Lại đua lãi suất huy động vốn

Thứ năm, ngày 20/09/2012

Cuộc chạy đua đẩy lãi suất huy động lên cao có thể làm mất cơ hội giảm lãi suất cho vay để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Tám tháng đầu năm 2012, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước tăng 11,23%, trong khi dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế chỉ tăng 1,4%. Dù vậy, gần đây, các ngân hàng (NH) vẫn tiếp tục đẩy mạnh huy động kỳ hạn dài với lãi suất lên đến 12%-13%/năm. Nếu cuộc đua kéo dài, chi phí huy động vốn tăng cao sẽ làm lãi suất cho vay “dậy sóng” theo.

Kỳ hạn dài tăng vọt

Từ ngày 11-9, NH TMCP Á Châu (ACB) áp dụng biểu lãi suất mới với lãi suất huy động cao nhất là 13%/năm (kỳ hạn 13 tháng lãnh lãi cuối kỳ), kỳ hạn 12 tháng lãi suất cũng lên tới 12,5%/năm. Mới đây, ngày 18-9, NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đưa lãi suất huy động lên mức cao nhất là 13%/năm kỳ hạn 13 tháng và 12,5%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm trong 12 tháng.

  Lãi suất cho vay cao sẽ khiến doanh nghiệp càng khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng   Tại nhiều NH khác, dù lãi suất không lên “đỉnh” 13%/năm nhưng đều áp dụng mức phổ biến từ 11,5%/năm đến 12%/năm để thu hút khách hàng như SCB, HD Bank, Phương Nam, VPBank…

Không chỉ tăng lãi suất, hàng loạt chương trình khuyến mãi kèm quà tặng giá trị cũng được các NH tung ra để kéo khách hàng về phía mình.

Trong khi các NH bước vào cuộc đua lãi suất mới thì dư nợ cho vay vẫn tăng rất chậm chạp. Tín dụng 6 tháng đầu năm 2012 gần như không tăng trưởng. Sau đó, khi hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) của các bộ ngành, địa phương được áp dụng thì tín dụng mới tăng nhẹ trở lại. Cuối tháng 7, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng hơn 1% và cũng chỉ nhích lên 1,4% trong suốt 8 tháng đầu năm...

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng với sự lệch pha của huy động và cho vay, tiền có thể chạy lòng vòng trong NH. Không cho vay được nhưng vẫn huy động là biểu hiện NH “đói vốn”. Nợ xấu vẫn là “cục máu đông” làm dòng tiền ngưng trệ, không quay vòng về như trước đây khiến NH chạy đôn đáo, huy động vốn cao.

Mất cơ hội vốn rẻ

Giải thích về việc nhiều NH tăng lãi suất huy động vốn, phó tổng giám đốc một NH cổ phần tại TPHCM cho biết thời điểm này bắt đầu vào mùa tín dụng cuối năm, nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh phục vụ dịp Tết sắp tới, thanh toán hàng hóa dịch vụ… nên các NH phải tranh thủ huy động “chờ thời”. Thêm nữa, khi thị trường tài chính có biến động lớn vào cuối tháng 8, một số NH bị khách hàng đến rút tiền gửi sang NH khác nên phải nâng lãi suất để giữ chân khách hàng...

“Hiện cho vay trên thị trường liên NH vẫn cần tài sản bảo đảm nên nhiều NH không dám cho vay. Cho vay DN cũng  khó vì lo ngại nợ xấu tăng. Dẫu vậy, NH không tăng lãi suất huy động thì khách gửi tiền sẽ chạy qua NH khác” - lãnh đạo một NH khác nhận xét.

Trước hiện tượng các NH lại đẩy lãi suất huy động lên cao, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại khách hàng DN và cá nhân sẽ mất cơ hội vay vốn giá rẻ. Bằng chứng là hàng loạt gói tín dụng hỗ trợ DN với lãi suất chỉ khoảng 9%/năm, 10%/năm thời gian qua được các NH công bố rầm rộ nhưng DN rất khó đáp ứng yêu cầu vay. Nay lãi suất đầu vào tăng, cơ hội tiếp cận nguồn vốn này càng khó. Nhân viên tín dụng một NH thương mại cổ phần Nhà nước tiết lộ gói 10.000 tỉ đồng của NH này đã giải ngân hết nhưng chỉ vài DN lớn được NH tài trợ dự án mới “với tới”...

Lãnh đạo nhiều NH thừa nhận khi chi phí huy động vốn kỳ hạn dài lên 12%-13%/năm, cộng thêm các khoản chi phí hoạt động khác thì lãi suất cho vay tối thiểu cũng phải 15%-16%/năm.

Sốc vì NH tăng lãi suất cho vay

Ngày 19-9, anh T., nhà ở quận 5 - TPHCM, phản ánh đến Báo Người Lao Động anh vay 300 triệu đồng của Sacombank để sửa chữa nhà. NH này vừa thông báo tăng lãi suất khoản vay, từ 14%/năm lên 19%/năm.

Anh T. cho biết vào tháng 7, theo yêu cầu của NH Nhà nước, Sacombank đã điều chỉnh giảm lãi suất gói vay của anh từ 17%/năm về 14%/năm. Nay mới được hơn 1 tháng hạ lãi suất, NH này lại tăng lên 19%/năm. “Giảm ít - tăng nhiều kiểu này chẳng khác nào “giết” khách hàng” - anh T. bức xúc.

Theo NLĐ