Bài 2: Bản hùng ca mang tên Đoàn B.90
> Bài 1: Chi viện trực tiếp cho chiến trường miền Nam
Trước yêu cầu cấp bách cần có con đường hành lang để bảo đảm sự chi viện về nhân tài, vật lực từ miền Bắc đến chiến trường Nam bộ, các đơn vị vũ trang làm nhiệm vụ soi mở đường lần lượt ra đời. Cùng với C.200 từ Đông Nam bộ, Đoàn B.90 từ miền Bắc đã ra đời, vượt qua bao khó khăn, thử thách để xây dựng cơ sở và mở con đường hành lang lịch sử ở cuối dãy Trường Sơn, đáp ứng yêu cầu của cách mạng miền Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tại nơi này, đồng chí Nguyễn Văn Thời, người trẻ nhất của Đoàn B.90 đã hy sinh vì cố gắng vượt sông Đồng Nai. Đây cũng là nơi sau này Đoàn B.90 và C.200 gặp nhau. Trong ảnh: Cựu cán bộ - chiến sĩ Đoàn B.90 thăm lại chiến trường xưa
Ra đời Đoàn B.90
Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho trung tướng Trần Văn Trà, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ xây dựng đoàn vũ trang đặc trách mở đường về Nam bộ.
Theo kế hoạch dự kiến, quân số của đoàn mở đường gồm 50 cán bộ, chiến sĩ. Nhưng sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo đoàn đầu tiên mở đường về Nam bộ phải thật gọn nhẹ, chủ yếu tinh về chất lượng, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ nhưng giữ vững nguyên tắc tuyệt đối bí mật, do đó số lượng rút lại còn 25 người.
Ông Ao Sĩ, nguyên cán bộ Đoàn vũ trang tuyên truyền Sông Bé - Thủ Biên, cán bộ Đoàn B.90, nhớ lại: “Để giữ bí mật cho hành lang, một luật bất thành văn mà ai đi qua cũng phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt, đó là “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Để thực hiện phương châm ấy, tất cả đều không được đi dép. Mấy năm sống ở miền Bắc mỗi bước đi là chân mang giày dép, nay đi chân trần thật gian khổ, nhiều người đôi chân rướm máu, có người bong cả lớp da dày dưới bàn chân… Nhưng rồi, những đôi chân ấy cũng quen như thời kháng chiến chống Pháp, cũng thoăn thoắt băng rừng, lội suối làm nhiệm vụ”.
Tiêu chí tuyển chọn được đặt ra là đoàn phải gồm cả người Kinh, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), người có quê Nam bộ và Liên khu 5; trong kháng chiến chống Pháp từng chiến đấu và công tác ở các chiến trường Nam Tây nguyên, Đông Nam bộ và Đông Bắc Campuchia; quen sống, chiến đấu ở vùng địch hậu và biết công tác vận động ĐBDTTS. Ngoài tiêu chuẩn đức, tài, tinh thần chịu đựng gian khổ, không ngại hy sinh, còn một tiêu chuẩn đặc biệt là “không có vợ con và người yêu ở miền Bắc” để khi lên đường không bận bịu hậu phương và cũng là một biện pháp giữ bí mật tuyệt đối chủ trương của Đảng.
Ông Phạm Văn Nhường, nguyên cán bộ Đoàn vũ trang tuyên truyền Sông Bé - Thủ Biên tập kết ra Bắc, hiện đang sống tại phường An Thạnh (TX.Thuận An), kể: “Trước khi thành lập Đoàn B.90, tôi được anh Trần Quang Sang, cán bộ nghiên cứu Ban Thống nhất Trung ương đến tìm và đặt vấn đề vào Nam làm cách mạng. Đến cuối tháng 4-1959, đoàn chúng tôi gồm 25 người được chính thức chỉ định và hành quân về nhà khách Bộ Quốc phòng. Đến ngày 25-5- 1959, đơn vị chính thức được thành lập, lấy phiên hiệu là Đoàn B.90. Nhiệm vụ của đoàn lúc bấy giờ là về chiến trường miền Nam, đến Nam Đắc Lắc, hợp nhất với đội vũ trang công tác Bắc Đắc Mil (Nam Đắc Lắc); dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Đắc Lắc, gây dựng cơ sở và soi mở đường về Nam bộ, xây dựng hành lang chiến lược nối liền hai chiến trường Nam Tây nguyên và Đông Nam bộ. Sáng ngày 22-6-1959, đoàn bắt đầu cuộc hành quân bộ từ Lang Ho, Vĩnh Linh (Quảng Trị) theo đường mòn giao liên vào đến trạm bắc giới tuyến quân sự tạm thời. Để cuộc hành quân được gọn nhẹ khi đã qua phía nam giới tuyến, đoàn tổ chức thành 3 toán.
Trên đường hành quân, những thành viên trong đoàn không nhớ nổi mình đã vượt qua bao nhiêu khe suối, núi cao của dãy Trường Sơn hùng vĩ. “Đường đi tăm tăm mù mù chẳng biết bao xa, chỉ biết các chiến sĩ giao liên ĐBDTTS trả lời rằng: “Có đi có đến, không đi không đến” hay “Đi nhanh đến trước ông mặt trời, đi chậm đến sau ông mặt trời”. Trạm này cách trạm kia thông thường đi từ sáng sớm đến 3, 4 giờ chiều mới đến nơi, có trạm xa hơn đi đến nơi là trời đã tối. Như trạm ở dãy núi qua tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sáng 5 giờ 30 phút xuất phát từ trạm dưới chân núi, leo lên đỉnh núi thì trời vừa đứng bóng, đúng vào bữa ăn trưa. Ngồi nghỉ giữa đỉnh núi, mây phủ lờ mờ quanh mình. Giao liên bàn giao trực xong, đoàn bắt đầu tuột dốc nhưng phải đến 5 giờ 30 phút chiều mới đến trạm nghỉ ở chân dốc núi bên này. Không chỉ đi đường gian nan, nhiều hôm về đến trạm mưa lớn không nấu cơm được, cả đoàn chịu đói. Sau 4 tháng hành quân ròng rã dọc dãy Trường Sơn với bao gian khổ, trung tuần tháng 10-1959, Đoàn B.90 đã đến đích gặp Đội công tác Bắc Đắc Mil - Nam Đắc Lắc an toàn”, ông Ao Sĩ, nguyên cán bộ Đoàn vũ trang tuyên truyền Sông Bé - Thủ Biên, cán bộ Đoàn B.90, hiện đang sống tại TP.HCM kể.
Đội công tác Bắc Đắc Mil nguyên là Đội vũ trang tuyên truyền 124 trong thời kháng chiến chống Pháp, thuộc tỉnh Đắc Lắc. Đây là cái vốn rất quý và là chỗ dựa cho Đoàn B.90 xây dựng cơ sở mở đường về Nam bộ. Cuối năm 1959, Đội công tác Bắc Đắc Mil với Đoàn B.90 hợp nhất thành đơn vị B4 soi mở đường vào Đông Nam bộ.
Mở đường về Đông Nam bộ
Để triển khai nhiệm vụ, toàn lực lượng B4 tổ chức thành 3 đội, 1 mũi vũ trang tuyên truyền, 2 mũi vũ trang công tác, một bộ phận củng cố địa bàn đứng chân, xây dựng căn cứ. Trong đó, đội 1 hoạt động trên hướng chủ yếu từ căn cứ N’Đru Đắc Rồ, qua Yốc You có nhiệm vụ mở cơ sở, xây dựng phong trào trên địa bàn cao nguyên Platô R’pút, phát triển về hướng đông tỉnh Quảng Đức (Đắc Nông ngày nay), lấy buôn Bu Sa Nar làm bàn đạp; xây dựng các buôn Bù Xia Đăng, Bù Xia Đạ, buôn Bu N’Ting phát triển về hướng sông Đồng Nai Thượng và Kin Đạ; tìm móc nối với lực lượng cách mạng Đông Nam bộ từ Mã Đà, chiến khu Đ ra.
Khoảng giữa tháng 12- 1959, đội 1 xuất phát từ buôn Yốc You, suối Đắc N’Tàu, sát chân núi Nam Nung. Tinh thần của đội rất phấn khởi, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy vậy, đội cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi địa bàn lạ, đoàn phải tự cắt rừng mà đi, cơ sở cách mạng chưa có, ĐBDTTS ít người biết tiếng Kinh… Vì vậy, khi đoàn xuất quân có bổ sung ông Trần Phong, Ủy viên Ban cán sự B4, nguyên là Đội trưởng Đội công tác Đắc Mil và Ama Sa, cán bộ người DTTS của Đội Đắc Mil cũ cùng hành quân để giúp đội móc ráp cơ sở trong những ngày đầu. Từ Yốc You đi suốt cả ngày đường, đoàn mới đến Bu Sa Nar. Nhờ có cán bộ móc nối trước nên đoàn gặp được già làng và gia đình K’Đoong cùng một số thanh niên khác. Già làng và gia đình K’Đoong đã tổ chức cúng giàng, uống rượu ăn thề đi theo cách mạng. Từ bước thắng lợi ban đầu này, đoàn đi móc nối cơ sở theo phương thức “vết dầu loang” và đã tạo được cơ sở ở nhiều buôn, tạo chỗ đứng vững chắc.
Cuối tháng 6-1960, đội 1 được giao nhiệm vụ cố gắng mở đường vào để đón đoàn mở đường từ Chiến khu Đ ra. Để thực hiện nhiệm vụ này, đội 1 tổ chức 1 mũi xung kích soi đường vượt sông Đồng Nai gồm 5 người. Phương châm của mũi là tuyệt đối bí mật, không tiếp xúc với dân, không đi trên đường mòn của dân thường đi lại, phải tự soi mở đường mà đi.
Chuyện đã xảy ra rất lâu nhưng ông Nhường vẫn nhớ rất rõ cảnh khó khăn thiếu thốn khi đi soi mở đường. “Cắt rừng gian khổ nhưng mỗi người chỉ được ăn 1 lon sữa bò/ngày nên sức khỏe cán bộ, chiến sĩ suy yếu nhiều. Có lúc trời mưa suốt ngày đêm, cả tuần không thấy mặt trời. Có ngày xuống một khe suối rồi leo lên một quả đồi là hết một ngày. Cứ như vậy, đoàn đi qua vùng nguyên sinh cây cối rậm rạp để hành quân đến vàm Đắc R’Tih - nơi đón lực lượng mở đường từ Nam ra”, ông Nhường nhớ lại.
Ròng rã gần 4 tháng trời, các thành viên trong đoàn đã vượt qua bao gian khó để hoàn thành nhiệm vụ. Trong thời điểm lịch sử ấy, đồng chí Nguyễn Văn Thời, phụ trách y tế, người trẻ nhất của đoàn đã hy sinh vì cố gắng vượt sông Đồng Nai, dòng nước xoáy đã cuốn ông mất hút. Ông là liệt sĩ đầu tiên của Đoàn B.90 hy sinh vì sự nghiệp mở đường Hồ Chí Minh ở cuối dãy Trường Sơn, đoạn từ Nam Tây nguyên đến Đông Nam bộ.
Bài 3: Đoàn C.200: Soi đường lên Tây nguyên
THU THẢO