Ông Trần Văn Quý gặp gỡ đội nữ pháo binh Bình Dương tại Chiến khu Vĩnh Lợi Ảnh: T.VY
Buổi lễ long trọng
Trong ký ức của ông Trần Văn Quý (SN 1921), cư ngụ tại số 180/27 đường Yersin, tổ 8, phường Hiệp Thành, TP.TDM, ngày 27-7 đầu tiên như mới hôm qua. Mặc dù đã đến cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn nhớ như in từng khâu tổ chức. Thậm chí, ông còn ghi chép lại để bổ sung vào cuốn lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương. Ông Quý bắt đầu kể, thời điểm đó, với cương vị là Tổng Thư ký Ủy ban huyện Lái Thiêu (nay TX.Thuận An), một trong 5 thành viên Ban tổ chức (BTC) nên ông được phân công nhiệm vụ thủ quỹ, nhận tiền và quà tại buổi lễ và tại văn phòng huyện. Buổi lễ kỷ niệm do đồng chí Nguyễn Minh Chương - Chủ tịch Ủy ban tỉnh Thủ Dầu Một chủ trì. Các thành viên còn lại, ông Trần Khắc Cần - Tổng Thư ký Ủy ban tỉnh làm ủy viên Ban tổ chức; ông Nguyễn Văn Ngang - Chủ tịch Ủy ban huyện Lái Thiêu phụ trách kêu gọi giai cấp ủng hộ bộ đội, TB-LS; ông Vũ Duy Hanh - Trưởng ty Thông tin tuyên truyền huyện Lái Thiêu đọc diễn văn ý nghĩa ngày 27-7, chịu trách nhiệm khẩu hiệu, biểu ngữ, truyền đơn, ra báo cáo về ngày TB-LS. Cuộc họp thành viên BTC được tổ chức tại nhà ông Năm Quế (ấp 3, xã An Phú, huyện Lái Thiêu).
Khoảng 11 giờ trưa, trong lúc cuộc họp của Ban tổ chức sắp kết thúc thì có tiếng súng nổ. Sau đó, giặc bắn chết anh dân quân Nguyễn Văn Bi đang canh gác bên ngoài. Tiếp theo, chúng nã 2 làn đạn tiểu liên vào nhà ông Năm Quế nhưng không ai hy sinh. Chúng gài lựu đạn sau lưng anh dân quân Bi rồi rút về căn cứ. May mắn 5 thành viên BTC không bị nạn, riêng đồng chí Vũ Duy Hanh bị trúng đạn, cắt đứt 3 lóng tay phải. Đến chiều, anh dân quân Nguyễn Văn Nghiềm xung phong cõng xác anh Bi để đi an táng. Do thiếu kinh nghiệm chiến trường, anh Nghiềm đã bị trái lựu đạn trên lưng anh Bi bật chốt nổ khiến anh hy sinh.
Trầm ngâm trước sự hy sinh của 2 người đồng đội trẻ tuổi, chỉ mới mười tám, đôi mươi, giọng kể của ông Quý khàn lại, những giọt nước mắt tiếc thương lăn dài. Ông Quý cho biết, buổi lễ được làm tại ấp Tư Lò Đường, xã An Phú, bề mặt sân rộng, bốn phía có rừng chồi. Lễ ước độ có 5.000 người dự. Nhiều gánh hàng rong thức ăn và nước uống cũng được bày bán. Để góp phần long trọng cho buổi lễ, Chi đội 6 (Gia Định) đã gửi đến một giàn nhạc Tây, biểu diễn những bản nhạc hùng tráng. Góp chung tiếng hát, lời ca có danh ca Quốc Hương, tốp ca nam, tốp ca nữ. Đặc biệt có sự góp mặt của ca sĩ tân, cổ nhạc của Ban văn nghệ Ty Tuyên truyền Thủ Dầu Một. Những ca khúc tân cổ hướng đến tinh thần “Động viên ủng hộ bộ đội Cụ Hồ, ủng hộ TB, giúp đỡ gia đình LS” được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh. Buổi lễ diễn ra thành công vượt xa mong đợi của Ban tổ chức. Kết quả, người dân, các đơn vị đã tặng lại TB, bệnh binh 14 gánh nặng (đơn vị đo lường ngày xưa) gồm: Sữa hộp, bánh, đường, vải và quần áo…; tiền mặt được trên 147.000 đồng bằng tiền Ngân hàng Đông Dương.
Ngồi nhớ lại ký ức xưa, ông Quý bộc bạch: “Được nằm trong BTC buổi lễ 27-7 đầu tiên, bản thân tôi rất vinh dự. Mong muốn lớp trẻ biết về ngày ấy, tôi đã ghi chép lại và gửi về Ban Biên tập lịch sử Đảng bộ tỉnh. Tôi hy vọng không chỉ đến ngày 27-7, mọi người mới nhớ đến công ơn của các TB-LS đã hy sinh một phần thân thể, mãi mãi nằm xuống để bảo vệ hòa bình, mà những hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” cần được tổ chức thường xuyên. Từ đó, giúp các TB có hoàn cảnh khó khăn được động viên, hỗ trợ ổn định cuộc sống. Những LS chưa tìm thấy tên, chưa thấy cốt được quy tập đưa về quê hương, giúp họ đoàn tụ với gia đình”.
Tinh thần 27-7 lan tỏa khắp tỉnh
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, thực hiện chỉ thị của Nam bộ và tỉnh, chiều ngày 27- 7-1947, hai huyện Châu Thành và Bến Cát (tỉnh Thủ Dầu Một) tổ chức mít-tinh ngày TB-LS. Ông Ngô Văn Hòa, ở phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội Bến Cát, kể lại: “Tại sân banh Vĩnh Lợi (Vĩnh Tân, huyện Châu Thành) mọi người đang lo làm sân khấu, treo cờ, biểu ngữ, căng phông màn để tổ chức mít-tinh… Tôi cùng đồng chí Tạ Minh Khâm ở Tiểu đoàn 902 E 301 lên Bến Cát nhận nhiệm vụ tiểu đoàn phó. Hai anh em qua bến đò Bà Liên (Thới Hòa, An Điền), khi đặt chân lên An Điền, giặc Pháp ở Bến Cát bắn đạn cối xối xả xung quanh sân banh An Điền nhằm phá hoại cuộc mít-tinh. Dứt tiếng súng, chúng tôi đến sân banh, bà con ở 3 xã An Điền, An Tây, Phú An không hề nao núng sợ sệt, tập trung đầy đủ cuộc mít-tinh do huyện tổ chức. Bà con ủng hộ rất nhiều trái cây, bánh, quần áo. Số tặng phẩm này, sáng hôm sau huyện mang vào quân y viện để tặng thương, bệnh binh”.
Thời gian này, từ ủy ban xã, huyện đến tỉnh đều có một ủy viên văn xã, chuyên phụ trách công tác TB, gia đình LS. Vai trò Hội mẹ chiến sĩ ở Bến Cát, TX.TDM, thị trấn Lái Thiêu đáng biểu dương, họ thường xuyên mang quà, tiền, thuốc men vào chiến khu cùng Hội Phụ nữ các cấp thăm hỏi, ủy lạo (biếu quà) thương bệnh binh. Đặc biệt có trường hợp đồng chí Đoàn Hữu Hòa, nguyên Trung đoàn phó E 301 bị thương ở chân, bà Bảy Sang (ở TX.TDM) tổ chức xe đưa về Sài Gòn mổ lấy đạn ở chân. Ở chiến khu, các ngày lễ lớn, Tết Nguyên đán, chính quyền, tiểu đoàn, Huyện đội, Mặt trận, Hội Phụ nữ đều tổ chức đi thăm hỏi các gia đình LS, thương bệnh binh nằm ở các trạm dân y và quân y viện trong tỉnh. Công tác chăm sóc TB và chăm sóc gia đình LS được các cấp Đảng, cơ quan, mặt trận các đoàn thể Trung đoàn 301 quan tâm từ trước đến nay. Có thời kỳ Hội Phụ nữ tỉnh động viên hội viên phụ nữ lấy chồng thương bệnh binh để động viên tinh thần cho họ. Riêng bản thân tôi, hòa bình lập lại 1954 khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, phụ trách trưởng Văn phòng Liên hiệp đình chiến tỉnh Thủ Biên đã quan hệ phía Pháp tổ chức các loại xe đặc biệt để đưa thương binh, bệnh binh từ Chiến khu Đ xuống Xuyên Mộc, Hàm Tân. Sau đó, các thương, bệnh binh được đưa lên tàu ra Bắc an toàn.
“Bình Dương đang đẩy mạnh các hoạt động chào mừng 67 năm Ngày TB-LS (27.7.1947 đến 27.7.2014), tôi xin kể lại sự kiện lịch sử tổ chức ngày TB-LS đầu tiên. Từ truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đó, tôi hy vọng Bình Dương sẽ tổ chức thành công kỷ niệm 67 năm Ngày TB-LS (27-7) hàng năm”, ông Ngô Văn Hòa, nói.
T.VY - T.LÝ