Khi thấy xe 843 dừng lại ở cổng trái, lái xe Nguyễn Văn Tập hỏi: "Thế nào anh Toàn?", ông Toàn dứt khoát "Cứ tông thẳng vào". Ngay lập tức lái xe Tập nhấn ga, húc tung cánh cổng chính của dinh Độc Lập lao vào trong sân.
Trong bộ quần áo lính giản dị, người chỉ huy xe tăng 390 năm xưa Vũ Đăng Toàn vẫn toát lên vẻ nhanh nhẹn, minh mẫn dù mái tóc xanh đã nhuốm màu bạc trắng. Năm nào cũng thế, cứ cận ngày 30-4 ông lại bắt xe từ Hải Dương lên Hà Nội, đến nhà cậu em út Ngô Sỹ Nguyên để tụ họp cùng anh em đã kề vai sát cánh trong trận đánh cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nheo vầng trán rộng, ông chậm rãi kể lại thời khắc cách đây đã 36 năm, khi đại đội ông từ miền Trung vào tham gia chiến dịch mùa xuân năm 1975. Thời điểm ấy, ông thuộc Đại đội tăng 4, Tiểu đoàn tăng 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2. Xe tăng 390 gồm có lái xe là trung sĩ Nguyễn Văn Tập; pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên (trung sĩ); phó đại đội trưởng kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng (thiếu úy, lên thay pháo thủ số 2 bị thương) và ông Toàn là trung úy, chính trị viên đại đội.
Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc lập ngày 30-4.
Sáng 10-4-1975 đơn vị ông bắt đầu hành quân từ Đà Nẵng vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Trên đường đi, một tiểu đoàn trinh sát đã tham gia giải phóng Ninh Thuận, Bình Thuận, Phan Rang, Phan Thiết. Đại đội của ông là lực lượng nòng cốt đi sau.
Ngày 26-4, toàn bộ lực lượng bắt đầu bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh. Ba ngày sau, đại đội 4 đã giải phóng được toàn bộ căn cứ Nước Trong, trường sĩ quan thiết giáp của địch, tạo mũi thọc sâu cho Quân đoàn 2.
Sáng 30-4, Tiểu đoàn tăng 1 do ông Ngô Văn Nhỡ làm Tiểu đoàn trưởng được giao nhiệm vụ chủ công mở đường vào Sài Gòn, Đại đội 3 có nhiệm vụ cắm cờ trên dinh Độc Lập. Mũi thọc sâu bắt đầu đánh từ tổng kho Long Bình, qua cầu Đồng Nai, ngã ba Thủ Đức, ngã ba Thủ Dầu Một, đến cầu Sài Gòn. Tại đây địch chống trả rất quyết liệt. Các loạt đạn từ xe tăng M48, M41, M113 bắn sang, tàu dưới sông Sài Gòn bắn lên, máy bay thả bom chặn bước tiến của quân giải phóng.
Bốn anh em trên chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. Từ phải qua là các ông Vũ Đăng Toàn, Ngô Sỹ Nguyên, Lê Văn Phượng, Nguyễn Văn Tập.
"Chúng tôi đã dùng pháo cao xạ, súng M27 của xe tăng bắn lên, nhưng máy bay địch nâng độ cao và tiếp tục thả bom. Chúng tôi bị tổn thất nặng nề, xe bị cháy, xe bị sa lầy, mắc cạn, hỏng hóc, đại đội 2 và 3 mất sức chiến đấu bởi anh Nhỡ hy sinh, các chiến sĩ người hy sinh, người bị thương, băng bó cho nhau la liệt 2 bên cầu", ông Toàn kể lại.
Ông cho biết, Đại đội tăng 4 lúc đó có 7 xe, ban chỉ huy đại đội gồm 3 người là trung úy Bùi Quang Thận (Đại đội trưởng), trưởng xe 843; thiếu úy Lê Văn Phượng, Phó đại đội trưởng Kỹ thuật và ông là chính trị viên, trưởng xe 390. Sau khi hội ý, Ban chỉ huy quyết định không thể chậm trễ, phải xốc lại đội hình, tổ chức đại đội tiến vào bên trong.
Trước khi hành quân, Đại đội 4 cùng đơn vị bạn đã dùng một số đạn pháo bắn sang bên kia để uy hiếp tinh thần và tiêu diệt địch. Bắn mấy loạt pháo thì địch tháo chạy, quân giải phóng tiến lên. Xe của trung đội trưởng Lê Tiến Hùng dẫn đầu, đến xe 390 rồi xe anh Thận, lần lượt đi. Đến ngã tư Hàng Xanh xe 390 bắn pháo tiêu diệt 2 xe thiết giáp N113 của địch sau đó rẽ trái, tiến về hướng dinh Độc Lập.
Đến cầu Thị Nghè thì xe của trung đội trưởng Lê Tiến Hùng bị địch bắn, ông và các chiến sĩ bị thương, một lính bộ binh hy sinh. Nhờ nhân dân đưa đồng đội đến bệnh viện, xe 390 vượt lên dẫn đầu đội hình gấp rút tiến về chiếm dinh Độc Lập. Khi đến gần dinh thì xe ông đi chậm lại, xe 843 vượt lên. Đến cổng trái, xe 843 lại dừng lại, tắt máy.
"Thấy vậy, lái xe Tập hỏi tôi "Thế nào anh Toàn?". Tôi ra lệnh "Cứ tông thẳng vào". Ngay lập tức lái xe Tập nhấn ga vọt lên, húc tung cánh cổng chính của dinh Độc Lập lao vào trong sân, đến trước tiền sảnh thì dừng lại", ông Toàn hồi tưởng.
Bước ra khỏi xe, ông Toàn thấy Đại đội trưởng Thận đã ôm cờ nên vơ thêm một khẩu AK, chạy theo ông Thận hỗ trợ và sẵn sàng chiến đấu. Khi hai ông đến đầu nhà thì có người đứng chặn và giới thiệu "Tôi là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. Tổng thống mời các ông lên làm việc".
"Có thêm người ra chỉ đường cho anh Thận lên nóc dinh cắm cờ, tôi theo Nguyễn Hữu Hạnh vào bên trong. Nội các của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ có hơn 50 người, ông Hạnh dồn hết vào phòng khánh tiết và sang phòng phía sau mời Dương Văn Minh lên", ông Toàn kể.
Lúc này, Ngô Sĩ Nguyên cũng lên tới nơi, sau khi tham gia dồn nội các của Dương Văn Minh vào một chỗ, ông đứng gác ở cửa. Nguyễn Văn Tập ở lại giữ xe tăng còn Lê Văn Phượng thì ngồi trong xe giữ khẩu 12 ly 7 chĩa lên phía lá cờ trên nóc dinh để yểm hộ cho Bùi Quang Thận cắm cờ.
Sau khi có chỉ huy đến nói chuyện với Dương Văn Minh và đưa ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng, ông Toàn cùng đồng đội ở lại làm nhiệm vụ bảo vệ dinh. Khoảng một tiếng sau, Đại đội 4 của ông nhận lệnh ra cảng Bạch Đằng bảo vệ cảng, bảo vệ kho hàng của chính quyền Sài Gòn. Ở đó chừng 4-5 hôm, đại đội rút về tổng kho Long Bình, sửa chữa xe, lau chùi súng pháo, bổ sung đạn dược, xăng dầu... sẵn sàng chiến đấu nếu có tổ chức nổi dậy.
Sau chiến thắng vang dội đó, mỗi lữ đoàn lại cử một bộ phận hành quân giải phóng Tây Nguyên. Tháng 12-1978, lữ đoàn xe tăng và quân đoàn 2 được điều sang Campuchia tham gia giải phóng nước bạn.
Đất nước hoàn toàn độc lập, ông Toàn lại về Hà Bắc xây dựng củng cố đơn vị. Năm 1981 lữ đoàn 203 cử cán bộ thành lập trường 900 ở Sơn Tây. Làm việc được vài năm, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông Toàn được đơn vị cho về nghỉ hưu với quân hàm đại úy.
"Lúc đó bà xã bị ốm, 2 con nhỏ nên khó khăn chồng chất. Hạ ba lô xuống tôi nghĩ cách làm kinh tế để chèo chống gia đình. Tôi đi học nghề tráng bánh đa, thái phở, thái mì rồi chăn nuôi gà, vịt. Cuối cùng cũng giải quyết được lương thực cơ bản cho gia đình và có điều kiện đưa vợ đi chữa bệnh", vị chỉ huy năm xưa bùi ngùi. Hiện ba con của ông Toàn đều đã lập gia đình.
Ông Toàn cho biết, sau giải phóng, 4 anh em trên chiếc xe tăng 390 mỗi người một nơi, mãi đến năm 1995 mới có cơ hội gặp lại. Từ đó trở đi, năm nào cũng vài lần, 4 cựu chiến binh lại lặn lội đường xa, tìm đến thăm nhau. Các ông Tập, Phượng, Nguyên sau khi rời quân ngũ cũng có cuộc sống khó khăn, và hiện đều có con theo nghiệp bố.
Bốn chiến sĩ xe tăng năm xưa cho biết, niềm hạnh phúc nhất của các ông là được xả thân vì độc lập, tự do của dân tộc và được cống hiến sức lực xây dựng đất nước.
Theo VNE