9g sáng nay 27-6 (giờ VN), 2,5 triệu cử tri bắt đầu đi bầu trong một cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp mới nước Cộng hòa Kyrgyzstan, hợp thức hóa chính phủ lâm thời, tăng cường quyền lực của quốc hội và giảm bớt quyền lực của tổng thống.
Hiện mọi sự chú ý đang đổ dồn về Osh, thành phố lớn thứ hai của Kyrgyzstan, nơi xảy ra bạo loạn sắc tộc tồi tệ nhất trong 20 năm qua giữa cộng đồng đa số người Kyrgyz và cộng đồng thiểu số người Uzbek.
Hôm qua, chính quyền Kyrgyzstan đã bãi bỏ lệnh giới nghiêm. Tổng thống lâm thời - bà Roza Otunbayeva nhận định: "Tình hình ở miền nam Kyrgyzstan vẫn còn căng thẳng nhưng chúng tôi có khả năng bảo đảm an ninh cho người dân đi bầu”. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát quốc tế, tình hình hiện nay vẫn còn ẩn chứa nhiều nguy cơ.
AFP dẫn thông báo của tổ chức nhân quyền HRW cho biết quyết định tổ chức trưng cầu ý dân của chính quyền lâm thời bất chấp yêu cầu hoãn lại của một số thành viên chính phủ có thể làm tình hình “càng thêm mong manh vì chính phủ chưa thông báo các biện pháp bảo đảm những người tị nạn và những người mất giấy tờ do bạo loạn có thể đi bầu. Điều này làm dấy lên nỗi lo cuộc trưng cầu ý dân có thể kích động một đợt bạo loạn mới”.
Tổ chức Hợp tác và an ninh châu Âu (OSCE), cơ quan chuyên theo dõi các cuộc bầu cử chủ yếu của phương Tây, hôm qua tuyên bố đã hủy kế hoạch gửi 300 quan sát viên đến Kyrgyzstan vì lý do an ninh.
Theo Euronews, bà Otunbayeva cho rằng nếu 40% cử tri tham gia cuộc bỏ phiếu thì coi như thành công. Chính quyền lâm thời của bà Roza Otunbayeva sẽ có điều kiện pháp lý để thành lập nền dân chủ nghị viện đầu tiên ở Trung Á.
Tuy vậy, có một điều khó biết là liệu có đạt được 40% hay không và chưa biết 2,5 triệu cử tri sẽ hành xử ra sao. Một số người sợ bạo loạn tái diễn, một số người khác cho rằng dù có bầu cử thì cuộc sống hằng ngày của họ vẫn không thay đổi.
Trước đó, ngày 25-6, gần 2.000 lính Kyrgyzstan đã đi bỏ phiếu sớm hai ngày tại một trường đại học ở thành phố Osh, miền nam Kyrgyzstan, nơi xảy ra cuộc bạo loạn sắc tộc khiến 2.000 người chết và 400.000 người Uzbek bỏ nhà cửa chạy về phía biên giới Uzbekistan tìm chỗ tị nạn.
Cuộc trưng cầu ý dân này được Nga và Mỹ, hai nước có căn cứ quân sự tại Kyrgyzstan, quan tâm đặc biệt.
Nhật báo Nga Moscow Times cho biết từ Washington, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đang viếng thăm Mỹ tuyên bố: "Chúng tôi hi vọng tiến trình bầu cử sẽ tạo ra một chính phủ có khả năng giải quyết những vấn đề mà Kyrgyzstan đang đối mặt. Nếu thất bại, Kyrgyzstan có nguy cơ suy thoái và phân rã. Trong tình hình đó, những kẻ cực đoan có thể chiếm chính quyền và chúng ta sẽ phải giải quyết những vấn đề mà chúng ta đang đối phó ở các khu vực khác, ví dụ như Afghanistan”.
Philip Crowley, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, nói Washington vẫn hi vọng cuộc bầu cử diễn ra “công bằng và minh bạch”.
Ông Nikolai Bordyuzha, tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể bao gồm các nước thuộc Liên Xô trước đây, cho biết đã triển khai trực thăng và xe thiết giáp ở Kyrgyzstan để hỗ trợ cuộc trưng cầu ý dân này.
Thách thức lớn nhất của các nhà lãnh đạo lâm thời là tổ chức trưng cầu ý dân ở Osh và miền nam nghèo khó cách biệt với miền bắc công nghiệp hóa bằng một dải núi. Chính phủ lâm thời hiện không kiểm soát được hoàn toàn Osh, thành phố lớn thứ hai của Kyrgyzstan và Jalal-Abad vốn còn rất nhiều người ủng hộ cựu tổng thống Bakiyev.
Tại Osh có 82 phòng phiếu và 150.000 cử tri, theo lời ông Mukhtar Paizyldayev, chủ tịch ủy ban bầu cử địa phương. Nhưng với tình hình an ninh chưa ổn định và khoảng 400.000 người Uzbek đã bỏ chạy, cuộc bỏ phiếu ở đây rất khó khăn, có thể sẽ có phá hoại.
Hơn thế nữa, theo Reuters, các phòng phiếu chỉ tập trung ở nội thành, không có phòng phiếu nào ở ngoại ô, nơi sinh sống chủ yếu của người Uzbek. Các quan chức địa phương cho biết các phòng phiếu di động được quân đội hộ tống sẽ được triển khai ở ngoại ô. Tuy nhiên, việc này có thể kích động bạo loạn bởi quân đội Kyrgyzstan vừa tiến hành một loạt cuộc càn quét ngoại ô Osh trong tuần này.
Trong khi đó, Hãng tin AP dẫn nguồn tin chính phủ lâm thời cho hay 74.000 người Uzbek chạy qua nước Uzbekistan để tị nạn đã quay trở về. Chỉ còn khoảng 800 người bị thương hoặc đau ốm chưa về được. Điều này, theo Chính phủ Kyrgyzstan, chứng tỏ an ninh ở khu vực đã được tái lập, người Uzbek có thể yên tâm tham gia trưng cầu dân ý.
Tuy nhiên, Tổ chức Ân xá quốc tế chỉ trích chính quyền Uzbekistan xua đuổi người tị nạn Uzbek. Theo Reuters, nhiều người Uzbek trở về trong khi nhà cửa tan hoang, không còn hứng thú đi bầu.
Cuộc trưng cầu ý dân này nếu diễn ra êm đẹp, tháng 9 tới chính phủ lâm thời sẽ tổ chức bầu cử quốc hội trong nỗ lực xây dựng một chính phủ thường trực càng sớm càng tốt.
(THEO TUỔI TRẺ)