Kỳ vọng từ Chicago

Thứ bảy, ngày 24/08/2024

(BDO) Một đại hội toàn quốc chưa từng có của đảng Dân chủ đã được tiến hành ở thành phố Chicago, bang Illinois (Mỹ), từ ngày 19-22.8.

Chỉ một tháng trước, các thành viên đảng Dân chủ còn lo sợ sẽ phải chịu thất bại nặng nề đến mức gây sức ép buộc Tổng thống Joe Biden dừng tranh cử, hiện lại được tiếp thêm sinh lực với việc "phó tướng" Kamala Harris ra ứng cử. Đảng Dân chủ cũng tràn đầy lạc quan rằng có thể giành lại đa số tại Hạ viện nếu chiến thắng tại các cuộc bầu cử quan trọng ở các bang New York và California, đồng thời nhìn thấy cơ hội có được các ghế nghị sĩ của đảng Cộng hòa ở các bang khác, bao gồm cả Arizona và Pennsylvania.


Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ ở thành phố Chicago, bang Illinois ngày 20/8/2024.

Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ năm nay có sự tham gia của gần 7.000 đại biểu chính thức và đại biểu dự khuyết, với chủ đề bao trùm “Vì người dân, vì tương lai chúng ta” nhằm thể hiện cương lĩnh tranh cử vì lợi ích tốt nhất, quyền tự do và tương lai của người dân Mỹ, đồng thời nhấn mạnh những thành tựu của chính quyền Tổng thống Biden. Chủ đề mỗi ngày làm việc của đại hội cũng tập trung phản ánh thông điệp này mạnh mẽ hơn, với các chủ đề lần lượt là "Vì người dân", “Tầm nhìn táo bạo cho tương lai của Mỹ”, “Cuộc chiến vì tự do” và “Vì tương lai của chúng ta”.

Tại phiên khai mạc, Tổng thống Biden đã củng cố sự đề cử của đảng Dân chủ cho Phó Tổng thống Harris khi chính thức "trao ngọn đuốc" cho cấp phó của mình trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Đánh giá về điều này, giới chuyên gia nhận định đây là quyết định khó khăn nhưng đúng đắn, mang lại cơ hội chiến thắng cho đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Trước khi tuyên bố dừng tranh cử vào ngày 21/7, tương quan cuộc đua giữa ông Biden và ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump dường như đang có phần nghiêng về đối thủ. Tuy nhiên, sau khi ông Biden rút lui và được đề cử thay thế, bà Harris đã nhập cuộc và nhanh chóng giúp phe Dân chủ xoay chuyển tình thế, cục diện vận động tranh cử. Kết quả của cuộc thăm dò dư luận mới do kênh truyền hình ABC News, nhật báo Washington Post và hãng khảo sát Ipsos thực hiện từ ngày 9 - 13/8 thậm chí cho thấy ứng cử viên của đảng Dân chủ đang dẫn trước đối thủ đến từ đảng Cộng hòa 5 điểm phần trăm trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng.

Mặc dù chỉ mang tính thủ tục, đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ đã chính thức xác nhận Phó Tổng thống Harris và Thống đốc bang Minnesota Tim Walz là bộ đôi liên danh tranh cử tổng thống năm 2024, đồng thời phác thảo tầm nhìn của đảng này về tương lai của nước Mỹ. Giới quan sát nhận định bà Harris cùng ông Walz đã tạo nên sự tương phản rõ rệt so với bộ đôi đối thủ thuộc đảng Cộng hòa là Trump và JD Vance. Bà Harris là gương mặt đại diện cho nỗ lực thúc đẩy quyền phá thai của phụ nữ, đang nắm giữ một số lợi thế rõ ràng khi nằm trong danh sách ứng cử viên chiến thắng vào năm 2020 và là người nhận được hàng triệu phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2024. Trong khi đó, với quyết định lựa chọn ông Walz, đảng Dân chủ kỳ vọng sẽ củng cố sự ủng hộ của bộ phận cử tri nam giới da trắng thuộc tầng lớp lao động - nhóm cử tri đóng vai trò then chốt, có thể giúp đảng này chiến thắng tại các bang chiến địa như Wisconsin, Michigan và Pennsylvania.

Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ cũng thông qua cương lĩnh chính trị, vốn đã được công bố vài ngày trước, với kỳ vọng sẽ giúp huy động lực lượng và thu hút cử tri trong bối cảnh những thay đổi về liên danh tranh cử đang tạo ra luồng gió mới. Cương lĩnh nêu lên hàng loạt ưu tiên chính sách của đảng này, bao gồm kêu gọi đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất; giảm thuế cho các gia đình lao động trong khi yêu cầu các tập đoàn lớn và người giàu "phải đóng phần công bằng của họ"; cũng như chống biến đổi khí hậu. Các nội dung khác đề cập nỗ lực giảm chi phí các mặt hàng tiêu dùng như thực phẩm, nhà ở và chăm sóc sức khỏe, với những thuật ngữ tương tự nội dung chương trình nghị sự kinh tế của bà Harris. Trong cương lĩnh cũng có những lời kêu gọi bảo vệ quyền phá thai, khôi phục các chuẩn mực dân chủ và chống bạo lực súng đạn.

Điểm nhấn cuối cùng của đại hội là bài phát biểu nhận đề cử của bà Harris, nhấn mạnh thông điệp đoàn kết, khẳng định rằng liên danh tranh cử của bà sẽ đưa nước Mỹ tới một kỷ nguyên tươi sáng và nhiều hy vọng hơn. Giống như chiến dịch tranh cử tổng thống của mình cho đến nay, bài phát biểu của bà Harris tập trung nhiều vào nguyên tắc và ít đi vào các chi tiết cụ thể, phác thảo những nét chính trong chương trình nghị sự chính sách của mình, bao gồm bảo vệ quyền bỏ phiếu và quyền sinh sản, cũng như cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và ủng hộ Ukraine. Phó Tổng thống Mỹ cũng cam kết sẽ đặt lợi ích đất nước lên trên lợi ích đảng phái và cá nhân, kêu gọi đoàn kết thay vì chia rẽ để hướng tới thành công. Bà cũng đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về quyền tự vệ của Israel, đồng thời nhấn mạnh đến nỗi thống khổ của người dân ở Dải Gaza và yêu cầu cấp thiết về một lệnh ngừng bắn. Kênh truyền hình CNN nhận định bà đã có một diễn văn ấn tượng và đi vào lịch sử nước Mỹ với tư cách nữ chính khách da màu đầu tiên, một người Mỹ gốc Á đầu tiên, trở thành ứng cử viên tổng thống.

Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng đối với đảng này cũng như đối với các ứng cử viên mới của đảng. Sau khi tiếp quản vị trí ứng cử viên của Tổng thống đương nhiệm Biden chỉ một tháng trước, giờ đây bà Harris phải thuyết phục một quốc gia bị chia rẽ, dù đang có sự nhìn nhận tích cực hơn đối với bà nhưng vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai vào tháng 11 tới. Cùng với đó là những câu hỏi thực sự đang nảy sinh liên quan sự ủng hộ mới dành cho bà Harris, liên danh tranh cử của bà và sức mạnh của “phong trào Harris”. Trong khi đó, bên phía đảng Cộng hòa, ứng cử viên Trump cũng tiến hành các cuộc vận động tranh cử tại một số bang chiến địa, đồng thời tìm cách điều chỉnh chiến dịch vận động để phù hợp với đối thủ là bà Harris.

Theo TTXVN