945 thực dân Pháp núp dưới bóng quân đội Anh tước vũ khí của quân đội Nhật ở Nam bộ, âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta lần nữa.
7 giờ sáng ngày 23-9-1945, Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam bộ (sau đổi tên thành Ủy ban kháng chiến) họp khẩn cấp tại phố Cây Mai (Chợ Lớn), đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh tham dự. Hội nghị quyết định phát động nhân dân kiên quyết kháng chiến chống xâm lược. Ủy ban kháng chiến Nam bộ được thành lập, ra lệnh tổng bãi công, bãi thị, bất hợp tác với địch, phong tỏa địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam bộ sục sôi căm thù, nhất tề đứng dậy, xông ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới: Nam bộ kháng chiến.
Tại Mặt trận số 2 (còn gọi là Mặt trận tiền tuyến phía bắc hay Mặt trận Tham Lương), bộ đội của ta chiến đấu rất dũng cảm. Tại mặt trận này, đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy một đoàn xe tải chở những “Đội quân áo nâu”, “Bộ phận tên ná” chi viện từ các đồn điền Lộc Ninh, Hớn Quản tiến về Sài Gòn, giúp kìm chân địch để các nơi khác ở Nam bộ có thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến khi quân Pháp mở rộng đánh chiếm.
Khi giặc Pháp từ nội ô Sài Gòn mở rộng phạm vi lấn chiếm, quân ta chặn đánh tại cầu Bến Phân (Hóc Môn) thì sự chi viện của Thủ Dầu Một cho mặt trận này càng trở nên trực tiếp và có hiệu quả hơn về nhiều mặt.
Tại quận Châu Thành, ta lập trạm tiếp đón lực lượng chi viện từ phía bắc tỉnh về, tổ chức nghỉ ngơi, bồi dưỡng quân trước khi đưa ra tiền tuyến. Trạm này đóng tại Nhà dưỡng lão tỉnh Thủ Dầu Một (gần ngã tư chợ Đình) do Ủy ban Kháng chiến đệ nhị phòng tuyến khu vực Phú Hòa phụ trách.
Ở phía nam, các xã thuộc huyện Lái Thiêu nằm ven sông Sài Gòn (nổi bật là xã An Sơn) cũng là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến.
Ban Tiếp tế của tỉnh tổ chức nhiều đoàn ghe đi miền Trung, miền Tây Nam bộ trở về cập bến Bình Nhan (An Sơn) đầy ắp lương thực, thực phẩm (gạo, muối, trứng vịt, củ cải muối...) tất cả đều tạm đưa vào kho bảo quản, một phần lần lượt chuyển qua Mặt trận cầu Bến Phân, một phần cung cấp cho các lực lượng trong tỉnh từ phía bắc đi xuống tạm dừng chân tại đây và đi ra chiến đấu ở tiền tuyến. Các bộ phận lực lượng hoạt động tại cầu Bến Phân rút về bồi dưỡng củng cố ở đây.
An Sơn trở thành chiến khu đầu tiên của Thủ Dầu Một. Báo “Cảm tử”, cơ quan của Tổng Công đoàn Nam bộ, bố trí trên một chiếc ghe mui gồm Ban biên tập và nhà in, từ An Phú Đông về đóng ở An Sơn, tiếp tục làm nhiệm vụ.
Trường Quân chính Quân khu 7 do các cán bộ Nam tiến phụ trách như Vương Anh Tuấn, Nguyễn Văn Diệu, Quang Phúc... ban đầu đóng ở An Phú Đông sau chuyển về An Sơn, rồi lại dời về xã Thuận Giao. Những tháng cuối năm 1945 đầu năm 1946, trường đào tạo hàng trăm học viên qua 2 khóa (khóa Hồ Chí Minh và khóa Võ Nguyên Giáp). Số cán bộ này được bổ sung cho các đơn vị chiến đấu các địa phương thuộc các tỉnh miền Đông và thành phố Sài Gòn. Đối với tỉnh nhà, có một tốp 10 học viên đưa vào đội Cảm tử do Nguyễn Văn Lộng (tự Chùa) phụ trách, một tốp đưa về Lái Thiêu chịu trách nhiệm xây dựng lại cơ sở Việt Minh và chính quyền ở 7 xã thuộc tổng Bình Chánh. Hàng chục học viên khác đưa về các đơn vị thuộc Chi đội 1. Đặc biệt, một nữ học viên tên Lan được đưa về Sài Gòn hoạt động. Cô đã dũng cảm diệt tên Hiền Sĩ, một tên bồi bút Việt gian chuyên viết bài ca tụng giặc Pháp xâm lược và xuyên tạc kháng chiến.
Đồng bào An Sơn đã làm hết sức mình để phục vụ các cơ quan, đơn vị chiến đấu tạm dừng chân tại đây. Thanh niên nam nữ được tổ chức thành đội tự vệ chiến đấu, lo việc bố trí canh gác, tra xét những người lạ mặt vào chiến khu, đề phòng bọn xấu chui vào phá hoại. Nữ tự vệ An Sơn tổ chức đến một trung đội, là một trong những đội dân quân nữ đầu tiên của tỉnh.
Cùng với các hoạt động đánh địch tại Mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn, công tác chuẩn bị đánh địch ngay trên địa phương cũng được xúc tiến mạnh mẽ. Ở tất cả các quận huyện Châu Thành, Bến Cát, Tân Uyên... lực lượng tự vệ cơ sở và bộ đội địa phương tích cực tập luyện quân sự, chuẩn bị vũ khí, phương án sẵn sàng phục kích chiến đấu ngăn địch lấn chiếm.
Ở huyện Bến Cát, chính quyền địa phương đã lãnh đạo nhân dân, sắm sửa vũ khí, đào phá các ngã đường, đốn cây lập chướng ngại vật, bố trí các trận địa, mai phục chặn bước tiến của quân Pháp xâm lược.
Ở các huyện Tân Uyên, Lái Thiêu, nhân dân tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Hành chánh kháng chiến tự trang bị vũ khí, dao găm, gậy tầm vông... tăng cường tuần tra, canh gác tại những vị trí hiểm yếu khi địch chưa đánh tới.
Trong những ngày sôi động chuẩn bị trực tiếp chiến đấu và phục vụ cho tuyến trước, “Tuần lễ vàng” được tổ chức rầm rộ tại thị xã Thủ Dầu Một trên lầu công sở Phú Cường. Đồng bào, đa số là giới nữ, tấp nập lên lầu cởi dây chuyền, tháo nhẫn, lột bông tai quyên góp ủng hộ vào quỹ kháng chiến. Có người hiến tặng cả neo, vòng vàng, mỗi món đến 3 - 4 chỉ. Có chị ủng hộ cả nhẫn cưới của mình trong “Tuần lễ vàng”.
Phong trào quyên góp đồ đồng thau để xưởng quân giới làm vũ khí cũng được đông đảo đồng bào hưởng ứng. Nhà nào cũng mang đến địa điểm tiếp nhận hiến tặng rất nhiều các bộ lư, mâm đồng, mâm thau, nồi đồng...
Một tháng sau khởi nghĩa tháng tám, vừa thành lập chính quyền, phát triển lực lượng chính trị và vũ trang, xây dựng cuộc sống mới của nhân dân, khẩn trương chuẩn bị kháng chiến, vừa chi viện có hiệu quả cho mặt trận Sài Gòn - Gia Định, Đảng bộ và nhân dân Thủ Dầu Một đã nỗ lực vượt qua bao khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi có ý nghĩa quyết định.
Thắng lợi trên là do Đảng bộ đã biết vận dụng đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí minh, mà trực tiếp là Xứ ủy Nam bộ, biết tập hợp mọi khả năng tiềm tàng của nhân dân nhất là lực lượng thanh niên, nhân sĩ yêu nước và phát huy truyền thống cách mạng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Ánh sáng của Cách mạng Tháng Tám và thành quả chiến đấu, xây dựng trong thời kỳ này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm tư, tình cảm của nhân dân, nhân dân càng thấy rõ giá trị cuộc sống của người làm chủ đất nước. Đó là nguồn lực tinh thần quan trọng động viên nhân dân trong tỉnh quyết tâm đi vào cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược.
C.T (Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương)