Một số xã đã “lột xác” nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng chuyên canh tập trung, hay chuyển đổi nhỏ lẻ theo hộ gia đình đều được dựa trên việc phát huy lợi thế thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu và mang lại hiệu quả cao.
Người dân linh hoạt chuyển đổi cây trồng từ vườn cây đã suy kiệt để cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong ảnh: Vườn sầu riêng trang trại Hiếu Hằng (ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm) được trồng mới thay thế vườn cam, bưởi, chuẩn bị vụ thu hoạch đầu tiên
Không chạy theo “phong trào”
Xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên), từ một vùng quê nghèo thu nhập chủ yếu dựa vào cây tràm, tận dụng lợi thế nằm ven sông Đồng Nai và sông Bé để phát triển cây ăn trái có múi tạo nên thương hiệu cam, quýt, bưởi Bắc Tân Uyên. Xã Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng) chuyển đổi từ cây cao su kém hiệu quả sang trồng măng cụt đã hình thành nên vùng chuyên canh trồng măng cụt Dầu Tiếng ven sông Sài Gòn. Cù lao Thạnh Hội (TX.Tân Uyên) trước đây chuyên trồng hành nay được thay thế bằng màu xanh bạt ngàn của cây bạc hà…
Đầu tháng 3 chúng tôi trở lại trang trại Hiếu Hằng (ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm). Trên mảnh vườn hơn 2 ha trồng bưởi, cam từ năm 1997 của gia đình chị Bùi Thúy Hằng đã được thay thế bằng vườn sầu riêng đang ở giai đoạn ra bông. Chị Hằng cho biết vườn này có từ thời ông bà để lại. Sau gần 19 năm, vườn cây ăn trái trở nên già cỗi, đất đai suy kiệt khiến việc trồng lại cam, bưởi không phát triển được nên gia đình chặt bỏ và hoàn thiện vườn sầu riêng vào năm 2018 với khoảng 700 gốc kết hợp trồng xen canh 1.200 cây mai. Chị Hằng cho biết thêm: “Cây trồng chủ lực của gia đình là cam, bưởi, quýt đường với tổng diện tích 20 ha được phân bổ thành nhiều mảnh vườn khác nhau. Chỉ vườn nào không thể tận thu được nữa thì mới chuyển sang trồng loại cây mới để nâng cao hiệu quả kinh tế chứ không chạy theo thị trường chặt bỏ cam, bưởi để trồng sầu riêng”.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Thành Công, ấp 6, xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên) chủ yếu canh tác, sản xuất cây ăn trái có múi và trồng tràm. Sau khi 5.000m2 diện tích đất trồng tràm đã đến thời kỳ thanh lý, được sự tư vấn của ngành nông nghiệp địa phương, ông Công mạnh dạn thử nghiệm trồng 450 gốc tre tứ quý được Nhà nước hỗ trợ 50% thiết bị tưới tự động. “Mới trồng được 4 tháng nhưng tre phát triển khá tốt và chuẩn bị cho ra măng. Nếu trồng hiệu quả và thành công tôi sẽ mở rộng thêm, áp dụng công nghệ sấy khô để chế biến măng. Song song đó, vẫn duy trì và phát triển vườn cây ăn trái để đa dạng thu nhập, tránh rủi ro”, ông Công tâm sự.
Chuyển đổi phải phù hợp
Theo ông Huỳnh Hữu Tấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên, trung tâm sẽ tư vấn, hỗ trợ nông dân trồng loại cây nào phù hợp trên cơ sở khảo sát quỹ đất sản xuất, địa thế, thổ nhưỡng, phân tích kỹ về hiệu quả kinh tế. Chỉ khuyến cáo người dân thay đổi cây trồng khi đầu ra quá thấp, không có lợi nhuận hoặc vườn quá suy kiệt. Ngoài ra, huyện cũng triển khai áp dụng nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao hiệu quả, phát triển nông nghiệp bền vững. Điển hình như giải pháp phòng trừ hiện tượng vàng lá suy kiệt trên cây có múi bằng phương pháp đưa thuốc trực tiếp lưu dẫn trong thân cây, kết quả hồi phục khá tốt, đạt 100% trên cây cam ở nghiệm thức nano bạc, trên cây bưởi đạt trên 70%. Phương pháp này có thể giúp người nông dân khai thác vòng đời cây bưởi lên tới 25 năm.
Là xã thuần nông, thu nhập chính của người dân xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên) chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Theo lãnh đạo xã, trên địa bàn hiện nay có một số diện tích đất lúa chỉ sản xuất một mùa vụ, đầu ra quá thấp nên hướng dẫn người nông dân chuyển đổi sang một giống cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, gắn với ứng dụng công nghệ cao.
Ông Phạm Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Tân, cho biết định hướng của xã sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng các loại cây trồng. Cụ thể, những vùng đất thiếu nước, bạc màu sẽ tận dụng để trồng tre lấy măng, những vùng đất tốt còn lại trồng các loại cây ăn trái. Chính quyền và người dân xã Thường Tân rất kỳ vọng việc chuyển đổi cây trồng sẽ mang lại sức bật mới.
Cây bưởi, cây cam không phải là cây chủ lực của xã Thường Tân trước đây. Thấy có hiệu quả, một số người dân trồng cây cao su đến thời kỳ thanh lý đã học hỏi kinh nghiệm đem giống cam, bưởi về trồng trên đất Thường Tân. Sự chuyển đổi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, nhiều gia đình khá hơn nhờ cây có múi.
TIẾN HẠNH