Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11: Những tấm lòng cao cả

Cập nhật: 20-11-2009 | 00:00:00

Sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một tặng hoa thầy cô giáo nhân ngày 20-11.

Thời nào cũng thế, tấm lòng của các thầy cô giáo vẫn luôn là những ngọn đuốc sáng ngời soi rọi và dẫn đường cho biết bao thế hệ về tri thức, nhân cách, về đạo đức và niềm tin... Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, sự tôn vinh các nhà giáo càng có ý nghĩa khi xã hội trân trọng và ghi nhận về sự hy sinh, tận tụy với nghề của những người thầy, những người đã thầm lặng đưa đường, dẫn lối cho các thế hệ học trò của mình đến với bến bờ tri thức. Lương tâm nghề nghiệp hàng đầu

Tất cả những ai đã trải qua thời học trò đều biết về sự cống hiến thầm lặng của người thầy giáo, cô giáo bằng quá trình lao động miệt mài nghiêm túc và đầy trách nhiệm.

Nhà giáo ưu tú Đoàn Thị Ngọc, thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An xúc động tâm sự: Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã rất thích làm cô giáo. Hình ảnh các thầy cô giáo luôn là thần tượng và là niềm mơ ước khôn nguôi của tôi. Chính vì vậy mà tôi đã chọn và gắn bó với nghề này gần 40 năm qua. Những ngày đầu khi biết mình sắp nghỉ hưu, nghĩ mình sắp phải rời xa mái trường thân yêu với bao khuôn mặt bạn bè, đồng nghiệp, các em học sinh, các thế hệ phụ huynh mà mình đã từng gắn bó, cùng làm việc, cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn, tôi thấy thực sự hụt hẫng không chỉ trong những sinh hoạt hàng ngày mà cả trong sâu thẳm tâm hồn.

Nhà giáo ưu tú Huỳnh Nguyệt Thu, phường Phú Thọ, TX.TDM cũng nói: Theo tôi, một người thầy tốt nhất thiết phải có hai yếu tố không thể tách rời nhau, đó là lương tâm và chuyên môn. Lương tâm là cái đi trước và sau đó là chuyên môn. Muốn vậy, trước hết người thầy phải yêu nghề và đồng thời phải yêu thương thật sự những học trò, những giáo viên của mình bằng một tình cảm của một người thầy, một người bạn.

Nhà giáo ưu tú Tống Thị Lịch, Hiệu trưởng trường tiểu học Kim Đồng, huyện Dĩ An khẳng định: Thời nào cũng vậy, cái tâm của người thầy giáo phải luôn được đặt lên hàng đầu. Đạo làm thầy là cao cả nhưng cũng thật nặng nề biết bao. Vì đã là giáo dục thì cần phải có sự gắn kết chặt chẽ từ trên xuống dưới, gắn bó trong phương pháp chỉ đạo, phối hợp và quan trọng hơn là sự gắn bó trong tình cảm, thực sự quý trọng, thực sự tin yêu và thực lòng giúp sức cho nhau để có được sự đồng thuận. Được như vậy thì bắt buộc người thầy phải có lương tâm nghề nghiệp.

Cô Lê Ngọc Phương, nhà giáo ưu tú, giáo viên trường THCS Chánh Phú Hòa (Bến Cát) cũng tâm sự: “Nếu là thầy cô giáo mà không có lòng yêu nghề, không có tấm lòng yêu học trò thì chẳng thể trụ nổi với nghề này lâu được. Tôi muốn trở thành thầy giáo ngay từ khi còn rất nhỏ. Sau khi ra trường, được tiếp xúc với học trò, tôi lại càng cảm thấy yêu nghề hơn. Hạnh phúc lớn nhất đối với tôi là khi được phụ huynh và các em học sinh tin yêu.

Thầy Văn Văn Phê, Hiệu trưởng trường THPT Dĩ An, một nhà giáo ưu tú cũng từng khẳng định: Tôi quan niệm chất lượng giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) phải bắt đầu từ người thầy. Hay - dở, tốt - xấu, thành - bại trong giáo dục chính là từ trách nhiệm của người thầy giáo. Làm người thầy giáo mà cái tâm không được đặt lên hàng đầu thì đừng mong muốn có được một thế hệ chất lượng trong tương lai.

Còn cô Hoàng Thị Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp mẫu giáo Trung tâm điếc Thuận An cũng xúc động nói: “Làm một người thầy tốt với các em học sinh bình thường đã khó, làm một người thầy đã tốt lại có tâm đối với các em học sinh khuyết tật lại càng khó hơn bội phần nhưng không vì vậy mà tôi nản chí. Hơn 10 năm làm giáo viên dạy cho các trẻ em khuyết tật của trường, càng ngày, tôi càng thấy yêu thương và gắn bó với các em nhiều hơn.

Cùng gieo hạt và ươm mầm cho những ước mơ

Để tiếp bước những truyền thống tốt đẹp của các thế hệ nhà giáo đi trước, các giáo viên trẻ cũng đang nỗ lực, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp trồng người của tỉnh nhà. Cô Huỳnh Thị Mỹ Dung, một giáo viên trẻ của huyện Thuận An tâm sự: Phải thừa nhận rằng, với tinh thần “tôn sư trọng đạo” ngàn đời của dân tộc ta, các tầng lớp nhân dân đã cho chúng tôi những niềm an ủi và những xúc cảm vô bờ. Đó là những tình cảm quý báu ràng buộc chúng tôi, là lý tưởng để chúng tôi cống hiến toàn bộ tri thức của mình cho sự nghiệp giáo dục. Dù nghề giáo ngày nay còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi người thầy giáo không chỉ có lòng yêu nghề, mến trẻ, mà còn phải sống có lý tưởng và bản lĩnh mới có thể vững vàng bám trụ trường lớp.Ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Tôi nghĩ truyền thống “tôn sư trọng đạo” là nét đẹp truyền thống trong đời sống tâm hồn của người Việt Nam, đã có từ lâu, được bảo tồn, phát triển cho đến ngày nay và mãi mãi sau này. Chính vì thế mà ông cha ta đã dùng những ngôn từ đẹp nhất để tôn vinh nghề dạy học, tôn vinh nhà giáo: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ, phải yêu kính thầy”... Với tầm cao của nền kinh tế tri thức thì mọi hành vi, thái độ, lời nói, việc làm của nhà giáo đều là tấm gương phản chiếu nhiều chiều - nhưng không ai khác hơn chính nhà giáo phải tự soi mình. Ai cũng biết đã là thước thì phải thẳng, đã là cân thì phải chính xác, nhưng muốn “thẳng” hay “chính xác” đều phụ thuộc ở người cầm. Nhà giáo chúng ta phải hết sức chú ý điều này. Chính vì vậy, việc trau dồi và nâng cao phẩm chất năng lực là yêu cầu tự thân ở mỗi nhà giáo, những giáo viên dù đã nghỉ hưu hay đang còn đứng trên bục giảng phải luôn tâm niệm. Dù đâu đó vẫn còn những con sâu làm rầu nồi canh, nhưng trên thực tế cũng không ít những người thầy vẫn ngày đêm miệt mài thầm lặng, bằng nhân cách và tài năng, gieo hạt và ươm mầm cho những ước mơ, hoài bão thật đẹp đẽ cho đồng nghiệp và học trò của mình”.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X