Lại chuyện thi nhan sắc chui: Khi lợi nhuận che mờ con mắt

Cập nhật: 18-05-2022 | 14:19:39

Thực tế, câu chuyện thi chui, mua bán danh hiệu các cuộc thi nhan sắc… đã có từ nhiều năm nay và được cơ quan ban ngành vào cuộc một cách quyết liệt. Song, với những lợi nhuận có được, các đơn vị vẫn bấp chấp, núp bóng hoạt động biểu diễn thời trang, nghệ thuật để “làm liều”.

Những ngày qua, vụ việc cuộc thi Miss Yoga Việt Nam 2022 bị khui “tổ chức chui” khi chưa được cấp phép gây xôn xao dư luận.

Theo đó vào đầu tháng 5-2022, mạng xã hội thông tin tại khách sạn Paradise (Tuần Châu, Hạ Long)  diễn ra cuộc thi sắc đẹp mang tên “Miss Yoga Việt Nam 2022”, có 31 thí sinh tham dự. Sự kiện được quảng bá rộng rãi, các pano của chương trình còn gắn logo của Tổng cục Du lịch Việt Nam và nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn. Hình ảnh các thí sinh tham dự cuộc thi cũng được chia sẻ rầm rộ.

Thông tin lan truyền, phía Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tỉnh Quảng Ninh cho biết trước đó công ty này có nộp hồ sơ xin cấp phép tổ chức nhưng do chưa đủ thủ tục nên chưa được chấp nhận. Tiếp đó, Sở VH&TT tỉnh Quảng Ninh cũng có văn bản mời đại diện Công ty Cổ phần truyền thông và giải trí MC Media lên làm việc vì có liên quan tới cuộc thi người đẹp, tổ chức trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khi chưa được cấp phép.

Sau khi làm việc, Thanh tra Sở VH&TT tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đơn vị tổ chức sự kiện này với số tiền 15 triệu đồng.

Núp bóng làm liều

Còn nhớ hồi cuối năm 2020 – đầu năm 2021, cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 bị tố là cuộc thi hoa hậu rởm, có dấu hiệu lửa đảo. Bà Q.H.L – người được trao vương miện cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 đã gửi đơn lên Bộ Thông tin - Truyền thông, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, tố cáo ban tổ chức cuộc thi vì có hành vi vi phạm pháp luật.

Bà Q.H.L.- người đoạt vương miện Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 tố cáo ban tổ chức lừa đảo.

Bà Q.H.L. cho biết, để có được “vương miện”, bà đã bỏ ra số tiền lên tới hàng tỷ đồng, với danh nghĩa tài trợ cho cuộc thi. Đáng nói, ngày diễn ra chung kết, thí sinh bị “lùa” từ Vũng Tàu về TP. Hồ Chí Minh vì bị chính quyền Vũng Tàu không cho phép tổ chức. Sau đó, cuộc thi tiếp tục diễn ra ở một phim trường ở TP. Hồ Chí Minh. Dù không có khán giả, không có phần thi nào nhưng ban tổ chức lại trao tới 20 vương miện cho 20 trên tổng số 40 thí sinh tham gia, ở mỗi danh hiệu. Cũng theo bà Q.H.L, phía Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 cho biết cuộc thi đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) cấp phép? Tuy nhiên phía Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định không cấp phép cho cuộc thi trên.

Hồi tháng 10-2020, cuộc thi Miss Baby Vietnam diễn ra tại Thừa Thiên Huế cũng bị phát hiện sai phạm. Theo đó, phía ban tổ chức đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội, khoe đã tìm được chủ nhân của vương miện cao quý. Tuy nhiên, qua kiểm tra Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định Hoa hậu Nhí Việt Nam được Sở VH&TT Thừa Thiên Huế cấp phép là hoạt động trình diễn thời trang trẻ em. Ban tổ chức chương trình này tự ý chuyển từ “hoạt động trình diễn thời trang trẻ em” thành “cuộc thi hoa hậu nhí” là không đúng với quy định cấp phép về thi hoa hậu.

Việc cơ quan chức năng mạnh tay xử lý những cuộc thi chui cho thấy sự cương quyết trong việc dẹp các cuộc thi chui, tránh “loạn” danh hiệu. Song không phải đơn vị, tổ chức nào cũng nghiêm chỉnh chấp hành. Nhiều tổ chức lách luật bằng cách nghĩ ra những cuộc thi quy mô nhỏ, phạm vi ao làng và núp bóng dưới những cái tên như người đẹp, miss, hoa khôi… để trao vương miện. Nếu bị sờ gáy nhiều đơn vị còn ngụy biện cho cái sai của mình bằng những lý do như “quá tải nên mắc vài lỗi nhỏ trong khâu xin phép”; “do sơ suất”; “trễ”… Thậm chí nhiều tổ chức nắm rõ quy định nhưng vẫn chấp nhận mất tiền, nộp phạt.

Trong khi thủ tục, giấy tờ của các cơ quan chức năng trong việc kiểm định, cấp phép các cuộc thi nhan sắc đã dễ thở hơn, không cần phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn mà chỉ cần UBND tỉnh, thành phố chấp thuận…,  nhưng các đơn vị, tổ chức vẫn cố tình “đi đêm”, khiến dư luận đặt dấu hỏi.

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng hãng Luật Gia Đình), tất cả các cuộc thi chui diễn ra đều có mục đích về lợi nhuận, tìm nhà tài trợ, có nhu cầu mua giải để đánh bóng tên tuổi, thương hiệu và vì những mục đích khác phía sau. Lợi nhuận, tài chính mà các cuộc thi thu được khá lớn, trong khi mức xử phạt quá ít nên các đơn vị bất chấp quy định để tổ chức. Hơn nữa, khi phải thực hiện theo quy trình pháp luật đòi hỏi điều kiện, thủ tục khắt khe, nhiều thời gian… họ không đáp ứng được quy định của pháp luật, không được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép nên tổ chức chui, vừa nhanh lại đỡ tốn kém.

“Việc xử phạt hiện nay chủ yếu phạt hành chính, mức phạt cũng không quá lớn so với lợi nhuận họ thu được nên họ sẵn sàng tổ chức chui.Với việc tổ chức các cuộc thi  đòi hỏi điều kiện khắt khe phải được cấp giấy phép, hồ sơ, thời gian duyệt, thẩm định nên họ biết có thể xin không được. Vì lợi nhuận, mua giải, huy động tài trợ, đánh bóng tên tuổi… nên họ sẵn sàng làm liều”,  luật sư Trần Minh Hùng cho hay.

Bên cạnh đó, sự “thèm khát” danh hiệu của một bộ phận cũng là lý do khiến cho các cuộc thi chui ngày càng nở rộ. Trong quan niệm của một bộ phận hiện nay, danh xưng hoa hậu, á hậu là “bàn đạp tiến thân” giúp người sở hữu nó thuận lợi hơn trong mọi việc. Chỉ cần đầu đội vương miện, tay cầm quyền trượng… là sẽ tạo ra bước ngoặt mới, con đường bước chân vào showbiz Việt trở nên dễ dàng. Chưa hết, suy nghĩ lệch lạc làm hoa hậu, á hậu sẽ “hái ra tiền” cũng khiến nhiều người lao vào các cuộc thi nhan sắc để tìm danh hiệu. Không cần biết đó là giải “ao làng” “hoa hậu xóm”, họ vẫn sẵn sàng tham gia để có được một danh xưng, kèm với đó là ồn ào mua giải, đại gia chống lưng… Có cầu ắt có cung, sự xuất hiện ồ ạt của những cuộc thi chui, không có giấy phép có lẽ cũng là điều dễ hiểu.

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Dù tham gia cuộc thi chính danh, quy mô là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, song thí sinh Huyền Trang gây sốc dư luận vì câu trả lời “hồn nhiên” khi được MC Phan Anh hỏi: "Khi nhìn thấy vương miện Hoa hậu Hoàn vũ, bạn nghĩ tới điều gì?". Cô thẳng thắn chia sẻ: "Đó là sự nổi tiếng, thu nhập thật cao. Bởi vì em thấy như chị Phạm Hương bây giờ có rất nhiều show quảng cáo lớn, đi sự kiện rất nhiều. Em rất ngưỡng mộ. Tất nhiên, sau những cái đấy là kiếm được rất nhiều tiền". Phát ngôn “ham tiền” của Huyền Trang khiến khán giả lắc đầu ngán ngẩm. Sau đó, thí sinh này cũng rút khỏi cuộc thi này, được cho là để tham gia cuộc thi nhan sắc khác phù hợp hơn.

Một tiết mục trong chương trình Miss Yoga Việt Nam 2022.

Không thể phủ nhận, danh hiệu giúp người sở hữu nó có cát-xê cao hơn bình thường, được săn đón ở sự kiện, tiếp xúc với tầng lớp mới có địa vị, có tiền… Song, việc bất chấp tất cả để có được danh hiệu là điều đáng lên án. Từng có một thực tế phũ phàng là nhiều người đẹp ở các cuộc thi chui, ao làng bị phanh phui tham gia đường dây bán dâm cao cấp với giá nghìn đô. Năm 2018, Á hậu T.D. bị vướng vào tin đồn tham gia đường dây bán dâm giá khủng. Khi ấy, T.D. lên tiếng khẳng định tin đồn cô bán dâm là không đúng.

Thời điểm bị công an bắt, chân dài chỉ ngồi trò chuyện trong khách sạn với 1 doanh nhân muốn giúp đỡ mình. Không chỉ có T.D., nhiều cô gái có danh xưng á hậu, hoa hậu ở các cuộc thi ao làng cũng gây sốc dư luận khi bị tình nghi có liên quan tới đường dây bán dâm nghìn đô như J.N, Hoa khôi thời trang 2017 P.T.T.H., Á hậu T.M.L….

Phạt hành chính, phạt tiền với những đơn vị  có hành vi vi phạm trong việc tổ chức các cuộc thi chui là điều vô cùng quan trọng, song vẫn chưa đủ sức răn đe để ngăn chặn những hành động sai trái này.

Luật sư Trần Minh Hùng cho rằng, mức xử phạt trong các nghị định hiện nay chủ yếu phạt tiền, mức phạt chưa cao so với lợi nhuận đơn vị, tổ chức thu được nên chưa có tính răn đe.

“Cần phải xử phạt hành chính cao để có tính răn đe. Ngoài ra có thể phạt bổ sung như cấm hoạt động trong lĩnh vực liên quan trong thời gian dài, tước giấy phép…Thậm chí nếu có dấu hiệu lừa đảo thì có chế tài hình sự nhằm tạo sự răn đe. Bởi việc tổ chức chui diễn ra từ lâu, thường xuyên nhưng chế tài không đủ mạnh nên chưa chấm dứt được vấn nạn này”, vị luật sư kiến nghị.

Vương miện, danh hiệu cũng có thể được coi là một bảo chứng cho nhan sắc và tài năng. Song việc bất chấp quy định của pháp luật để có được vương miện khiến người sở hữu trở nên xấu xí, chưa kể danh hiệu đạt được cũng không được công nhận về mặt pháp luật. Thay vì tìm đến những giá trị phù phiếm, các người đẹp nên thực hiện lối sống lành mạnh, thượng tôn pháp luật, cống hiến giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=637
Quay lên trên