Kỷ vật sống trong bản tình ca người chiến sĩ

Cập nhật: 25-10-2012 | 00:00:00

Trong những trận chiến ác liệt, người chiến sĩ cách mạng ngoài lòng quả cảm, kiên cường, thông minh, sáng tạo còn nhờ sự trợ lực hết sức hữu hiệu của những loại vũ khí để giành thắng lợi. Khẩu súng K59 Quyết Thắng của đồng chí Nguyễn Bá Niên là một trong những kỷ vật như thế. Khẩu súng kiên cường này như là đồng đội thủy chung, đã theo sát đồng chí trong vô số những trận chiến hiểm nguy và lần lượt ghi từ chiến công này đến chiến công khác, hết sức vẻ vang.

Món quà quý giá

Đồng chí Nguyễn Bá Niên tên thật là Nguyễn Văn Trị, sinh năm 1919 tại xã Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một. Ngay từ khi còn trẻ, đồng chí đã sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng, tham gia xuyên suốt 30 năm qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Đồng chí từng giữ các chức vụ như Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thanh niên Cứu quốc, Trưởng Ban binh vận tỉnh Thủ Dầu Một, Trưởng Ban chỉ đạo phá ấp chiến lược Bến Tượng, Trưởng phòng dân quân khu miền Đông Nam bộ, Chỉ huy trưởng chiến dịch giải phóng đường 14 và lấp đoạn “sông máu” sông Sài Gòn, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn, ủy viên Ban Chấp hành Thành ủy TP.HCM. Sau ngày giải phóng, đồng chí được phân công giữ những nhiệm vụ quan trọng tại TP.HCM và tỉnh Sông Bé.  

Khẩu súng K59 Quyết Thắng và chiếc bao da đã cùng đồng chí Nguyễn Bá Niên trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ

Khẩu súng K59 của đồng chí được Khu ủy miền Đông Nam bộ cấp khi nhận nhiệm vụ Trưởng ban chống bình định khu, lấy ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng, huyện Bến Cát làm thí điểm. Lúc ấy, đồng chí Huỳnh Chí Mạnh, Bí thư Khu ủy trao cho khẩu súng với lời chúc toàn thắng. Đồng chí liền đặt tên cho mình là Quyết Thắng, đồng thời cũng đặt tên cho khẩu K59 cũng giống như tên mình là Quyết Thắng. Đây thật sự là món quà quý đã giúp cho ông có thêm niềm tin và sự quyết tâm giành chiến thắng trong trận chiến ác liệt sắp diễn ra tại ấp chiến lược Bến Tượng vào năm 1964 cùng vô số những kế hoạch tiêu diệt kẻ thù đang chờ phía trước.

Những chiến tích vẻ vang

Từ khi đồng hành với người cán bộ cách mạng, khẩu K59 đã lần lượt góp phần cùng các chiến sĩ tạo lập nhiều chiến công vang lừng. Trận chiến đánh phá ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng kéo dài trong suốt 92 ngày đêm cam go, ác liệt. Khẩu súng K59 đã cùng với người cán bộ cách mạng Nguyễn Bá Niên bắt sống tên Vĩnh, trưởng ấp ác ôn nhiều nợ máu với người trong ấp chiến lược Bến Tượng; nổ súng diệt tên Hầu Đề ác ôn đế kháng trước giờ san bằng ấp chiến lược Bến Tượng và khẩu súng K59 Quyết Thắng thay lời người chỉ huy trưởng nổ súng lệnh cho nhân dân trong ấp nổi dậy thực hiện chiến thuật hỏa công san bằng toàn bộ ấp chiến lược Bến Tượng, rồi đồng loạt kéo nhau về xóm cũ sản xuất, chiến đấu, địch không tái lập được. Sau thắng lợi vang dội tại ấp Bến Tượng, K59 tiếp tục theo Nguyễn Bá Niên lãnh đạo phá 12 ấp chiến lược trong tỉnh, 3 ấp chiến lược ở Trảng Bàng (Tây Ninh) và 1 ở Củ Chi (TP. HCM).

Chiến dịch Mậu Thân 1968, Bộ Chỉ huy tiền phương của Phân khu Bắc Gia Định đóng ở xã Bình Mỹ, lúc này do đồng chí Trần Văn Trà, Tư lệnh chiến dịch trực tiếp chỉ huy, không may đã bị địch phát hiện. Chúng tập trung truy sát, bắn trúng miệng hầm, nguy hiểm nhất là khi chiếc L19 rà sát mặt ruộng. Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, “Tôi chực chờ nó đến, rồi đưa khẩu K59 Quyết Thắng bắn thẳng vào nó, không biết trúng hay không, nhưng sau đó chiếc đầm già không còn trinh sát nữa, Bộ Chỉ huy cấp tốc trong hầm sơ tán bảo toàn được lực lượng”, đồng chí Nguyễn Bá Niên nhớ lại.

Khi đại quân tập kết ở vườn cau đỏ Quới Xuân, đồng chí Năm Sài Gòn, chỉ huy trưởng bị Pháp bắn hy sinh. Đồng bào tại chỗ phát hiện 2 tên gián điệp chỉ điểm cho pháo địch. Lập tức Nguyễn Bá Niên đã dùng K59 Quyết Thắng bắt sống 2 tên gián điệp diệt chúng trong hầm vừa mới đào xong, bảo đảm bí mật cho đại quân trước giờ tiến quân. Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, Mỹ phản kích điên cuồng, Nguyễn Bá Niên cùng các đồng chí bám trụ ở xã Đôn Thuận, Cầu Xe (Tây Ninh) bị Mỹ càn phát hiện hầm bí mật, nguy hiểm đến nơi, không quyết tử thì hy sinh. Con chó bẹc-giê cào sủa gần sát nắp hầm, đồng chí hé nắp hầm bắn chết con chó, còn chiến sĩ Đông cận vệ bắn chết tên lính Mỹ trinh sát, lập tức tung lên khỏi hầm bí mật để tự cứu an toàn.

Tháng 4 và 5-1972, thực hiện chỉ đạo của Trung ương cục “bằng mọi giá giữ cho được trung tuyến Bắc Gia Định”. Trung tuyến lúc bấy giờ gồm Dầu Tiếng, Bến Cát, Củ Chi, Trảng Bàng, muốn giữ được phải giải phóng đường 14, lấp đoạn sông máu từ Rạch Bắp đến Cần Nôm. Quyết tâm của Phân khu ủy là bằng mọi giá giải phóng 20km đường 14 thuộc xã Thanh An, Thanh Tuyền nên phân công đồng chí Nguyễn Bá Niên thường vụ PK11 chịu trách nhiệm. Sau 30 ngày chuẩn bị, vào giữa tháng 4-1972, với khẩu súng K59 Quyết Thắng đã nổ súng lệnh cho chiến sĩ và nhân dân đồng loạt tấn công giải phóng 20km đường 14, giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 1-5-1972, lấp con sông máu nối liền 2 bờ đông tây sông Sài Gòn. Đồng chí Nguyễn Văn Linh (Trung ương Cục) về xã Thanh An, Phú Mỹ Hưng tiếp cận chiến trường để lãnh đạo, chuyển thế, chuyển vùng ở địa bàn Củ Chi để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh rất cấp thiết. Thường vụ Thành ủy Sài Gòn Gia Định phải giải phóng và giữ cho được 20 nền đồn. Huyện ủy, các xã quyết tâm san bằng giữ 40 nền đồn. Đồng chí Nguyễn Bá Niên thay mặt Thành ủy bắn 10 phát súng K59 Quyết Thắng để tuyên thệ. Kết quả san bằng giữ 50 nền đồn trước ngày chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày khai sinh Trung đoàn Gia Định I để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh 4-1975. Trước trung đoàn, đồng chí thay mặt Thành ủy nói: “Bộ đội cụ Hồ chỉ biết thắng”, “Chiến dịch Hồ Chí Minh nhất định thắng”. Sau phát biểu, đồng chí dùng khẩu súng Quyết Thắng bắn 10 phát chỉ thiên tuyên thệ. Trung đoàn Gia Định I hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử...

Sắt son

Những chiến tích của các chiến sĩ đã tạo nên trang sử hào hùng trong đấu tranh giành độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc. Chiến tranh đã qua đi, những giây phút hiểm nguy chiến đấu với kẻ thù cũng lùi dần vào trong quá khứ, nhưng khẩu súng K59 Quyết Thắng vẫn được Nguyễn Bá Niên yêu quý, trân trọng gìn giữ như kỷ vật không thể xa rời. Đồng chí nói: “Trong thời kỳ kháng chiến, nhất là thời kỳ chống Mỹ vô cùng ác liệt, khẩu súng K59 Quyết Thắng là người bạn chiến đấu kiên cường, chung thủy với tôi, tôi không thể xa nó, do vậy xin Sở Công an TP.HCM cho phép tôi giữ nó đến chết”. Đó còn là thể hiện của một mối tình sắt son trong những lúc vui buồn, hiểm nguy gian khổ đều có nhau giữa đồng chí và kỷ vật K59 Quyết Thắng. Mãi đến ngày 14-10-1999, khi Bảo tàng Bình Dương đề nghị được mang khẩu K59 về trưng bày, gìn giữ, lưu lại cho mai sau, đồng chí đã yên tâm trao lại vì sự nghiệp giáo dục, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ tiếp nối, lúc này đồng chí đã 80 tuổi.

Khẩu K59 Quyết Thắng đã chung thủy, sắt son, không lùi bước trước kẻ thù hung bạo, mang lại sự yên ấm, hòa bình cho thế hệ hôm nay, xứng đáng được tôn vinh là kỷ vật sống cùng năm tháng trong bản tình ca anh hùng của người chiến sĩ.

NGỌC TRINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên