Sau thời gian đi vào hoạt động, đến nay mô hình Đội Cơ động xử lý sự cố giao thông đã phát huy được hiệu quả đáng mừng. Theo đánh giá của lãnh đạo công an các địa phương, lực lượng này đã có sự đóng góp nhất định, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm cũng như phối hợp có hiệu quả trong việc xử lý sự cố giao thông.
Đội Cơ động xử lý sự cố giao thông ở Bình Dương là một mô hình mới, do lãnh đạo công an các địa phương quản lý và điều hành trực tiếp. Được ra mắt vào tháng 4-2022 ở một số địa bàn trọng điểm có tình hình giao thông phức tạp, đến nay mô hình này đều được thành lập ở tất cả 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh với 165 thành viên.
Đội Cơ động xử lý sự cố giao thông được thành lập với nhiệm vụ ứng trực bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT); tiếp nhận, xử lý tin báo; phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự ATGT. Khi xảy ra các vụ việc có liên quan đến sự cố ATGT, các thành viên trong đội phải nhanh chóng đến hiện trường, phối hợp với CA địa phương và các lực lượng khác tổ chức cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn, điều tiết, phân luồng, khắc phục sự cố. Trao đổi với PV, Trung tá Trần Phương Toàn, Phó Trưởng Công an TX.Tân Uyên, cho biết thời gian qua các thành viên của Đội Cơ động xử lý sự cố giao thông ở địa phương đã có sự đóng góp nhất định cho công tác của các đơn vị nghiệp vụ. Cụ thể là lực lượng này hỗ trợ điều tiết giao thông ở khu vực trọng điểm, khi phát hiện trường hợp vi phạm thì thông báo cho đội tuần tra xử lý kịp thời. Nhờ vậy mà lực lượng CSGT được giảm tải công việc, tình hình giao thông ở địa phương đã có sự chuyển biến đáng mừng.
Để phát huy hiệu quả của mô hình này, Phòng CSGT Công an tỉnh đã mở lớp tuận huấn nhằm trang bị kiến thức cho các thành viên. Song song đó các địa phương luôn tạo điều kiện để các anh thực hiện nhiệm vụ của mình.
Một mô hình khi mới ra đời luôn mang trên vai một “sứ mệnh” cũng như sự kỳ vọng. Thời gian qua đã chứng minh các mô hình huy động sức dân vào công tác giữ gìn an ninh trật tự ở Bình Dương đã phát huy được hiệu quả và trở thành “điểm sáng” trong phong trào của cả nước. Cụ thể như Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm, hiện đã được thành lập ở 91 xã, phường, thị trấn; Đội Công nhân xung kích giữ gìn an ninh trật tự trong doanh nghiệp, hiện có hàng ngàn doanh nghiệp đã thành lập… Với Đội Cơ động xử lý sự cố giao thông, hy vọng sẽ phát huy được hiệu quả hơn nữa và trở thành một “điểm sáng” trong việc huy động sức dân nhằm bảo đảm an toàn giao thông, một vấn đề mang tính cấp bách hiện nay.
L.T.PHƯƠNG