“Có gì giúp nấy” là cách mà anh Nguyễn Tuấn Dương, một người làm tóc ở phường An Thạnh, TP.Thuận An tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua. Chính vì thế, anh mang nghề nghiệp của mình làm đẹp cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Không chỉ dừng lại ở đó, trong lúc địa phương tuyển tình nguyện viên hỗ trợ cho đội hình test nhanh, hỗ trợ các điểm tiêm vắc xin thì vợ chồng anh Dương và em cháu trong nhà lại đồng lòng đăng lý làm tình nguyện một cách nhiệt tình.
Anh Nguyễn Tuấn Dương trong một lần tham gia hỗ trợ tiêm vắc xin tại địa phương
“Có gì giúp nấy”
Anh Nguyễn Tuấn Dương chia sẻ: “Giữ nghề, truyền nghề và làm những điều tốt đẹp cho đời bằng nghề là mình mong muốn. Bởi nghề tóc của tôi giữ và phát triển đến nay đã là đời thứ 3. Tất cả đều xuất phát từ tình yêu, sự sẻ chia và đam mê làm tóc từ đời ông nội. Cứ thế đam mê được chia lửa và tôi cùng vợ tiếp tục làm nghề tóc. Khi có dịch bệnh, biết lực lượng tuyến đầu cần cắt tóc, tôi muốn làm điều tốt đẹp cho đời bằng tình yêu với nghề làm tóc của mình”.
Những ngày thực hiện giãn cách, các cửa hiệu cắt tóc phải đóng cửa. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, anh Dương xung phong ra giúp cắt tóc cho các thành viên thuộc lực lượng tuyến đầu. Để bảo đảm an toàn cho mọi người, anh Dương phải thực hiện test Covid-19 đều đặn, bảo đảm sức khỏe tốt thì mới dám xông pha giúp mọi người. Anh Dương thường nói với chúng tôi: “Có gì giúp nấy”, chính vì thế, anh mang nghề nghiệp của mình làm đẹp cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Không chỉ dừng lại ở đó, trong lúc địa phương tuyển tình nguyện viên hỗ trợ cho đội hình test nhanh, hỗ trợ các điểm tiêm vắc xin thì vợ chồng anh Dương và em cháu trong nhà lại đồng lòng đăng lý làm tình nguyện một cách nhiệt tình.
Với tinh thần của một người tình nguyện, anh Nguyễn Tuấn Dương hăng say cùng đội nhóm làm nhiệm vụ tại các điểm test, hỗ trợ các điểm tiêm vắc xin… Thế rồi, một ngày anh nhận được kết quả dương tính với Covid-19. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng lo lắng, hoang mang là điều khó tránh khỏi, anh Dương tự trấn an rằng sẽ vượt qua và xác định trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẽ tiếp tục tham gia phòng, chống dịch. Trong lúc chờ kết quả khẳng định tại khu cách ly trung chuyển tại trường Tiểu học Lý Tự Trọng, anh tiếp tục cùng vợ làm công tác tình nguyện tại đây bằng các hoạt động hỗ trợ tại chỗ trong khu cách ly như lập danh sách, theo dõi, bố trí chỗ ở tạm thời cho những người mắc Covid -19 giống mình.
Anh Dương nói: “Thời điểm đó, khu cách ly còn sơ sài do chuẩn bị gấp gáp quá. Trong khi đó, F0 được đưa vào đây ngày một nhiều. Tâm lý người bệnh đã không thoải mái càng thấy bất an hơn. Chính vì vậy, vợ chồng tôi bắt tay vào phụ việc trong khu cách ly này”. Anh Dương nhớ lại, thời điểm đó, anh chứng kiến nhiều trường hợp trở nặng bất thường, nếu không có oxy và các loại thuốc hỗ trợ sẽ rất khó khăn trong công tác điều trị. Chính vì thế, anh Dương đã đề nghị lên phường để ứng cứu kịp thời. Anh Dương nói: “Cũng may mình là F0 không triệu chứng nên vẫn còn có sức khỏe. Không chủ quan, lơ là, mỗi sáng cứ 5 giờ 30 phút, vợ chồng tôi đánh thức mọi người dậy để tập thể dục, rồi xông, khò nước muối… Đấy là cách mà tự mình chữa trị khi không may trở thành F0”.
Anh Trương Văn Sinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Thạnh, TP.Thuận An, chia sẻ: “Thời gian qua, vợ chồng anh Nguyễn Tuấn Dương đã đồng hành với địa phương chống dịch rất tuyệt vời. Cách mà vợ chồng anh đồng hành đã làm cho nhiều người ngưỡng mộ. Trước hết, đó là sự ân cần, chịu khó và quyết tâm cùng địa phương đẩy lùi dịch bệnh. Sau đó, là cách anh mang nghề nghiệp của mình đến với mọi người cũng hết sức dễ thương…”.
Sẻ chia với đời
Sau một thời gian, mọi thứ dần ổn định, vợ chồng anh Dương cũng đã hoàn thành cách ly, điều trị. 2 vợ chồng lại thống nhất nán lại để ghi những nội quy chung tại khu cách ly này, rồi mới có thể yên tâm về nhà. Bởi, chính những nguyên tắc đó sẽ góp phần làm cho người bệnh có ý thức và vững vàng hơn, dù chỉ là nơi cách ly tạm thời.
Với tinh thần của một người tình nguyện, anh Nguyễn Tuấn Dương hăng say cùng đội nhóm làm nhiệm vụ tại các điểm test, hỗ trợ các điểm tiêm vắc xin… Thế rồi, một ngày anh nhận được kết quả dương tính với Covid-19. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng lo lắng, hoang mang là điều khó tránh khỏi, anh Dương tự trấn an rằng sẽ vượt qua và xác định trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẽ tiếp tục tham gia phòng, chống dịch. |
Đồng hành cùng vợ chồng anh Dương trong công tác tình nguyện phòng, chống dịch, em Nguyễn Thị Hồng Châu, học trò của vợ chồng anh Dương, chia sẻ: “Là một học trò của thầy, em may mắn được thầy truyền động lực để tham gia tình nguyện cùng địa phương chống dịch. Bản thân em nghĩ, mình còn trẻ, mình không làm thì ai làm. Việc tham gia tình nguyện cùng địa phương chống dịch, em thấy mình được nhiều hơn là mất. Tình nguyện để trải nghiệm, được làm điều có ích, hơn hết, em cảm thấy rất vui”.
Chúng tôi được biết, anh Dương theo nghề làm tóc của ông nội, của ba bằng cả đam mê. Xuất phát từ truyền thống gia đình, anh bắt đầu phát triển thêm nghề nhờ sự ham học hỏi. Năm 2008, anh Dương đã tham gia ngành tóc tại TP.Hồ Chí Minh. Khá nhiều năm, vợ chồng anh tham gia các chương trình thiện nguyện mang tên “Y tế xanh” của thành phố. Chương trình đồng hành cùng các y, bác sĩ của thành phố đến với bà con nghèo tại các tỉnh miền Tây để xây cầu, khám chữa bệnh và cắt tóc miễn phí.
Anh Dương nói thêm: “Tôi từng tham gia tình nguyện tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây nhiều rồi, tại sao lại không thể làm công tác này ở nơi mình sinh ra (?)”. Và rồi, 5 năm nay, cứ hè đến, anh lại tập hợp tất cả thợ và học trò của mình về cắt tóc, phát quà đầu năm học cho các em học sinh của địa phương. “Tiếc là năm nay vì dịch bệnh nên chương trình chưa thể tiếp tục”, anh Dương giãi bày.
Chính vì đam mê, nên anh Dương cũng mong truyền nghề một cách chân thành. Trong đó, anh đau đáu mong muốn truyền nghề - trao chiếc cần câu cho các bạn trẻ bán vé số có được cái nghề để mưu sinh, đỡ vất vả nắng mưa, hơn nữa, giúp các em thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống…
HUỲNH THỦY