Lạc quan với thị trường xuất khẩu- Kỳ I

Cập nhật: 04-06-2020 | 08:41:22

Kỳ I: Tái cơ cấu sản xuất, mở rộng thị trường

Sản xuất hàng xuất khẩu tại công ty TNHH Hoàn Cầu (KCN Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên)

Dịch bệnh Covid-19 được khống chế tốt là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh xuất khẩu, tái cơ cấu sản xuất, đón đợi cơ hội bật dậy, vươn ra lớn mạnh hơn.

Tín hiệu tích cực

Tháng 5-2020, nền kinh tế thế giới tiếp tục đà suy giảm mạnh do tình hình bệnh dịch tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và các nước châu Phi. Song đối với một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc kinh tế đang dần phục hồi sau khi bệnh dịch được kiểm soát. Số DN hoạt động trở lại đang tăng dần, tình hình xuất nhập khẩu đang dần được phục hồi và ổn định trở lại.

Tuy nhiên, một tin vui cho cộng đồng DN là với tuyên bố “sống chung cùng dịch bệnh” của Mỹ và các nước châu Âu, hàng hóa Việt Nam có cơ hội lưu thông. Mới đây, Đại sứ quán Mỹ đã xác nhận việc không đặt ra rào cản nào với hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường này. Liên minh châu Âu (EU) cũng khẳng định việc EU phong tỏa biên giới trước mắt không ảnh hưởng đến luồng hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương, tốc độ luân chuyển hàng hóa từ các khâu vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ... sẽ bị gián đoạn khi các nước đóng cửa biên giới, làm chậm trễ dòng chảy kinh tế, dịch vụ. Hàng hóa nhập khẩu vào EU bằng đường hàng không chắc chắn ảnh hưởng nặng nề nhất vì các chuyến bay bị hoãn, cắt giảm. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu hơn 60% bằng đường biển, 39% bằng đường hàng không.

Với sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và cộng đồng DN, tình hình xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm của Bình Dương đã có khởi sắc. Đặc biệt, nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh đã có mức tăng trưởng lên đến hai con số. Ngành giày da, tháng 5-2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 298 triệu USD, tăng 13,6% so với tháng trước. Lũy kế 5 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.054,1 triệu USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 10,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Không kém phần tươi sáng, ngành dệt may, tháng 5-2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 371,1 triệu USD, tăng 10,5% so với tháng trước. Lũy kế 5 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.366,7 triệu USD, tăng 7,8% so với tháng trước, chiếm tỷ trọng 13,5% tổng kim ngạch xuất khẩu

Theo đánh giá của Sở Công thương, đến nay một số thị trường xuất chủ yếu đang dần nới lõng chính sách thắt chặt biên giới sau thời gian cách ly xã hội. Tình hình xuất nhập khẩu đang có nhiều dấu hiệu phục. Một số DN đã có đơn hàng xuất khẩu mới với thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản như ngành may mặc, da giày và cơ điện. Riêng đối với thị trường Trung Quốc, nhiều DN đã xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu được nguồn nguyên liệu. Sở Công thương cũng đã chủ động làm việc với Tham tán thương mại cung cấp thông tin về tình hình xuất nhập khẩu vào thị trường các nước trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 nhằm hỗ trợ DN có nông sản, hàng hóa cần tiêu thụ.

Ưu tiên phát triển thị trường

Triển vọng và cơ hội là khá rõ ràng cho các DN Việt. Hiện nay, nhiều DN đã tự lực tìm kiếm thị trường, sản phẩm mới, cách làm mới để duy trì, ổn định sản xuất, đón đợi cơ hội bật dậy sau những khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Theo bà Trương Thị Ngọc Thiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (KCN Nam Tân Uyên) - một đơn vị chuyên sản xuất và xuất khẩu cà phê, trước khi dịch bệnh diễn ra, công ty đã có kế hoạch nâng cấp nhà máy, mở rộng sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, trong dịch bệnh mọi kế hoạch dừng lại. “Mặc dù không bị cắt đơn hàng nhưng đa số các đối tác lớn của công ty đều có động thái giảm, hoãn tất cả đơn hàng tới hết tháng 6-2020. Vì vậy, lượng hàng xuất khẩu của DN đã giảm 40% so với năm 2019. Chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu bị gián đoạn dẫn đến DN không thể tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, chi phí gia tăng. Tuy nhiên, để “tự cứu mình”, công ty đã triển khai chiến lược chuyển đổi thị trường tiêu thụ vào trong nước bằng cách sản xuất thêm cà phê hòa tan. Và đến nay công ty tiếp tục lên kế hoạch phát triển thị trường xuất khẩu trên toàn thế giới”, bà Thiệp kỳ vọng.

Để vượt qua khó khăn, nhiều DN tiếp tục tìm kiếm thị trường mới ngoài thị trường truyền thống. Theo đại diện Công ty TNHH Hoàn Cầu (KCN Đất Cuốc - Bắc Tân Uyên) - đơn vị sản xuất rèm cửa tự động, lâu nay thị trường chính của công ty là Mỹ. Trong dịch bệnh công ty đã đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu, cụ thể là Pháp để mở rộng thị trường. Tuy nhiên, đi cùng với thị trường khó tính như châu Âu, công ty cũng phải tiếp tục đổi mới theo thị hiếu của thị trường từ chất liệu đến mẫu mã sản phẩm. Hiện tại, DN đang tăng cường xúc tiến thương mại và làm việc với phía đối tác để ký kết các hợp đồng mới, đa dạng hơn nữa nguồn nguyên liệu đầu vào, nhất là ưu tiên phát triển thị trường trong nước để chủ động nguồn nguyên liệu.

Đối với ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh như ngành gỗ, trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19, nhiều DN gặp khó khăn không xuất phát từ việc phải giãn cách xã hội mà vì các đơn hàng bất ngờ bị hủy, nhất là thị trường Mỹ và EU. Có thị trường nhập khẩu dừng hoàn toàn, có thị trường vẫn duy trì lượng nhỏ. Nhiều DN vẫn có một số sản phẩm có thể xuất được như đồ gỗ nội thất đi Mỹ, Canada, Nhật Bản… Bên cạnh đó, cùng với những đơn hàng đã đặt, DN cũng điều chỉnh lại sản xuất một số sản phẩm để đưa vào lưu kho, chờ hết dịch, xuất khẩu trở lại.

Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), DN cố gắng khôi phục, tái cơ cấu sản xuất, nhưng đơn hàng cũng chưa thấy về nhiều, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chính như EU, Mỹ... DN đã hoạt động được 50- 60% công suất. Một số nước đã mở cửa trở lại, nhưng vẫn chưa đủ để đối tác đặt hàng. Tình hình quý 2 không có nhiều thay đổi. DN hy vọng sang quý III tình hình dịch sẽ được kiểm soát tốt và việc phát triển sản xuất của ngành sẽ tốt hơn. (Còn tiếp)

Trong 5 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương đạt 9,8 tỷ đô la Mỹ, tăng 0,4% so với cùng kỳ. Nhập khẩu 8 tỷ đô la Mỹ, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Duy trì thặng dư thương mại đạt 1,8 tỷ đô la Mỹ.

TIỂU MY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=663
Quay lên trên