Ký ức người làm báo

Cập nhật: 21-06-2010 | 00:00:00

   Ban Thư ký Tòa soạn và phóng viên thường xuyên trao đổi nghiệp vụ. Ảnh: CHÍ THANHNgày đó tôi chập chững bước vào nghề báo với bao bỡ ngỡ, dù đó là nghề tôi luôn yêu thích, thần tượng khi còn nhỏ. Những năm ấy là những năm đầu đất nước mới giải phóng, cuộc sống còn nhiều vất vả với bộn bề lo toan. Trở ngại đầu tiên là gia đình, ba má tôi không muốn cho con mình theo nghề báo vì sợ chuyện đi lại cực khổ mà tôi lại là nữ, rất ít khi xa gia đình nhiều ngày. Tôi năn nỉ ba má mình: “Cho con làm thử một thời gian xem sao”.

Và kể sao hết những nỗi vất vả của những ngày đầu mới tập tành làm báo, mặc dù mỗi phóng viên mới vào nghề lúc ấy được từ 1 - 2 phóng viên đi trước có kinh nghiệm dìu dắt, kìm cặp. Tôi còn nhớ để viết một bản tin được đăng, chúng tôi phải sửa đi, sửa lại nhiều lần mà lúc ấy chỉ viết bằng tay chứ nào đâu có máy vi tính như bây giờ. Tôi cũng không quên những chuyến đi công tác cơ sở dài ngày. Đầu tiên là đợt công tác thu mua lương thực gần nửa tháng ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Phước Long (tỉnh Bình Phước bây giờ). Khi ấy là tháng 12, ở vùng cao buổi sáng trời lạnh căm căm nhưng chúng tôi phải dậy thật sớm đi cùng một số ngành chức năng của tỉnh, huyện xuống xã để thống kê các hộ sản xuất nông nghiệp của từng địa bàn... Có khi trở về tới văn phòng Huyện ủy thì trời đã tối mịt, mọi người đã đi ngủ, chị nuôi phải thức dậy bắc vội vàng cho chúng tôi nồi cơm độn khoai mì khô và ăn với muối trộn bột ngọt. Do đói và mệt dù thức ăn chỉ vỏn vẹn có vậy, anh chị em chúng tôi vẫn ăn ngon lành hết nồi cơm. Rồi là những chuyến công tác về các huyện vùng cao khác như Lộc Ninh, Bù Đăng, Bình Long mà mỗi lần đi công tác phóng viên chúng tôi phải dậy từ 2 - 3 giờ sáng ra bến xe xếp hàng mua vé. Đường sá lúc ấy rất xấu, đầy ổ gà, ổ voi, đi từ sáng sớm thường xế chiều mới đến nơi công tác và đầu tóc thì bám đầy đất đỏ. Có những lúc đi tác nghiệp vùng xa một mình, đêm ngủ lại UBND một xã vùng cao chỉ là căn nhà tranh vách lá không có cửa, trời tối đen như mực, gió lùa thông thốc từ trước ra sau, tiếng ếch, nhái, ểnh ương kêu nghe vừa buồn bả, vừa đầy... đe dọa. Sau khi nắm tình hình xong muốn trở về huyện, 3 giờ sáng tôi phải thức dậy đón các xe chở công nhân cao su đi cạo mủ sớm để quá giang ra đường tìm xe về huyện. Những lúc ấy, tôi cảm thấy cuộc đời làm báo sao mà khổ sở, vất vả đến thế và phen này về chắc là... bỏ nghề thôi.

Tuy cực khổ là vậy nhưng thu nhập của người làm báo cũng như những ngành nghề khác không có là bao và lúc ấy chưa có chế độ nhuận bút, viết bài được đăng đã là mừng lắm rồi chứ còn tơ tưởng gì đến các khoản khác ngoài chuyện lâu lâu được thanh toán tiền công tác phí. Do thu nhập thấp nên cuộc sống người làm báo luôn thiếu trước hụt sau, tháng nào gia đình có việc hay con cái bị bệnh là phải lặp đi lặp lại cái điệp khúc: Ứng tiền tháng trước thanh toán vào tháng sau. Nhưng “Lửa thử vàng gian nan thử sức”, nhiều chuyến đi công tác như vậy đã giúp chúng tôi quen dần với những chuyến xe bão táp chạy bằng than, với những buổi thức khuya, dậy sớm, tập được cái tính gan dạ, không sợ bóng tối, dần dần khắc phục được cái tật hay say xe... Và không niềm vui nào bằng những nơi chúng tôi đến người dân, các cơ quan ban, ngành rất quý mến khi về họ quyến luyến, gửi tặng những món quà quê chỉ là những trái mít, ký tiêu, ký cà phê hái ở vườn nhà, thậm chí có nhà còn muốn cho heo con để “nhà báo đem về nuôi cải thiện”... khiến những người làm báo chúng tôi thật cảm động.

Nhiều kỷ niệm nghề nghiệp làm chúng tôi không thể nào quên: Do là phóng viên viết về lĩnh vực kinh tế, văn phong khúc chiết nhưng hơi khô khan lại lấy bút hiệu nam giới, nhiều bạn đọc nói “văn kỳ phong bất kiến kỳ hình” cứ tưởng tôi là phóng viên nam, khi có dịp gặp nhau họ ngỡ ngàng khi biết tôi là phụ nữ... Có một dạo khi đi cơ sở tôi biết được một công ty cao su đang thử nghiệm mô hình khoán sản phẩm đến người lao động, đây là mô hình khoán mới đầu tiên của ngành cao su và của tỉnh, sau nhiều lần về công ty để thực hiện bài viết, có những đêm tôi cùng vài đồng nghiệp của các tờ báo khác như thức trắng đêm để trao đổi, bàn bạc cách thể hiện bài viết, những ưu, khuyết điểm của mô hình. Khi bài viết được đăng, nhiều công ty khác đã tìm về học tập kinh nghiệm việc khoán sản phẩm của công ty này và nhiều năm sau nữa thực tế đã chứng minh cách khoán sản phẩm của công ty này đã đi đúng hướng và có hiệu quả, là đơn vị mở đầu cho xu hướng trả lương cho người lao động theo hướng làm theo năng suất, hưởng theo lao động... Nhưng cũng lắm khi viết bài phê phán thì người làm báo cũng gặp bao phiền muộn vì tâm lý đem góp ý những cái chưa tốt, chưa hay của người khác lên mặt báo thì người ta không hài lòng dù rằng những bài báo phê bình, góp ý hay chống tiêu cực lúc ấy hiền lành, nhẹ nhàng hơn bây giờ rất nhiều... Có lần qua thực tế nắm bắt từ các đơn vị cơ sở thuộc một ngành thương mại - dịch vụ của tỉnh, tôi đã thực hiện bài viết cảnh báo nếu không có sự thay đổi trong cách quản lý và hình thức kinh doanh thì ngành sẽ đi đến chỗ bế tắc và thua lỗ. Sau khi báo đăng, tôi được lãnh đạo quản lý ngành này “mời” đến để phê bình. Nhưng chỉ một thời gian sau ngành này thua lỗ nặng nề, nhiều cơ sở trực thuộc phải giải thể... khi gặp lại tôi, người lãnh đạo của ngành ấy đã xin lỗi vì tôi đã cảnh báo đúng. Âu đó cũng là cái hậu tốt đẹp của những người cầm bút...

Thoáng đó mà đã trở thành kỷ niệm, kể từ những ngày đầu tiên tôi thử bước vào nghề làm báo, vậy mà cái nghiệp làm báo đã song hành cùng tôi 30 năm. Những phóng viên đàn anh, đàn chị, những đồng nghiệp cùng thời của tôi giờ người đã mất, người trở thành lãnh đạo của tỉnh, người đã chuyển sang ngành nghề khác, chỉ một số ít theo nghề báo đến nay. Mỗi khi có dịp gặp lại nhau chúng tôi thường nhắc lại những kỷ niệm của thời làm báo gian khổ với những xúc động xen lẫn tự hào, tự hào vì tham gia nghề báo trong những năm tháng đất nước nói chung và tỉnh Sông Bé, sau này là Bình Dương nói riêng còn nhiều khó khăn cho đến thời kỳ kinh tế thị trường, cuộc sống đã được đầy đủ hơn, dư dả hơn... không phải là không có những thiếu sót, sơ suất khi tác nghiệp nhưng vượt qua những khó khăn cuộc sống, những cám dỗ đời thường kể cả những điều tiếng nghi ngờ, thị phi và cả ghen tị của người đời đối với người làm báo, nhất là nhà báo nữ chúng tôi vẫn giữ được cái tâm, đạo đức của người làm báo, góp phần cổ vũ, động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng và phát triển tỉnh nhà...

Bây giờ, thời của chúng tôi đã qua, hầu hết lớp người làm báo ngày ấy đã “lui vào hậu trường” của nghề với công tác biên tập nhưng ký ức những ngày làm báo đầu tiên chúng tôi không thể nào quên và nhắc lại kỷ niệm ngày trước để mừng cho thế hệ làm báo trẻ hiện nay: các bạn đã có nhiều thuận lợi hơn những thế hệ làm báo trước nhờ khoa học kỹ thuật, đời sống ngày càng nâng cao và phát triển với điện thoại di động ghi âm, chụp ảnh, với máy ảnh kỹ thuật số, máy laptop hiện đại, với internet không dây... do đó các bạn hãy cố gắng vững bước trên con đường mình đã chọn dù có lúc các bạn phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả và cả những chông gai của đời làm báo, nhất là đối với những nữ nhà báo, nhưng những nhà báo trẻ, các bạn hãy tiến lên để khẳng định mình với tâm niệm dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ gìn đạo đức của người làm báo...

VÕ HƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên