Kỳ vọng xuất nhập khẩu khởi sắc trở lại

Cập nhật: 23-05-2023 | 08:52:44

Nhiều doanh nghiệp (DN) đang kỳ vọng hoạt động xuất nhập khẩu sớm sôi động trở lại, giao thương thông thoáng, không còn bị giới hạn bởi những quy định về dịch bệnh hoặc xuất phát từ những xung đột chính trị.

 Doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất, tìm kiếm đơn hàng để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Takako Việt Nam

 Những con số lạc quan

Theo Sở Công thương, 4 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa Bình Dương nghiêng về hướng xuất siêu với 2.828,4 triệu USD. Đây là con số của sự nỗ lực và cố gắng lớn của các cấp, các ngành và cộng đồng DN. Trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nước xuất siêu 850,6 triệu USD, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu 1.977,8 triệu USD.

Hoạt động xuất khẩu của tỉnh Bình Dương trong tháng 4-2023 vẫn còn gặp nhiều khó khăn, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các thị trường xuất khẩu chính của tỉnh tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ lạm phát, xung đột Nga - Ukraine, nhu cầu tiêu dùng thấp. Từ đó, dẫn đến số lượng các đơn hàng của các ngành chủ lực giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, nhất là ngành chế biến gỗ.

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các DN trong tỉnh, ngành chức năng của tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho DN. Đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa, rút ngắn thời gian và chi phí khi làm thủ tục thông quan; tập trung hỗ trợ DN đẩy mạnh thương mại điện tử, tiếp cận kênh thông tin về xuất khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới; theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu để khai thác... là các giải pháp đang được thực hiện.

Trị giá kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4-2023 ước đạt 3.258,3 triệu USD, tăng 19,8% so với tháng trước. Mỹ là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất của tỉnh với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3.942,6 triệu USD, chiếm 38,9% kim ngạch xuất khẩu. Thị trường EU đạt 1.277,6 triệu USD, tương ứng chiếm 12,6%, giảm 8,3%; Nhật Bản đạt 906,7 triệu USD, chiếm 8,9%, giảm 24,7%; Hàn Quốc đạt 789,7 triệu USD, chiếm 7,8% giảm 32,5%... 4 tháng đầu năm 2023 các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như sản phẩm gỗ ước đạt 1.469,1 triệu USD, hàng dệt may đạt 798,4 triệu USD, hàng giày da đạt 630,4 triệu USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 495,3 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ…

Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu vẫn là máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử và một số nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tỉnh, với kim ngạch đạt 2.820,5 triệu USD, chiếm 38,6% kim ngạch nhập khẩu, giảm 19,6% so với cùng kỳ; Nhật Bản đạt 945,4 triệu USD, tương ứng chiếm 12,9%, tăng 8,7%; Đài Loan đạt 655,7 triệu USD, chiếm 9%, giảm 14,2%... Sự tăng giảm đan xen trong lĩnh vực nhập khẩu cho thấy các DN vẫn nỗ lực để chuẩn bị nguồn cung nguyên liệu, máy móc với kỳ vọng một ngày gần nhất xuất khẩu sẽ khởi sắc trở lại.

Kỳ vọng vượt khó

Theo bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty Cơ khí Kim Chung (TP.Tân Uyên), DN chuyên sản xuất ron cơ khí xuất khẩu sang các thị trường: Nhật, châu Âu… Thời gian qua, công ty không bị ảnh hưởng giảm đơn hàng nhưng tiến độ vận chuyển, xuất - nhập hàng hóa tại các nước chậm hơn bình thường khiến cho chi phí vận chuyển tăng lên, đây cũng là những vấn đề gây ảnh hưởng đến DN. Bà Kim Chung mong tình hình khó khăn qua mau để các hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa được bình thường trở lại, DN vận chuyển hàng hóa đến các đối tác nhanh hơn.

Các DN khác có đơn hàng sản xuất vừa bảo đảm được việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với cơ quan Nhà nước, vừa bảo đảm việc làm cho công nhân lao động. Ông Majima Toshihiro, Tổng Giám đốc Công ty Takako Việt Nam (VSIP 1), cho biết hiện công suất nhà máy đạt 100% so với bình thường. Tuy nhiên, rất nhiều thử thách đang ở phía trước. Khi đơn hàng mới về là một sự thử thách rất lớn về công suất, hiệu quả công việc mà DN chúng tôi phải đối mặt. Tuy vậy, chúng tôi xác định phải vượt qua, không phải cứ có lãi mới làm, phải chia sẻ để cùng nhau vượt khó. Bình Dương là nơi đầu tư tốt nên chúng tôi hoạt động mang tính bền vững.

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Đây là tín hiệu vui cho phép hầu hết quốc gia trở lại cuộc sống bình thường như trước đại dịch, tạo cơ hội vực dậy nền kinh tế thế giới đang điêu đứng suốt thời gian qua. Theo Sở Công thương, đại dịch Covid-19 vốn là một trong những tác nhân lớn nhất tạo nên suy thoái kinh tế như hiện nay. Do đó, khi đại dịch không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, các hoạt động giao thương giữa các nước trên thế giới sẽ được kết nối, các nhu cầu chi tiêu trong cuộc sống tăng trở lại, kích thích các hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=11488
Quay lên trên