Một số ngân hàng (NH) vừa phải giảm lãi suất cho vay VND từ 17-18% còn 15-16%/năm nhưng doanh nghiệp vẫn kêu quá cao. Người vay lắc đầu khiến vốn đang bị đọng tại NH. Đã có NH giảm lãi suất huy động.
Doanh nghiệp không vay vốn khiến cho dư nợ tín dụng trong ba tháng đầu năm tăng ở mức thấp, trong khi một số NH đang bị ứ vốn.
Giảm rồi vẫn cao
Tổng giám đốc một công ty xây dựng tại Bình Chánh, TP.HCM cho biết ba tuần qua ông liên tục nhận được điện thoại chào mời vay vốn của NH, lãi suất chỉ 15%/năm và không phải trả thêm phí. Tuy nhiên ông vẫn lưỡng lự chưa vay vì mức lãi suất này quá cao. So với cùng kỳ năm ngoái, vốn vay ngân hàng của công ty này đã giảm hơn một nửa.
Ông cho biết dù là vay ngắn hạn nhưng trên giấy tờ đều có kỳ hạn trên 12 tháng để NH được áp dụng lãi suất thỏa thuận.
Ông K., giám đốc một công ty thiết bị máy tính, cho biết được NH Sài Gòn Thương Tín, NH Á Châu... mời vay vốn với lãi suất thấp hơn mức đã chào trước đây khoảng 3%/năm.
Lãi suất huy động sẽ giảm
Chủ tịch hội đồng quản trị một NH cổ phần nói đang có chủ trương giảm lãi suất huy động. Nếu trước đây, lãi suất trả bình quân trên 12% thì nay giảm còn 11,5%/năm. Khoản giảm chủ yếu rơi vào thưởng, khuyến mãi.
Nhiều NH cho rằng nếu vốn cứ nằm kho thế này thì họ cũng buộc phải giảm lãi suất, có thể giảm dần trở về mức 10,5%/năm.
Giám đốc tài chính một công ty thức ăn gia súc ở Long An cho biết đã có NH chào lãi suất vay 14%/năm do công ty có doanh số lớn và sử dụng nhiều dịch vụ NH.
Nhiều doanh nghiệp cho biết từ khi quy định cho vay theo lãi suất thỏa thuận được áp dụng đã không còn tình trạng thu phí như trước.
Tuy nhiên, các khoản vay đều được quy thành vay trung - dài hạn để áp dụng lãi suất thỏa thuận. Nếu trả trước hạn, doanh nghiệp phải chịu thêm khoản phí. Nhưng lãi suất này vẫn cao.
Các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề kêu lãi suất cao là có cơ sở. Năm 2009, doanh nghiệp chỉ phải trả lãi suất khoảng 6% do được Chính phủ bù 4% lãi suất. Năm 2010, lãi suất trở lại mức 10% là hợp lý nhưng thực tế doanh nghiệp đang phải trả 17-18%.
Một phó giám đốc chi nhánh NH Công thương (Vietinbank) cho biết doanh nghiệp cảm thấy không đảm bảo được hiệu quả sản xuất kinh doanh với mức lãi suất hiện nay. Doanh nghiệp buộc phải tính toán lại, dự án nào có hiệu quả mới vay vốn.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, phó tổng giám đốc NH Đông Á, cho rằng các doanh nghiệp chần chừ, chờ lãi suất giảm rồi mới vay.
Theo TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ, mức lãi suất 17-20%/năm chỉ phù hợp với những doanh nghiệp “đánh quả”, doanh nghiệp làm ăn bài bản không chấp nhận mức lãi suất này.
Né lãi suất cao
Diễn biến lãi suất cho vay trong thời gian gần đây
Đại diện NH Sài Gòn Thương Tín cho biết trong quý 1-2010 huy động vốn tăng 7% nhưng cho vay chỉ tăng 3% do doanh nghiệp không chịu được mức lãi suất cao. Khi NH giảm lãi suất cho vay, có thêm doanh nghiệp nộp hồ sơ vay vốn.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo NH này cũng thừa nhận tình hình vay vốn vẫn chưa thể sôi động như trước. Vì vậy, hướng chung là lãi suất phải giảm thêm. Ngay mức lãi vay 15-16%/năm doanh nghiệp cũng phải chật vật mới chịu đựng nổi. Nếu để lãi suất cao, không chỉ doanh nghiệp khó mà NH cũng chịu rủi ro nếu doanh nghiệp không trả được nợ.
Xu hướng chung là doanh nghiệp né vay vốn VND, chuyển sang vay USD với lãi suất chỉ bằng 1/3 của VND. Đại diện sở giao dịch 2 NH Công thương cho biết vay USD trong quý 1-2010 tại NH này tăng 28%, trong khi vay VND chỉ tăng 5,5%.
Tín dụng tăng thấp
Theo NH Nhà nước, dư nợ tín dụng VND trong tháng 3-2010 ước tăng 0,91% so với tháng trước và tăng 0,57% so với tháng 12-2009 là mức tăng khiêm tốn. Tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM, nơi chiếm 1/3 dư nợ tín dụng của cả nước, trong ba tháng đầu năm chỉ tăng 0,37%.
Bà Văn Thái Bảo Nhi, Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp của NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank), cho biết đa số doanh nghiệp xuất nhập khẩu chọn vay USD do vậy tín dụng VND tăng chậm hơn so với USD.
Lãi suất vay USD tại Eximbank là 2,5-3%/sáu tháng và doanh nghiệp cam kết bán USD cho NH. Eximbank hỗ trợ 1% lãi suất nếu trong thời gian vay sáu tháng tỉ giá tăng quá mức 5%.
Để bớt khó khăn do lãi suất cao, theo ông Trần Hoài Nam - Phó Tổng Giám đốc NH Quốc tế (VIB), doanh nghiệp cần phải xây dựng phương án kinh doanh chi tiết rõ ràng, quản lý chặt chẽ các tài sản đảm bảo, gia tăng phần vốn đối ứng (vốn chủ sở hữu).
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng nên chú ý tiếp cận, sử dụng các dịch vụ NH để được NH áp dụng mức lãi suất dành cho khách hàng thân thiết, tránh tình trạng cần vốn mới tìm đến NH, nên hợp tác với NH ngay từ khi khởi nghiệp.
Doanh nghiệp cũng nên tận dụng vốn có lãi suất rẻ hoặc ưu đãi về thủ tục như nguồn vốn trung - dài hạn được bù 2% lãi suất, vốn vay từ các chương trình dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Theo ông Hồ Hữu Hạnh - Giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, giải pháp hiện nay là phải giảm bớt lãi suất huy động xuống, sau đó mới tiến đến cạnh tranh giảm lãi suất cho vay.
Thực tế một vài ngày gần đây cũng đã có một số NH cổ phần âm thầm giảm lãi suất huy động.
(THEO TUỔI TRẺ)